Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Giá cao su tự nhiên của Việt Nam khó phục hồi về như trước dịch

Nhu cầu trong và ngoài nước còn yếu, trong bối cảnh xung đột thương mại các nước lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cầu của các nguyên liệu đầu vào trong đó có mặt hàng cao su tự nhiên.

Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết khối lượng xuất khẩu cao su tháng 7/2020 ước đạt 180.000 tấn, giá trị 217 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 7 tháng đầu năm 2020 đạt 662.000 tấn, giá trị 855 triệu USD, giảm hơn 15% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kì năm 2019.

Giá cao su xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2020 khoảng 1.325 USD/tấn, giảm 3,3% so với cùng kì năm 2019. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020, chiếm thị phần lần lượt là 68,2%, 4,8% và 3,2%.

Thị trường mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động giảm trong tháng 7/2020. Tại Bình Phước, giá thu mua mủ nước giảm còn 235 đồng/độ, mủ cao su dạng thô giảm 100 đồng/kg xuống 11.000 đồng/kg. Giá mủ tại Đồng Nai ổn định ở mức 9.600 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa kì hạn Tokyo (Tocom) diễn biến tăng trong tháng 7/2020. Thị trường tài chính toàn cầu tăng cao, cùng với những phát hiện ban đầu từ 3 loại vắc xin thử nghiệm COVID-19 tiềm năng cho thấy kết quả tích cực, gia tăng kì vọng giải pháp y tế cho đại dịch toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo của chính phủ tại Mỹ và EU đang thúc đẩy gói kích thích lớn nhằm giảm bớt thiệt hại kinh tế từ đại dịch.

Kết thúc phiên giao dịch 21/7, hợp đồng benchmark kì hạn tháng 12/2020 đạt 159 yên/kg, tăng 4,6 yên (tương đương 2,9%) so với phiên đầu tháng. Giá cao su physical trên thị trường châu Á diễn biến tăng so với tháng trước.

Cụ thể, RSS3 Thái Lan ngày 20/7 ở mức 1,52 USD/kg, giảm 0,01 USD/kg; STR20 Thái Lan ở mức 1,26 USD/kg, giảm 0,03 USD/kg; SMR20 Malaysia ở mức 1,18 USD/kg, tăng 0,03 USD/kg; SIR20 Indonesia ở mức 1,18 USD/kg, tăng 0,03 USD/kg so với ngày 1/7.

Cũng theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản trong ngắn hạn, thương mại cao su có thể được phục hồi do các nước trên thế giới đang dần dỡ bỏ những chính sách phong tỏa, giãn cách xã hội. Các hoạt động từ sản xuất đến lưu thông được dần khôi phục.

Bên cạnh đó, các gói kích thích kinh tế từ chính phủ bước đầu phát huy hiệu quả và ngăn chặn thành công sự bùng phát của dịch COVID-19. Triển vọng ngắn hạn của thị trường cao su có thể khả quan khi chính phủ các nước chuyển hướng từ tập trung chống dịch COVID-19 sang nỗ lực khôi phục kinh tế.

Ngoài ra, việc các nước mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu, từ đó tác động tích cực đến ngành cao su.

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su quốc tế (ANRPC), ngành cao su đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất do cuộc khủng hoảng của dịch COVID-19 và đang có những dấu hiệu phục hồi. Sau khi giảm 15% trong tháng 5/2020, 5,3% tháng 6/2020; tiêu thụ cao su toàn cầu quí III/2020 được dự báo sẽ tăng 1,4% so với cùng kì năm 2019 và ước tính sẽ chuyển hướng tăng từ tháng 7/2020.

Tuy nhiên, giá cao su chưa có dấu hiệu khả quan khi Trung Quốc dự báo GDP trong quí II/2020 tăng 3,2% và sản lượng công nghiệp tăng, song dấu hiệu nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu có thể vẫn giữ giá cao su ở mức như hiện nay.

“Nhu cầu trong và ngoài nước còn yếu, trong bối cảnh xung đột thương mại các nước lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cầu của các nguyên liệu đầu vào trong đó có mặt hàng cao su tự nhiên. Do vậy, trong thời gian tới giá cao su tự nhiên xuất khẩu của Việt Nam khó có thể phục hồi như trước giai đoạn đại dịch COVID-19”, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản dự báo.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng