Vải thiều sớm ở tỉnh Bắc Giang đang bắt đầu vào vụ mùa thu hoạch. Tuy nhiên vải thiều chính vụ dự kiến sẽ chín muộn hơn gần 1 tháng so với mọi năm, khiến doanh nghiệp ngóng chờ ngày thu hoạch để xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU…
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Thế Thi – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cho biết, năm nay do thời tiết có sự thay đổi lớn so với mọi năm, nhiều đợt rét lạnh kéo dài nên dẫn đến việc nhiều diện tích vải thiều chính vụ của huyện chín muộn, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thời gian dài để thu hoạch, tiêu thụ vải.
Việc khí hậu thất thường cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thụ phấn của hoa, tuy nhiên đó chỉ là phần nhỏ so với lượng vải thiều đạt đúng tiến độ tiêu chuẩn chất lượng đang chuẩn bị được thu hoạch.
Bên cạnh đó, vải thiều chín chậm sẽ có chất lượng ổn định không chịu sức ép về chính vụ, người trồng vải không phải dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật góp phần đảm bảo an toàn chất lượng thuận lợi cho quả vải.
“Nhưng năm về trước, khí hậu thường xuyên nắng nóng bất thường, tuy nhiên năm nay thời thiết vừa có mưa nhiều và nắng nhiều. Trong đó đặc biệt nhất là khí hậu tháng 4 vừa qua vẫn còn hiện tượng đợt không khí lạnh tăng cường thổi vào đất liền, chính là nguyên nhân dẫn đến vụ vải thiều năm nay chín muộn hơn. Việc vải thiều chín muộn sẽ không tạo sự khó khăn mà lại thuận lợi cho bà con nhân dân trong việc thu hoạch, bảo quản vì quả vải được thu hoạch nhiều đợt khách nhau.”- ông Thi nói.
Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, tính đến hết ngày 14/6, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 28,4 nghìn tấn vải thiều với giá trung bình giao động từ 17-35 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, tại Hợp tác xã Bằng Thủy, Tân Quang (Lục Ngạn) vải thiều sớm có giá giao động từ 32-40 nghìn đồng/kg.
Hiện, mỗi ngày có 50 chuyến xe vải thiều Bắc Giang được thông quan sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Việc thu mua và tiêu thụ vải thiều được đánh giá khá thuận lợi, cho dù phía Trung Quốc vẫn còn hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam để phòng, chống dịch COVID-19./.