Dự báo thị trường xuất khẩu sắn sẽ tốt lên, nên các doanh nghiệp đang giữ hàng chờ giá. Tuy nhiên, doanh nghiệp kinh doanh sắn cũng đang đứng trước nhiều khó khăn như thiếu hụt nguyên liệu, cạnh tranh giá gay gắt với Thái Lan và Indonesia…
Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn, chiếm khoảng 93% tổng sản lượng xuất khẩu, trong đó có tới hơn 65% sản lượng sắn xuất khẩu theo hình thức giao hàng tại biên giới.
Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 3 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 209.858 tấn, với 94,119 triệu USD. Cộng dồn cuối kỳ báo cáo đạt 720.649 tấn, trị giá 309,064 triệu USD, trong đó xuất khẩu sắn đạt 237.946 tấn, với 67.144.480 USD.
So với cùng kỳ năm 2021 giảm 16,86% về lượng và giảm 3,28% về giá trị, riêng sắn giảm 33,57% về lượng và giảm 25,19% về trị giá.
Dự báo nhu cầu về tinh bột sắn tăng cao
Trong 2 tháng đầu năm nay Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 sắn và các sản phẩm từ sắn Việt Nam đạt 494.379 tấn với 205,778 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2021 giảm 25,35% về lượng nhưng tăng 10% về giá trị.
Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh hiện có gần 60.000 ha sắn với 65 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến tinh bột sắn và các sản phẩm liên quan. Hiện nay lượng sắn xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh không cao nhưng giá xuất đang ổn định.
Hiện giá sắn tươi bà con trong tỉnh bán ra dao động từ 2.600 đồng/kg – 2.700 đồng/kg, hơi thấp so với các năm nhưng năng suất lại tăng nên có thể bù đắp. Tuy nhiên do giá phân bón tăng cao nên lợi nhuận của bà con bị giảm một phần.
Còn đối với doanh nghiệp, mặc dù trong các tháng đầu năm xuất khẩu sắn sụt giảm về lượng và giá trị nhưng theo thông tin Sở NN-PTNT Tây Ninh có được thì hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu sắn vẫn có lãi nên họ đang đẩy mạnh sản xuất. Thậm chí có một số doanh nghiệp trữ hàng không bán vì có nhiều yếu tố cho thấy thị trường Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu tinh bột sắn và thị trường thế giới cũng được dự báo có nhu cầu tăng cao.
“Có nhiều lý do để các doanh nghiệp kinh doanh tinh bột sắn tin tưởng như vậy, vì biến động thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố có thể do nhu cầu đến từ thị trường Trung Quốc, có thể do giá xăng dầu tăng cao đẩy vật giá leo thang, nhưng cũng có khi do tâm lý của doanh nghiệp họ thấy môi trường xuất khẩu đang tốt nên giữ hàng lại”, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh phân tích.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh sắn, hiện họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trước đây nguồn nguyên liệu sắn phục vụ chế biến chủ yếu được thu mua từ các nông hộ trong và ngoài tỉnh. Sau khi dịch khảm lá bùng phát gây hại, năng suất sắn giảm, khiến việc sản xuất luôn đặt trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp phải nhập sắn thô từ Campuchia về để chế biến.
Dịch COVID-19 kéo dài cửa khẩu Trung Quốc thường xuyên đóng biên, còn xuất chính ngạch với giá xuất khẩu thấp do cạnh tranh với Thái Lan, Indonesia. Bên cạnh đó, việc dừng hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Tổng cục Thuế cũng đang gây khó cho doanh nghiệp.
Thay đổi chỉnh sách thuế, cuối cùng thì “trăm dâu cũng đổ đầu nông dân”
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, trong hồ sơ hoàn thuế yêu cầu phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn thuế GTGT. Vấn đề này gây khó cho doanh nghiệp vì tập quán giao thương của doanh nghiệp hai bên biên giới từ xưa đến nay không thể thay đổi trong “một ngày, một bữa” được. Do vậy, cần có thời gian để cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc thích nghi.
Hiện nay tập quán thương mại giữa doanh nghiệp hai bên là mua bán tiểu ngạch, nên tất cả các hồ sơ chứng từ không thể hiện rõ ràng như xuất chính ngạch và đa số là mua bán qua thương lái. Ngoài ra, có một số vấn đề không thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp, ví dụ xác định doanh nghiệp phía bên kia là có thật hay không, thì doanh nghiệp Việt Nam không thể nào làm được.
“Mua bán tiểu ngạch chỉ cần có người mua là doanh nghiệp Việt Nam bán và có khi mua bán qua hai, ba tầng nấc trung gian, quan trọng là tiền có chuyển vào ngân hàng và hàng xuất đi là có thật. Đây là 2 yếu tố quan trọng để được hoàn thuế chứ không nhất thiết phải biết rõ “lai lịch” doanh nghiệp bên kia vì vấn đề này không quan trọng.
Bộ Tài chính ra văn bản này với mục đích là chống gian lận hoàn thuế GTGT, nhưng doanh nghiệp nào gian lận thì xử lý doanh nghiệp đó không thể bắt tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu sắn đều phải làm như nhau.
Ngoài ra, chính sách thuế thay đổi đột ngột như vậy thì không có doanh nghiệp nào chịu được, vì trước khi xuất hàng đi họ biết sẽ hoàn thuế nên cân đối lãi lỗ và tính giá mua sắn tươi của nông dân. Một khi không được hoàn thuế doanh nghiệp sẽ mua sắn tươi với giá thấp hơn và người chịu thiệt vẫn là bà con nông dân, như vậy, cuối cùng thì ‘trăm dâu đều đổ đầu nông dân’”, ông Nguyễn Đình Xuân nêu quan điểm.
Cây sắn là cây lương thực quan trọng thứ 3 sau cây lúa, cây ngô với diện tích khoảng 530 nghìn ha và được trồng chủ yếu ở vùng trung du miền núi. Những năm gần đây, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đạt tới 1,35 tỷ USD/năm, đứng thứ 2 thế giới sau Thái Lan.
Cây sắn đã và đang là cây có nhiều tiềm năng, được Bộ NN-PTNT đưa vào danh sách 13 cây chủ lực quốc gia, được xem là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng sâu vùng xa, góp phần vào chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn của Chính phủ.
Theo BizLive