Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc keo lai bằng phương pháp giâm hom

Keo lai là tên gọi của keo lai tự nhiên giữa giống keo tai tượng và keo lá tràm. Đây là loại cây sinh trưởng nhanh, chịu đựng được khô hạn và có thể trồng được trên các loại đất khác nhau. Năng suất trồng keo lai có thể lên đến 20m3/ha 1 năm. Vì vậy, việc đưa các loài keo lai vào trồng rừng sản xuất, đặc biệt là trồng rừng cung cấp lấy gỗ để làm nguyên liệu giấy là điều hết sức cần thiết, vừa tăng thu nhập cho nười trồng rừng, vừa cải thiện đất đai ở những vùng đồi núi trọc. Trong bài viết dưới đây chúng tôi xin giới thiệu với bà con kỹ thuật gây trồng và chăm sóc cây keo lai.

1. Phương pháp nhân giống loài keo lai

– Đối với loài keo lai bà con cần hết sức chú ý, không nên dùng hạt cây keo lai để trồng rừng mới bởi cây keo lai là loài cây keo lai là giống lai F1, khi bà con dùng hạt keo lai để trồng rừng thì sẽ gây ra thoái hóa cho vườn trồng rừng mới, cho năng vườn keo thấp. Đối với keo lai nên nhân giống bằng phương pháp sinh dưỡng bằng giâm hom hoặc nuôi cấy mô để tạo cây keo lai giống là tốt nhất.

– Phương pháp nhân giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô đặc biệt có ưu điểm là cây giống sạch bệnh, đồng nhất về mặt di truyền, cây sinh trưởng nhanh, đồng đều, thân thẳng, nhưng đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và nghiêm ngặt, mặt khác cây cho giá thành cao.

– Phương pháp giâm hom cây keo lai có kỹ thuật đơn giản dễ áp dụng, bà con có thể tự sản xuất cây giống tại nhà, mà chất lượng vẫn đảm bảo cho nhu cầu trồng rừng. Phương pháp này cây vẫn giữ được các đặc tính di truyền cây giống gốc, hệ số nhân giống cao và vẫn đảm bảo được chu kỳ sản xuất kinh doanh. Vì vậy, nên sử dụng phương pháp giâm hom để nhân giống.

2. Kỹ thuật nhân giống keo lai bằng phương pháp giâm hom

Các bước giâm hom đúng kỹ thuật:

– Bước 1: Chọn cành hom

Chọn các cành bánh tẻ, không sâu bệnh, có chồi ngủ. Khi cắt cành con trên cây mẹ cần để 1-2 lá và nhúng các gốc cành hom vào xô nước sạch.

– Bước 2: Cắt cành hom

Sử dụng kéo cắt cành hom, cành hom có kích thước chiều dài từ 12-15 cm, có 1-2 chồi ngủ. Cắt cành hom ở đốt lá cuối cùng 0,2 cm. Vết cắt phải phẳng nhẵn, không dập xước sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cành hom. Bà con nên cắt toàn bộ lá ở cặp lá thứ 4 và cắt 2/3 diện tích phiến lá của cặp lá thứ 3.

– Bước 3: Khử trùng hom

Sau khi ta cắt cành hom có được cành hom tiêu chuẩn, bà con tiến hành khử trùng hom. Cho hom vào dung dịch thuốc khử trùng đã được pha sẵn, dùng que đảo cành hom cho thuốc ngấm đều. Việc khử trùng hom này để phòng trừ nấm bệnh ở cây keo lai con. Thời gian để khử trùng hom là 15-20 phút sau đó vớt cành hom ra giá để ráo nước.

– Bước 4: Xử lý và cắm hom

Bà con trước khi giâm cành hom cần nhúng nhẹ cành hom vào thuốc kích thích ra rễ sao cho thuốc bám đều vào gốc cành hom. Sau đó nên cắm luôn hom vào bầu. Hom cắm cần thẳng đứng ở giữa bầu, sâu 2 cm. Sau đó nén nhẹ đất vào gốc hom để giữ chặt gốc hom.

Nhúng cành hom vào dung dịch và cắm cành hom

Nhúng cành hom vào dung dịch và cắm cành hom

– Để tỉ lệ ra nảy mầm và tỉ lệ sống sót của cây keo lai cao, bà con có thể sử dụng các chất kích thích ra rễ đang đưuọc bán ngoài thì trường. Trong các loại chất kích thích ra rễ có hoạt chất Auxin Indole-3-butyric acid K-IBA 98% của công ty cổ phần Chelate Việt Nam được mệnh danh là chất siêu kích thích ra rễ của cành giâm giúp cây ra rễ khỏe mạnh, tăng khả năng chịu hạn cho cành giâm hom. Bà con pha với liều lượng 500-1000 mg/L nhúng nhanh trong 3 giây sau đó lây ra và cắm vào bầu ươm (tương đương 5-10g/10L nước).

Lưu ý: + Nên cắm hom vào buổi sáng, khi trời không có nắng to hoặc không mưa.

+  Khi thao tác cắm hom bà con không nên để hom phía sau chạm vào hom ở phía trước.

+ Nên cắm hom dài ở giữa luống và hom ngắn nên cắm ở 2 bên dìa luống để thuận tiện chúng ta chăm sóc.

3. Chăm sóc cây hom giống

Sau khi giâm hom vào bầu hom cần chăm sóc hom và luống hom:

– Cần che bóng cho cây hom giống tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào cây hom giống. Sử dụng lưới nilong trắng tạo thành vòm để vẫn đủ cung cấp ánh sáng tán xạ cho cây giống.

– Tưới nước: Nhu cầu lượng nước tưới để cung cấp độ ẩm cho cây giống hom rất cao. Định kỳ phun tưới nước 30-60 phút cho cây giống hom 1 lần, mỗi lần 7-10 giây.

– Bón thúc: Tưới phân NPK 1 kg phân pha cho 100 lit nước tưới cho 15000 cây. Phun thuốc chống nấm.

– Dọn vệ sinh vườn hom: Trong quá trình chăm sóc cây phải nhặt bỏ lá rụng, hom chết. Đồng thời phun thuốc VEC 0,3% định kỳ 10 ngày/lần.

– Chăm sóc cây hom trong vườn: Sau khi rễ cây phát triển đến đáy bầu sau khoảng 20-25 ngaỳ kể từ khi bắt đầu cắm hom thì bắt đầu chuyển cây ra vườn để nuôi dưỡng.

4. Tiêu chuẩn cây giống cây keo lai mang đi trồng

– Cây con đủ tiêu chuẩn đem đi trồng phải tốt, khỏe mạnh có đỉnh chủ đạo, hệ rễ phát triển đầy đủ, không vỡ bầu, không sâu bệnh.

Tiêu chuẩn chọn cây keo lai trồng

Tiêu chuẩn chọn cây keo lai trồng

– Cây đem ra trồng phải đủ tuổi từ 2-3 tháng; chiều cao 20-30 cm; đường kính gốc 0,2-0,3 cm.

5. Kỹ thuật trồng cây keo lai ra vườn

5.1. Điều kiện gây trồng cây keo lai

– Điều kiện đất trồng: Cây keo lai có thể thích hợp với các loại đất khác nhau, nhưng để trồng keo lai đạt năng suất cao nên trồng trên đất dốc dưới 35 độ.

+ Đất có tầng dày trung bình từ 50cm trở lên. Thành phần cơ giới thịt nhẹ, thịt trung bình, sắt nhẹ, cát pha.

+ Độ cao: dưới 500m so với mức nước biển

– Khí hậu: cây keo lai thích hợp trồng ở vùng có điều nhiệt đới.

+ Nhiệt độ trung bình năm 22-26oC

+ Lượng mưa từ 1000-3000mm/năm.

Chú ý: không trồng cây keo nơi có độ cao trên 500m so với mực nước biển. Không trồng những nơi thường xuyên có gió to.

5.2. Thời vụ trồng cây keo lai

– Trồng cây keo lai vào đầu mùa mưa, đất có đủ độ ẩm, thời tiết râm mát. Ở các tỉnh miền Bắc có 2 vụ trồng cây keo lai:

+ Vụ xuân: từ 15/2 đến 15/5

+ Vụ thu: Từ đầu tháng 8 đến 15/9

5.3. Mật độ trồng rừng

– Tùy theo địa hình trồng cây và đầu tư kinh doanh để xác định mật độ trồng cây. Thường mật độ trồng rừng trung bình 2000 cây/ha. Hàng cây bố trí theo đường đồng mức.

– Hàng x hàng: 2,5m, Cây x cây: 2m

5.4. Chuẩn bị đất trồng, hố trồng cây keo lai

– Phát dọn thực bì: Phát dọn toàn diện ở những nơi có độ dốc thấp, với địa hình bằng phẳng, phát dọn cục bộ với những nơi có địa hình hiểm trỡ, độ dốc cao.

– Đào hố: Đào hố với kích thước 40x40x40 cm.

+ Việc làm đất phải hoàn thành trước 30 ngày để đất có đủ thời gian phân hóa và giảm bớt sâu bệnh hại trong đất.

+ Lấp đất hố trồng kết hợp với việc bón lót cho hố và phải hoàn thành hố trước 8-10 ngày khi trồng. Lưu ý đất cho xuống hố phải là đất sạch không lẫn đá, cỏ, rễ cây.

– Bón lót cho hố trồng:

+ Dùng cuốc cào lấp mặt, lấp đầy 1/2 chiều sâu của hố. Sau đó đổ phân NPK và phân vi sinh theo lượng quy định: 200g NPK + 300g phân vi sinh  xuống hố. Tiếp tục lấp đất màu đến 2/3 chiều sâu hố rồi trộn đều với phân trong hố. Cuối cùng lấp đất đầy hố theo hình mu rùa cao hơn miệng hố 5cm.

+ Nếu đất trồng có nhiều mối, dế hại cây có thể thêm vào mỗi hố 10g thuốc Fucadan hay Diaphos 10H, hoặc các loại thuốc chống mối, dế, các loại khác cùng với bón lót.

5.5. Kỹ thuật trồng cây keo lai

– Sau khi đất trồng đã được chuẩn bị hoàn tất, nên tiến hành trồng cây con ra vườn.

– Lưu ý khi trồng cây nên chọn những ngày mưa phùn, thời tiết dâm mát và đất ở trong hố đã đủ ẩm.

– Bước 1: Tạo lỗ trồng cây có chiều sâu hơn chiều cao của bầu từ 2-3cm.

– Bước 2: Dùng kéo hoặc dao lam để rạch vỏ bầu, khi rạch vỏ bầu nên hết sức lưu ý nên nhẹ tay, tránh làm vỡ bầu.

– Bước 3: Đặt cây xuống lỗ vừa tạo, lấp đất ½ bầu sau đó nhẹ nhàng kéo vỏ bầu lên. Tiếp tục lấp đất 2/3 bầu và nén đất xung quanh bầu lần thứ nhất. Sau đó tiếp tục lấp đất kín mặt bầu và chúng ta nén lần thứ 2, dùng tay xoa phẳng mặt đất trồng.

6. Chăm sóc và bảo vệ rừng trồng cây keo lai

6.1. Chăm sóc vườn keo lai

– Sau khi trồng 1-3 tháng cần kiểm tra rừng trồng thường xuyên để kịp thời trồng dặm trong 1-2 năm đầu để đảm bảo mật độ thiết kế.

Kỹ thuật chăm sóc cây keo lai

Kỹ thuật chăm sóc cây keo lai

– Năm thứ nhất: cần phát dọn cây leo cây bụi, xới vun gốc đường kính 0,5m bón phân NPK trộn với phân vi sinh với tỉ lệ 1:1. Bón 0,1kg/cây, sâu 0,5cm, cách gốc 10 cm, lấp đất kín phân

– Năm thứ 2: chăm sóc  2 lần vào đầu mùa mưa và cuối màu mưa. Bao gồm phát thượng bì dây leo, xới vun gốc cây đường kính 0,5m, kết hợp với bón phân NPK trộn với phân vi sinh tỉ lệ 1:1. Bón 0,1kg/cây cách gốc 10cm, sâu 5 cm.

– Năm thứ 3: Chăm sóc vào đầu và cuối mùa mưa, phát dây leo và cây bụi. Xới đất, vun gốc đường kính 0,6m.

– Năm thứ 4: Chăm sóc 1 lần vào đầu mùa mưa. Tỉa bỏ cành khô, có thể chặt bỏ một số cây để điều chỉnh mật độ keo, nếu trồng thuần loại. Hoặc giải phóng không gian sinh dưỡng cho cây trồng chính nếu trồng hỗn giao và có biểu hiện chèn ép cây trồng chính.

6.2. Bảo vệ rừng keo lai

– Trong những năm đầu mới trồng keo lai, không chăn thả trâu bò vào rừng để ngăn trâu bò ăn lá keo.

– Phòng tránh cháy cho vườn keo cần có đường, xây dựng đường băng cản lửa, dự trữ nước để kịp thời dập nếu có đám cháy.

7. Thu hoạch vườn keo lai

Rừng keo tham canh đúng kỹ thuật, sau 4-5 năm có thể khai thác gỗ để chế biến hồ giấy. Năng suất trồng keo lai từ hom bình quân đạt 20m3/ha/năm. Sau 7-8 năm trữ lượng đạt 140-160m3/ha/năm.