Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Xoay trở trong “mùa” dịch Covid-19 (*): Nông sản trụ tốt nhờ nhiều cách

Dưới sức ép của Covid-19, các doanh nghiệp nông sản buộc phải thay đổi để sống còn và bất ngờ thu được những kết quả khích lệ, giảm phụ thuộc thị trường truyền thống.

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những tháng cuối năm khó khăn, thách thức sẽ rất lớn và gay gắt bởi đại dịch Covid-19 tái phát trong cộng đồng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ nông sản, cả xuất khẩu và nội địa. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn phấn đấu tăng trưởng toàn ngành từ 2,6% – 3% và tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 khoảng 41 tỉ USD, tương đương năm ngoái.

Lời giải từ công nghệ chế biến, bảo quản

Một trong những giải pháp trọng tâm mà ngành nông nghiệp đưa ra là đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm chế biến nông, lâm sản; nâng công suất các nhà máy chế biến hiện có để giảm giá thành, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Vào những ngày đầu tháng 8, thanh long rơi vào chu kỳ giảm giá đến mức một số nhà vườn phải cắt bỏ hàng dạt cho bò ăn. Trong khi đó, những hộ nông dân tại 2 huyện Châu Thành và Tân Trụ (tỉnh Long An) vẫn bán được thanh long với giá 23.000 đồng/kg (loại 1) và 13.000 đồng/kg (loại 2) theo hợp đồng cung ứng cho Tập đoàn Lavifood (Long An). Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, cho biết doanh nghiệp (DN) mua đến 500 tấn trong 10 ngày thu hoạch với giá cao nên nông dân rất mừng. “Họ bán được hàng đẹp cho xuất khẩu, lẫn loại xấu mã cho cấp đông, sấy, ép nước… Để bán được hàng, nông dân phải trồng sạch theo quy trình của công ty đưa ra và phải ghi chép tương tự như làm VietGAP. Như vậy, tất cả thanh long thu hoạch đều là hàng sạch nhưng phân loại thì dựa vào mẫu mã để tính giá” – ông Trịnh thông tin.

Tập đoàn Lavifood là một trong những DN đầu tư mạnh vào nhà máy có thể chế biến rất nhiều mặt hàng từ rau quả tươi cho đến đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc… nên thu mua được hơn 80% sản phẩm nông dân thu hoạch trong khu vực. Trước đây, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo tập đoàn đã tính toán đầu ra cho nhà máy bao gồm ngoài hoạt động gia công, còn sản xuất hàng có thương hiệu để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Từ chuỗi giá trị mà DN xây dựng, sẽ tính toán giá tốt khi thu mua nguyên liệu cho nông dân yên tâm sản xuất.

Là một trong những dự án chế biến rau quả trọng điểm của ngành nông nghiệp, Nhà máy dừa Vina T&T Kim Thanh 4 (Bến Tre) đi vào hoạt động trong tháng 5 vừa qua đã giúp DN tăng hơn gấp đôi sản lượng xuất khẩu. Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho hay nhà máy giúp quả dừa tươi bảo quản được 80 ngày, tăng 20 ngày so với trước đây nên ngoài thị trường truyền thống là Mỹ, đã có thêm thị trường Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

“Những năm trước, vào mùa cao điểm, DN xuất khẩu dừa cũng chỉ được 3-4 container/tuần thì nay lên đến 8-9 container/tuần. Mỗi container 20.000 quả dừa, DN thu mua của nông dân khoảng 30.000-40.000 quả để lựa chọn. Năm nay, xuất khẩu dừa tươi tăng đột biến do đối thủ Thái Lan mất mùa nhưng về lâu dài, đây vẫn là mặt hàng lợi thế của Việt Nam. Bởi đây là mặt hàng xuất khẩu như thực phẩm thông thường, không phải đàm phán mở cửa phức tạp. Dừa tươi là sản phẩm thiên nhiên, tinh khiết, xu thế tiêu dùng trên thế giới có thể thay thế nước đóng chai, trong khi giá thành 2 sản phẩm là như nhau” – ông Tùng phân tích.

Tập trung vào chất lượng

Hạn mặn ở ĐBSCL rồi thêm Covid-19, mấy tháng trước ông Phùng Văn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Cầu Trái Cây Tươi (Bến Tre), phải tạm dừng xuất khẩu chôm chôm sang châu Âu (EU) vì thiếu nguyên liệu và cước vận chuyển hàng không tăng “phi mã”. Gần đây, công ty tìm kiếm được khách hàng để cung cấp dừa tươi xuất khẩu sang Nhật, Úc, Mỹ và mới nhất là đơn hàng xuất khẩu trực tiếp dừa khô cho Hà Lan bằng tàu biển.

“Chuẩn bị đón đầu Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) nhưng lỡ hẹn, giờ tôi phải chuẩn bị vùng nguyên liệu mới ở Bình Dương, Bình Phước để né hạn mặn, chờ một thời gian có chứng nhận GlobalGAP để xuất khẩu chôm chôm trở lại. Còn vùng chôm chôm ở Bến Tre, tôi chuyển đổi sang trồng dừa, loại cây phù hợp với hạn mặn. Dừa bây giờ trồng khoảng 3 năm là có trái, nếu thiết kế trang trại ngay từ đầu có thể thu hoạch bằng máy, không phải lo khâu nhân lực hiện rất thiếu ở nông thôn. Bây giờ, làm ăn phải tập trung vào chất lượng, thương hiệu thì mới bền lâu” – ông Hiền đúc kết.

Dù Covid-19 tái phát trong nước, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (Bến Tre), xác nhận vẫn hoạt động bình thường, khác chăng là DN phải nghiêm ngặt trong khâu phòng chống dịch để bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh.

“Điểm sáng của DN năm nay là mặt hàng sầu riêng đông lạnh xuất khẩu tăng trưởng hơn 30%. Ưu điểm của sầu riêng đông lạnh là sau khi rã đông, chất lượng gần như hàng tươi. Thậm chí, nhiều người còn thích sầu riêng đông lạnh vì ăn giống kem, mùi lại vừa phải. Nhờ chất lượng được đưa lên hàng đầu, sản phẩm sầu riêng tách múi của DN lần đầu tiên xuất sang Mỹ thành công ngoài mong đợi. Chưa bao giờ bán hàng mà khách gọi điện “cháy máy”, chờ nhận hàng về bán lẻ như vậy. Ở Mỹ không thiếu sầu riêng, nhưng quan trọng là sầu riêng Việt Nam của DN ngon, giá hợp lý nên được thị trường đón nhận” – bà Tường Vy bộc bạch.

Theo bà Tường Vy, năm nay ảnh hưởng hạn mặn và thời tiết bất lợi nên sầu riêng nhiều nơi bị cháy múi và nhạt, DN thu mua phải tuyển chọn kỹ để có hàng đạt chuẩn xuất khẩu. “Để khách hàng nước ngoài tin dùng sầu riêng Việt Nam thì chất lượng phải được đặt lên hàng đầu, không vì chạy theo số lượng mà lơ là kiểm soát chất lượng. Nếu sản phẩm có vấn đề, mình sẵn sàng đổi trả và giải thích cho khách hàng hiểu và thông cảm. Như vậy quan hệ thương mại mới bền chặt” – bà Tường Vy nhìn nhận.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) thông tin Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam lại giảm mạnh nhất do dịch Covid-19, phải đóng nhiều cặp cửa khẩu biên giới, xe qua lại các cửa khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt khi thông quan, hàng hóa xuất khẩu thường bị ngưng trệ. Kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2020 sang thị trường này chỉ đạt 1,044 tỉ USD, giảm 29,35% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương mức giảm 433,562 triệu USD.

“Trước tình thế đó, DN xuất khẩu rau quả đã nhanh chóng tìm thị trường thay thế. Để tồn tại, các DN đã tùy theo từng đối tác nhập khẩu mà có cách chuyển đổi phù hợp, như nâng cao chất lượng hàng hóa, bao bì, truy xuất nguồn gốc… Kết quả đáng khích lệ là xuất khẩu rau quả vào 9 thị trường top 10 (trừ Trung Quốc) đều tăng từ 7% (Hà Lan) đến 234% (Thái Lan); các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc cũng tăng mạnh. Nhờ đó, ngành rau quả đã giảm gánh nặng phụ thuộc thị trường Trung Quốc, khi thị phần ở đây chỉ còn 59%-60%, trong khi giai đoạn 2016-2019 chiếm từ 70%-76%” – Vinafruit đánh giá.

Theo Vinafruit, tới đây, với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA vừa có hiệu lực và dịch Covid-19 được kiểm soát, hy vọng xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ tìm được nhiều thị trường mới để hồi phục và tìm lại tăng trưởng.

Gạo Việt Nam xuất khẩu tăng giá, vượt Thái Lan

Ngày 12-8, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), cho biết hiện giá gạo thông dụng (gạo trắng 5% tấm, 25% tấm) của Việt Nam đang cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Nguyên nhân được đánh giá là do chất lượng gạo Việt Nam gần đây cải thiện cũng như năng lực logistics của Việt Nam tốt hơn, khả năng giao hàng nhanh giữa bối cảnh Covid-19. Trước đây, cùng chủng loại gạo, Việt Nam thường thấp hơn gạo Thái Lan 20-30 USD/tấn, thì nay ngược lại. Cụ thể, giá chào gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 10-8 là 495 USD/tấn, Thái Lan là 468 USD/tấn, trong khi cuối tháng 7 giá gạo Việt Nam và Thái Lan bằng nhau (465 USD/tấn).

Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết nước này đang cân nhắc thay đổi chính sách về gạo, trong đó tập trung vào marketing, giảm chi phí sản xuất và nghiên cứu các giống lúa mới. Nhóm các loại gạo sẽ được tập trung phát triển thành 3 phân khúc, gồm: cao cấp (gạo Hom Mali, gạo thơm), đại trà (gạo trắng mềm, gạo trắng cứng, gạo đồ…) và gạo đặc biệt (như nếp).

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm ước đạt gần 4 triệu tấn, mang về giá trị 2 tỉ USD, tăng 11% về giá trị dù giảm 1,5% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2019. Với kết quả này, Việt Nam là nước có sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo cao thứ 2 trên thế giới. Tuy vậy, một số DN cho rằng xuất khẩu gạo bao lớn (50 kg) hiệu quả kinh tế thấp. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), cho hay DN đang thử nghiệm xuất khẩu gạo đóng bao bì nhỏ, đưa ngay vào siêu thị nước ngoài với đơn hàng đầu tiên 1.500 tấn bán cho Hồng Kông (Trung Quốc). Để làm được điều này, DN đã đầu tư kho mát (khoảng 17 độ C) để bảo quản, giúp giữ được chất lượng gạo ngon như vừa thu hoạch trong một thời gian dài.

Theo Người lao động