Sau một năm mang về giá trị xuất khẩu khoảng 1 tỉ USD, thanh long vụ Tết đang bí đầu ra với 300.000 tấn do Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu.
Ngày 6-1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn trực tuyến “Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long” giữa bối cảnh các vùng trồng thanh long cả nước đang vào vụ thu hoạch Tết nhưng vắng người mua.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, quả thanh long chiếm giá trị lớn trong tổng giá trị xuất khẩu trái cây cả nước (11 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu thanh long đạt gần 933 triệu USD, cả năm 2021 ước đạt khoảng 1 tỉ USD, chiếm khoảng 43% xuất khẩu trái cây – PV).
Thanh long cũng là loại quả đã được xuất khẩu chính ngạch sang các nước: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, EU, Ấn Độ, Thái Lan… Thanh long cũng là loại nông sản “thuần túy” Việt Nam, khác với một số mặt hàng phải nhập nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Tuy vậy, quả thanh long đang chịu áp lực khắt nghiệt của thị trường, bắt buộc toàn ngành phải thay đổi để thích ứng.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết thanh long được trồng tại hơn 30 tỉnh, thành nhưng tập trung hơn 90% sản lượng tại Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Trong quý I/2022, khoảng 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.
Theo các nhà vườn trồng thanh long, hiện tại đang là thời điểm nghịch vụ, nông dân chong đèn sản xuất nên giá thành cao trong khi thiếu thương lái thu mua, nhiều kho hàng tạm ngưng hoạt động chờ động tĩnh từ phía Trung Quốc.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho rằng Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Với khối lượng xuất khẩu lớn, trái cây Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo có rất nhiều vi phạm nhưng thường không được thông báo ngay mà thông báo hàng loạt vào các hội nghị chuyên ngành của 2 quốc gia khiến việc tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục rất khó khăn.
Với góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit (Long An), nhận xét Việt Nam có lợi thế rất lớn nhờ gần thị trường lớn 1,4 tỉ dân và có khả năng chi trả cao.
“Chúng ta xuất khẩu thanh long sang 50 nước không bằng lượng xuất qua Trung Quốc, có thị trường xuất khẩu cả năm không bằng bán cho Trung Quốc trong 2 ngày. Chúng tôi có lô hàng xuất khẩu châu Âu, lịch tàu 26 ngày tới nhưng thực tế 42 ngày mới cập cảng, hàng hóa hư hại nhiều. Tôi nói điều này để nông dân, các doanh nghiệp thấy rõ tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc và cần tuân thủ các quy định của họ nếu muốn bán được hàng thay vì kêu ca họ làm rõ. Những thị trường khác cũng có yêu cầu về vùng trồng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật” – ông Huy nhấn mạnh.
Trước những khó khăn của việc xuất khẩu bằng đường bộ, một số doanh nghiệp chuyển hướng sang xuất khẩu đường biển thì gặp vấn đề thiếu vỏ container và cước vận chuyển tăng gấp 3 lần.
Kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhắc lại thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, yêu cầu cao. Chính vì vậy, phía Việt Nam cần xác định nâng cao năng lực để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số 1 hiện nay.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu vấn đề hiện nay, các sản phẩm trái cây như thanh long, xoài, dưa hấu, mít… đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ qua đường bộ, đường thủy lại vướng mắc việc thiếu vỏ container. Vì vậy, các đơn vị cần đồng hành, phối hợp cùng tháo gỡ, không đổ thừa trách nhiệm.
Theo Người lao động