I. Các loài cây bonsai
– Ngày nay, có khoảng 120 loài cây được sử dụng trong việc tạo ra bonsai và nhiều hơn một chút nếu tính cả các giống cây trồng. Con số này hơi ít, nhưng người ta tin rằng trước thời Bunka-Bunsei (1804 – 1829) trong giai đoạn sau của thời Edo, khi việc làm vườn rất phổ biến, đã có ít nhất 20 loài bonsai: thông Nhật Bản (trắng, đen và đỏ), bách xù, tuyết tùng Nhật Bản, thông rụng lá Nhật Bản, mận Nhật Bản, anh đào, trà hoa và đỗ quyên, nhưng không xác định rõ vì không có cây nào được lưu lại. Tuy nhiên, có thể nói rằng số lượng loài cây được sử dụng trong bonsai ngày nay đã tăng lên đáng kể. Khi tình yêu bonsai lan rộng trong xã hội, từ giới quý tộc, samurai, các thiền sư, đến văn nghệ sĩ và dân chúng nói chung, người ta bắt đầu kết hợp các loài cây khác nhau vào cuộc sống hàng ngày của họ để tìm cách thể hiện phong vị của mỗi mùa. Sự hài hòa của cây lá kim và cây rụng lá (lá, hoa, quả) đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến và phát triển bonsai.
– Các loài cây được sử dụng trong bonsai phải khỏe và sống lâu. Chúng cũng phải có khả năng chịu được cắt tỉa mà vẫn đâm chồi đẹp. Lá của chúng nhỏ và các nhánh phải mảnh mai và ken nhau dày đặc. Màu sắc cũ kĩ của vỏ cây cũng phải được thể hiện. Ví dụ, một cây thông trắng Nhật Bản với lá kim ngắn, thẳng sẽ được ưa thích hơn loài có lá kim dài và xoắn. Bách xù thì nên tránh loài có lá to và những loài có lá mảnh mới có giá trị. Vỏ cây thông đen Nhật Bản nên thô ráp, xù xì trong dáng vẻ lộng lẫy của nó.
– Một số loài bonsai Nhật Bản bao gồm cả thông đen Nhật Bản đã được mang ra nước ngoài, nhưng mặc dù bonsai đã phổ biến trên toàn thế giới, rất ít loài cây từ nước ngoài được đưa vào Nhật. Điều này có thể là do các vấn đề như kiểm dịch thực vật, nhưng sẽ rất thú vị khi có một sự trao đổi rộng rãi các loài bonsai trong tương lai.
– Khi chọn lựa phong cách bonsai, cần nghiên cứu thêm về những phong cách thích hợp với những cây cụ thể. Hình dáng của cây khiến người xem nhận ra được loài cây, thậm chí ở khoảng cách xa, có thể quan trọng hơn chúng ta nghĩ.
Sau nhiều năm sương giá
Trái tim xanh của cây thông năm mới
Không thay đổi.
Tháng Giêng
– Trưng bày tokonoma để mừng năm mới. Cây thông đen đóng vai trò nổi bật trong phong cảnh mỹ lệ của Nhật Bản và như một cây thường xanh có hàm ý tôn vinh, biểu tượng cho sự trường thọ và thịnh vượng, được sử dụng rộng khắp trong dịp Tết. Loài cây này có thân thẳng, đứng vững chãi và yên lặng. Nó có phẩm chất và tính cách chính trực, thích hợp cho việc chào đón tia nắng đầu tiên của năm mới.
Trưng bày Tokonoma mừng năm mới
1. Thông đen Nhật Bản (kuromatsu)
– Đôi khi Nhật Bản được mô tả là “xứ sở của thông”. Matsushima, Miyajima, Amano-hashidate… vô số địa danh của Nhật Bản đặc biệt nổi tiếng về thông đen. Thông đen từ lâu là sự hiện diện thân thuộc đối với người Nhật, trở thành một vật phẩm để thờ cúng trong Thần đạo. Ngày nay, với tư cách là bonsai, thông đen và thông trắng Nhật Bản là hai loại bonsai lá kim quý khá phổ biến. Loài cây này, thế thẳng đứng phóng khoáng (moyogi) với thân dày, gợi lên hình ảnh một con chim đại bàng đang giang cánh, vỏ cây xù xì tráng lệ và lá hướng thẳng lên đầy sức mạnh. Phẩm chất này không thể có được trừ phi cây đã được chăm sóc tốt trong nhiều năm. Với hình dáng và khí chất như thế, loài cây này trông đẹp đến mức mê đắm với những người yêu bonsai.
Thông đen Nhật Bản (Kuromatsu)
2. Vân sam yezo (ezo-matsu)
– Trước chiến tranh, loài cây khúc khuỷu dùng trong bonsai được vận chuyển từ đảo Kunashiri, thuộc quần đảo Kuril, vào nội địa Nhật Bản với số lượng lớn, chẳng mấy chốc đã tạo ra một nhu cầu lớn về vân sam Yezo mà ngày nay vẫn còn được nhắc đến. Không khó để hình dung phẩm chất được đề cao của vân sam Yezo, được mô tả như một tuyệt tác của thiên nhiên khiến con người kinh ngạc. Trên tất cả, điểm nổi bật nhất của loài cây này là vẻ uy nghi và hình dáng biến hóa. Mọc trên vùng đất hoang vắng ở phía bắc Nhật Bản, vân sam phải chịu đựng điều kiện thiên khắc nghiệt từ năm này qua năm khác. Khi được chăm sóc cẩn thận trong chậu cảnh, dáng vẻ tuyệt đẹp của cây sẽ trở nên bền vững. Đây là một loài cây mang dáng vẻ uy nghi với lịch sử kỳ lạ sẽ tiếp tục thu hút trí tưởng tượng của nhiều người.
Vân Sam Yezo (ezo-matsu)
3. Thông năm lá Nhật Bản (goyomatsu)
– Thông năm lá Nhật Bản khá đa dạng, có loài ở miền Bắc và có loài ở miền Nam, được gọi là thông Shikodu, thông Nasu, thông Azuma… tùy thuộc vào nơi chúng mọc lên. Vô số cây cổ thụ có giá trị về mặt lịch sử đã được tìm thấy ở các vùng này. Thông trắng và thông đen là hai loại bonsai quý có quả hình nón, riêng thông trắng thường xuyên đoạt giải nhất trong các triển lãm bonsai Kokufu hàng năm. Ngược lại với thông đen lộng lẫy và mạnh mẽ, thông trắng tinh tế, thanh nhã, tán lá dày đặc thích hợp với mọi kiểu dáng tạo hình cây và thể hiện vẻ đẹp phong phú. Loài cây này, thế thẳng đứng phóng khoáng (moyogi), có hình dáng của một cổ thụ ung dung tự tại, rễ bám vào đất một cách mạnh mẽ, liên quan đến việc chăm sóc nhiều năm trên khay.
Thông năm lá Nhật Bản (goyomatsu)
4. Mận dại (yabai)
– Là một loài cây có hoa chóng tàn, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae) và có nguồn gốc từ Trung Hoa. Mận dại (tiếng Nhật là ume hay yabai) du nhập vào Nhật bản từ thời Nara (thế kỷ thứ 8) và trở thành một loài cây có hoa báo hiệu cho mùa xuân. Những loài cây truyền thuyết như Tobiume, Oshukubai (hai loài mận Nhật Bản) rất nổi tiếng và được trang hoàng với shochikubai (thông trúc mận – tượng trưng cho Phúc Lộc Thọ) trong suốt dịp tết, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Nhật. Mận dại phổ biến với vị thế bonsai từ giai đoạn đầu thời Minh Trị (1868 – 1912), vô số cây mận dại cổ thụ đã được truyền lại từ thời trước Thế chiến thứ hai. Những đóa hoa mỏng manh nở trong sương giá tỏa hương thơm ngọt ngào, có một khí chất rất phù hợp với vẻ đẹp cổ kính của vỏ cây. Loài cây này giống như một viên đá quý thuần khiết với sự sinh động của thân cay khô già cỗi, làm say lòng người xem. Đặc biệt trong thời kỳ ra hoa, cây có vẻ đẹp giản dị và tao nhã.
Mận dại (yabai)
5. Thông đỏ Nhật Bản (akamatsu)
– So với thông đen, thông đỏ có lá mềm và sáng hơn. Đặc trưng này thường rất nổi bật trong thế cây. Ngược lại với thân dày, uy nghi mà rất phù hợp với thông đen, thân mảnh mai, dễ lay động của thông đỏ được nhiều người yêu thích. Với thế văn nhân (bunjingi) tinh tế, thông đỏ giữ vị trí đứng đầu trong bonsai suốt thời Minh Trị, khi bonsai văn nhân rất phổ biến và được sử dụng để trang hoàng trong các phòng chính (zashiki) của nhà hàng, miếu thờ, đền thờ. Loài cây độc đáo này có phẩm chất của văn nhân và đậm vẻ giản dị, thanh cao trong dáng dấp mảnh khảnh. Khi ngồi lặng lẽ để ngắm loài cây này, người ta tưởng như có thể nghe thấy âm thanh của gió thổi qua những rặng thông.
Thông đỏ Nhật Bản (akamatsu)
6. Trà hoa (tsubaki)
– Người ta cho rằng, như một loài cây góp phần hình thành các khu rừng cận nhiệt đới, cây trà hoa mọc rất nhiều ở vùng tây nam của các hòn đảo Nhật Bản từ thời tiền sử. Trà hoa Nhật Bản (trà hoa dại) với những bông hoa đơn đỏ thắm, phân bố khắp các vùng ven biển Thái Bình Dương của Nhật Bản. Hàng loạt giống trà hoa trồng trong vườn đã được tạo ra và giờ đây chúng là một nhóm lớn cây có hoa. Màu sắc của trà hoa đã trở thành một phần không thể thiếu của mùa xuân. Những chiếc rễ cây lộ ra mang một vẻ thanh nhã khó tả; cách các cành nhánh sắp xếp gợi cảm giác dịu dàng và rất tự nhiên. Sự tương phản tuyệt đẹp giữa những bông hoa cao quý và lá không bao giờ tạo cảm giác buồn chán.
Trà hoa (tsubaki)
7. Quất cảnh (kinzu)
– Là loài cây thuộc họ cam quýt (Rutaceae), có nguồn gốc từ miền nam Trung Hoa và Ấn Độ, quất cảnh được du nhập vào Nhật Bản trong thời Edo (1603 – 1868) và trở nên phổ biến như một loại bonsai nhỏ. Lá cây quất cảnh thon dài, dai, có hình oval và mọc so le. Các cuống lá có cánh; nhánh cây có nhiều gai, vô số bông hoa trắng nhỏ với năm cánh nở ở nách lá vào mùa thu. Thường những cây có lá to và nhánh thô khiến rât khó tạo hình để làm bonsai, nhưng với quất cảnh, là một loài cây thấp lùn, điều này thật dễ dàng vì lá của chúng mọc dày đặc. Loài cây này, với thân dày trong thế thẳng đứng phóng khoáng (moyogi), thu hút ánh mắt chiêm ngưỡng bằng vẻ mạnh mẽ và tôn nghiêm. Cây cho những quả nhỏ màu vàng sậm trên các nhánh trong suốt mùa đông lạnh lẽo, kết hợp với màu lá xanh quanh năm tạo cảm giác đầm ấm, đáng yêu.
Quất cảnh (kinzu)
8. Phật thủ (bushukan)
– Là loài cây bụi thường xanh, thuộc họ cam quýt (Rutaceae), có nguồn gốc từ Lumbini (Nepal) và Ấn Độ, được trồng như một loài cây trong vườn ở các vùng ôn đới và từ lâu đã được xem như một loại bonsai. Trên những nhánh cây xòe rộng của nó có nhiều gai ngắn. Lá phật thủ dài, hình oval, mọc so le; cuống lá không có cánh. Vào đầu hạ, những bông hoa trắng lớn với năm cánh nở bung trên các nhánh cây. Mùa đông, quả phật thủ chín chuyển sang màu vàng, nứt ra ở phía đầu quả tạo thành hình các ngón tay, trông giống bàn tay của tượng Phật, do đó mà có tên như thế. Những nhánh cây phật thủ tỏa ra một cách tinh tế, trông rất ấn tượng. Cây có dáng nửa thác đổ kiêu hãnh và mềm mại. Không gian ngan ngát hương thơm ngọt ngào của loại quả được liên tưởng với bàn tay Phật này có thể làm dịu tâm hồn.
Cây phật thủ (bushukan)