1. Đặc điểm của Sâu năn hại trên lúa
– Sâu năn (Orseolia oryzae), thuộc họ muỗi năn (Cecidomyidae), bộ hai cánh (Diptera).
– Con trưởng thành là một loại muỗi có hình dạng và kích thước gần giống như con muỗi thường, con cái bụng có màu đỏ sáng, chúng hoạt động và giao phối vào ban đêm, ban ngày thường ẩn lấp trong khóm lúa gần mặt nước hoặc trong các bụi cỏ. Mỗi con muỗi cái có thể đẻ hàng trăm quả trứng ở mặt dưới của lá lúa hoặc trên bẹ lá, phía trên mặt nước khoảng 10-20cm.
Sâu năn (muỗi hành) đối tượng gây hại nguy hiểm trên cây lúa
– Trứng của muỗi rất nhỏ mắt thường khó phát hiện. Lúc mới đẻ trứng có màu trắng sữa, sau chuyển dần sang màu đỏ tím. Sau khi nở sâu non (dòi) đòi hỏi phải có giọt sương hoặc nước mưa đọng trên lá, bẹ lá mới di chuyển bằng cách lách qua mép lá hay chui trực tiếp từ ngọn vào để cắn phá điểm sinh trưởng, làm cho điểm sinh trưởng biến dạng thành hình ống (giống như cọng hành hoặc cọng cỏ năn), rồi nằm ở bên trong. Khi sắp vũ hóa, nhộng di chuyển dần lên gần ngọn lá hành đục lỗ chui ½ thân mình ra ngoài lột bỏ vỏ nhộng thành muỗi rồi bay đi.
– Sau khi nhộng vũ hóa ngộn ống hành vàng héo dàn thâm khô và cụt đi.
2. Đặc điểm của lúa khi bị sâu năn gây hại
– Cây lúa bị hại có màu xanh thẫm, cổ áo sít lại, cứng, lá ngắn và dựng đứng. Lá đọt tuy biến thành ống hành nhưng cây lúa vẫn tiếp tục đẻ nhánh được, những cây lúa đã bị hại thì không cho bông.
– Điều khó khăn nhất trong việc phòng trừ muỗi gây lá hành là không phát hiện được sớm ruộng sâu bị hại, vì khi nhìn thấy cọng hành cũng là lúc sâu đã gây hại xong. Vì vậy muốn phát hiện sớm sâu cần thăm ruộng lúa thường xuyên (ở giai đoạn lúa đẻ nhánh), khi phát hiện thấy có những cọng hành đầu tiên cần chú ý đến những cây có màu sắc lá xanh sẫm, các lá phía trên ngắn lại, phần thân ở gốc phình to (hơi tròn), hơi cứng, lấy lưỡi dao lam chẻ dọc thân cây lúa, nếu cây đã bị nhiễm sâu thì sẽ thấy sâu non (con dòi) nằm ở bên trong điểm sinh trưởng của cây lúa.
3. Cách hạn chế hiên tượng sâu năn gây hại trên cây lúa
Để hạn chế tác hại của sâu các bạn có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp chính sau đây:
– Trước khi xuống giống cần dọn sạch lúa chét, cỏ dại trên ruộng và xung quanh bờ vì đây chính là những cây kí chủ phụ quan trọng làm cầu nối cho sâu từ vụ trước chuyển qua vụ sau khi trên đồng ruộng chưa có mặt của cây lúa.
– Không nên gieo cấy lai rai xen kẽ nhiều thời vụ trên cùng một cánh đồng tạo nguồn thức ăn liên tục cho sâu trên đồng ruộng.
– Không nên bón phân quá trễ để hạn chế cây lúa đẻ nhánh lai rai từ đó cắt giảm bớt được nguồn thức ăn liên tục trên đồng ruộng của sâu.
– Ở những ruộng thường bị sâu gây hại hàng năm nên giảm bớt lượng phân đạm và kali, đồng thời tăng cường thêm phân lân so với những ruộng bình thường khác.
– Không nên gieo sạ quá dầy, chỉ nên gieo sạ khoảng 120-150kg lúa giống cho một ha là vừa.
– Không nên sử dụng thuốc trừ sâu ở giai đoạn đầu của cây lúa để bảo vệ thiên địch của sâu như các loại ong kí sinh trứng, kí sinh sâu non (dòi), kí sinh nhộng.
– Khi phát hiện ruộng chớm bị sâu gây hại, nên tạm thời tháo cạn nước ruộng để hạn chế sự lây lan phát triển của sâu.
Nếu ruộng bị sâu gây hại thì có thể dùng một số loại thuốc trừ sâu dạng hạt như: Regent, Padan, Basudin… rải vào ruộng để diệt sâu. Về liều lượng và cách sử dụng thuốc các bạn có thể đọc hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc có in sẵn trên vỏ bao bì.