Khi bonsai bắt đầu phổ biến trên toàn thế giới qua cuộc Triển lãm quốc tế tại Osaka năm 1970, Liên đoàn Bonsai thế giới (WBFF) và Hiệp hội Bonsai châu Á – Thái Bình Dương (ASPAC) lần lượt được thành lập và từ “bonsai” trở thành một từ quốc tế. Nhiều người khắp thế giới từ Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độc, Úc tới Nam Mỹ và Trung Mỹ đã đến để tìm hiểu về bonsai.
Nhà văn Murase Shuho và hoàng thân Saionji Kinmochi đều được cho là đã đặt ra từ “bonsai” vào khoảng thời Minh Trị Duy Tân (1868) (mặc dù có thuyết cho rằng từ này đã được các nghệ sĩ và nhà văn sử dụng vào cuối thời Edo). Dĩ nhiên thuật ngữ này đã không phổ biến ngay lập tức và lúc đó, từ bunjin-ueki (nghệ thuật cây cảnh) được ưa chuộng. Trung tâm của bunjin-ueki là vùng Kansai của Nhật Bản, nhưng các nhà chế tác và kinh doanh bonsai dưới sự bảo trợ của các nguyên lão thời Minh Trị như Ito Hirobumi, Kido Takaylshi, Matsukata Masayoshi và Okuma Shigenobu đã tích cực hợp tác với vùng Kansai để giới thiệu thị hiếu này cho giới văn nhân. Bunjin-ueki bắt nguồn từ văn hóa Kyoto đã được đưa đến Kanto từ giữa thời Minh Trị rồi được thay thế bằng “bonsai”.
Điều thú vị về quá trình này là phạm vi phổ biến của bonsai và thị hiếu của văn nhân có mối liên hệ mật thiết. Cuốn sách Jieziyuan Huazhuan (Giới tử viên họa truyền) được phát hành vào đầu triều Thanh ở Trung Hoa đã có ảnh hưởng đáng kể tới thị hiếu của văn nhân Nhật Bản.
Ấn phẩm này cung cấp các giải thích chi tiết về tranh phong cảnh (trong đó có cây cối). Tuyển tập đầu tiên được xuất bản vào năm 1679, tuyển tập thứ hai và ths ba là vào năm 1701. Các tuyển tập được tái bản sớm ở Nhật Bản và trở thành không chỉ cẩm nang cho nâng hoặc bunjinga (tranh văn nhân) vào giữa thời Edo, mà còn là kiểu mẫu cho cách thức miêu tả của nhiều nghệ sĩ (là những người am hiểu sâu về bonsai). Có thể nói nguyên mẫu ho bonsai mà chúng ta thấy ngày nay đã được tạo ra trong giai đoạn này. Bây giờ, chúng ta sẽ đi ngược về quá khứ và khám phá nguồn gốc của bonsai.
Thời Nara và Heian (thời Cổ đại), cũng như thời Kamakura, Muromachi, Azuchi và Momoyama (thời Trung cổ), có thể được xem là thời tiền sử của bonsai, tài liệu chi tiết về sự xuất hiện của chúng trong tác phẩm Nippon Bonsai Bonseki Shiko của Hideo Marushima.
Quý tộc thời Nara (710 – 794) đã tìm niềm vui trong việc tạo ra tiểu cảnh kazan (vườn đá thu nhỏ). Kazan được lưu giữ trong bảo tàng Shosoin ở Nara bao gồm một suhamadai (khay trang trí được làm giống một dải cát ven sông), một dãy núi và cây cối. Cả suhamadai và núi đều được làm từ gỗ mục và có thể tháo rời, vì thế có thể thay đổi để tạo ra nhiều phong cảnh khác nhau. Cây cối được làm từ kim loại và được thiết kế sao cho một vài cây như mọc lên từ trong cast. Kazan là đỉnh cao của kỹ xảo Nhật Bản trước thời Heian, được sử dụng để trang trí ở các cuộc thi thơ, nhưng nó vẫn còn là bonkei (khay phong cảnh) hơn là bonsai. Tuy nhiên, nó cho thấy ý tưởng thưởng thức những phiên bản thu nhỏ của phong cảnh đã tồn tại từ hơn 1.200 năm trước. Nó cũng thể hiện rõ sự nhiệt tình giới thiệu văn hóa Trung Hoa vào Nhật Bản thời bấy giờ.
Những tài liệu có giá trị được các nghệ nhân bonsai quan tâm bắt đầu xuất hiện tron thời Heian (794 – 1185). Trong Utsubo monogatari (Câu chuyện về cây rỗng ruột) ở nửa sau thế kỷ thứ mười đã xuất hiện ý kiến cho rằng các loài cây phát triển theo cách riêng của chúng (mà không có sự can thiệp của con người) là thấp kém và không cuốn hút, mà p hải có con người yêu thương, dành nhiều thời gian chăm sóc chúng nên cây lẫn hoa mới có được vẻ đẹp thanh nhã với tư thế và dáng vẻ độc đáo. Theo quan điểm này, khuynh hướng thẩm mỹ của người Nhật vè tạo hình bonsai đã được thể hiện rõ nét.
Bonsai bắt đầu xuất hiện trong các bức tranh cuộn thời Trung cổ. Trong giai đoạn sau của thời Kamakura (1185 – 1333), các bức Saigyo monogatari emaki (khoảng giữa 1250 – 1270), Ippen shonin eden (1299) và Kasuga gongen kenki emaki (1309) được sáng tác. Sự bò lan của rễ, chân (tachiagari), dáng hình tháp (kokejun) của cây và cách các nhánh bonsai tỏa ra được miêu tả trong Bokie (1351) vào thời Nam Bắc Triều không khác biệt nhiều so với hình dáng của bonsai hiện đại.
Những màn trình diễn của sân khấu Noh và Kyogen rất phổ biến trong thời Trung cổ. Vở tuồng Noh Hachinoki (cây trồng trong chậu) đặc biệt nổi tiếng và liên quan đến bonsai.
Hojo Tokiyori (nhiếp chính thứ năm của Mạc phủ Kamakura, người sau này quy y Phật giáo Thiền tông và được biết đến với tên Thiền sư Saimyoji), đã cải trang thành thiền sư trong một chuyến đi, bị lạc giữa những con đường đầy tuyết và đến gõ cửa nhà một samurai tên là Tsuneyo. Trong cái lạnh khắc nghiệt, Tsuneyo đã đốt những cây quý được trồng trong chậu của mình (một cây thông, một cây mận và một cây anh đào) để sưởi ấm như là cách hiển thị lòng mến khách đối với thiền sư. Đống củi cháy rực đã thể hiện nguyện vọng tha thiết cho những cây cảnh yêu quý của mình hy sinh vì mục đích tâm linh, liên quan đến câu chuyện về nori no takigi (củi thánh thiện) được giác ngộ bởi Đức Phật trong lúc khổ hạnh. Phần thứ hai của câu chuyện kết thúc khi Tokiyori cảm kích bởi sự hy sinh này nên cấp thái ấp cho Tsuneyo.
Khoảng thế kỷ thứ 14, từ cuối thời Kamakura, qua thời Nam Bắc Triều, thời Muromachi, cũng như trong suốt thời Chiến Quốc, các thiền sư thuộc các phái Phật giáo Thiền tông của Kyoto và Kamakura đã xây dựng một quy chuẩn nghiêm ngặt cho bonsai. Sự ngưỡng mộ của họ đối với bonsai được củng cố bởi thế giới quan Phật giáo Thiền tông và quan điểm Phật giáo Thiền tông về thiên nhiên nổi bật trong thơ của họ. Sau đây là một bài thơ Hideo Marushima được trích dẫn và chú giải.
Một bài thơ của Ryushu Shutaku có tên “Bonsho”
Một cây đơn độc mọc trên chiếc khay đơn độc
Lá xanh tươi cả nghìn năm
Phủ một bóng tối sâu thẳm, nặng trĩu
Có ai biết
Sự rộng lớn của trời và đất được tạo ra từ bùn
Hỏa sơn thần trong khoảng không nhỏ hẹp.
Nhà thơ Ryushu Shutaku là người kế thừa truyền thống Phật giáo của Muso Soseki. Những bài thơ của ông đã thể hiện được cái thần của bonsai.
Quan điểm về bonsai của các thiền sư đã thể hiện trong thơ gozan bungaku (Ngũ sơn văn học) từ rất lâu trước khi được kế thừa bởi các nhà nho, nhà văn và nghệ sĩ của thời Edo, và như đã đề cập, từ “bonsai” ra đời trong thực tế.
Triển lãm bonsai đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản vào năm 1892, chỉ ít lâu sau khi tuyến đường Kyu-Tokaido thông xe vào năm 1889. Các hiệp hội nghiệp dư sau đó nổi lên theo sau những sự kiện khác. Tất cả các hội này, trong đó bao gồm Kojuenk, Bonsai Dokokai của Riemon Murata, Taikoen, Toyo Engeikai của Yonekichi Kibe và Seidaien, Bonsai Shoreikai của Toshietsu Shimizu, đã có nhiều thành viên. Các tạp chí bonsai cũng rất phổ biến. Bonsai Gaho đã được xuất bản vào năm 1906, Toyo Engei vào năm 1907, Bonsai vào năm 1921 và Hana vào năm 1907 ở Kansai.
Tuy nhiên, trong suốt Thế chiến thứ hai, nhiều cây cổ thụ nổi tiếng đã bị hủy hoại do bị cháy trong chiến tranh và lượng khách tham quan làng bonsai Omiya bị giảm đáng kể.
Sự hồi sinh sau chiến tranh bắt đầu từ làng bonsai Omiya. Việc thành lập Hiệp hội Bonsai Omiya (hội trưởng đầu tiên của Hiệp hội là Kyukaen Murata) vào năm 1947 nhanh chóng mang lại sức sống cho bonsai và dẫn đến sự thành lập Hiệp hội Bonsai Nhật Bản vào năm 1965 (chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội là Shigeru Yoshida).
Như đã đề cập, Triển lãm Quốc tế tại Osaka năm 1970 đã trở thành động lực cho việc phổ biến bonsai trên toàn thế giới, đồng thời cũng khiến bonsai phổ biến chưa từng có trên khắp Nhật Bản.
Hiện nay, Hiệp hội Bonsai Nhật Bản có văn phòng trên khắp nước Nhật cũng như có vô số các hiệp hội và câu lạc bộ nghiệp dư. Shohin bonsai (loại bonsai nhỏ, có chiều cao không quá 25cm) đã được tạo ra như một loại hình riêng và được ủng hộ bởi nhiều người yêu bonsai.
Các khóa đào tạo về bonsai và kỹ thuật trồng giờ đây dành cho tất cả mọi người.
Với sự phổ biến và quốc tế hóa chưa từng thấy, bonsai đang tiếp tục phát triển. Chắc chắn quá trình phát triển này sẽ không dừng lại.