Tìm các nguồn hàng thay thế, hình thành chuỗi sản xuất khép kín để giảm các chi phí đến mức thấp nhất… là một số giải pháp được các nhà bán lẻ áp dụng nhằm giữ giá thành, hãm đà tăng giá của các mặt hàng nhu yếu phẩm, bảo vệ sức mua.
Theo các nhà bán lẻ, với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao do chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu, căng thẳng chính trị Nga – Ukraine…, việc bình ổn giá cả từ nay đến cuối năm trở nên khó khăn hơn, đặc biệt trong bối cảnh sức mua giảm sút và tần suất đến siêu thị của người dân giảm.
Chi phí tăng, giá thành cao
Ghi nhận của chúng tôi thời gian qua cho thấy nhiều mặt hàng có điều chỉnh giá liên tục trong thời gian gần đây. Bà Đẹp, tiểu thương ở chợ Cây Xoài (TP Thủ Đức), cho biết giá các loại rau củ, hành ngò… đều tăng mạnh như bông cải xanh, rau cải ngọt, cà chua, bí xanh… tăng 2.000 – 3.000 đồng/kg, mặt hàng thủy hải sản giá tăng mạnh hơn trong đó các loại cá hồi, cá lóc… đều tăng so với trước.
Bà Jolie Nguyễn, nhà nhập khẩu thực phẩm, cho biết nguồn hàng hóa để nhập về tiêu dùng cũng rất chậm. Trước đây, một container hàng chỉ mất 3 tháng là có thể xử lý xong, nhưng bây giờ nhiều chuyến hàng chờ cả nửa năm vẫn chưa thấy bóng dáng. Các chuyến tàu bị trì hoãn và thời gian di chuyển, hạ container xuất hàng đều rất lâu, tạo nên nguồn hàng khan hiếm.
“Nhưng để điều chỉnh tăng giá tương ứng là rất rủi ro. Vì vậy, các doanh nghiệp đều phải tìm cách cắt giảm chi phí, nếu không giảm được thì tìm nguồn hàng thay thế để tránh bị phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Như với nguồn cá hồi, thị trường đang nhập khẩu cá hồi Đài Loan, cá hồi Alaska… để giảm nguồn cung từ Na Uy”, bà Jolie nói.
Tại cuộc họp đại hội cổ đông mới đây, đại diện doanh nghiệp Kido cho biết giá dầu cọ và giá đường cũng tăng cao gây khó khăn cho sản xuất bánh kẹo, thực phẩm chế biến. Theo ông Trần Lệ Nguyên – tổng giám đốc Kido, tập đoàn xem xét tiết kiệm chi phí và cơ cấu lại thị trường để bù đắp một phần tăng giá của nguyên vật liệu, đồng thời gia tăng kênh bán hàng để đảm bảo doanh thu trong năm 2022 này.
Theo ông Nguyễn Anh Đức – tổng giám đốc Saigon Co.op, với áp lực giá nguyên liệu đầu vào thời gian qua, có nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu ở hệ thống phải gồng mình chống lãi âm. 75% khách hàng đến siêu thị mua thực phẩm tươi sống, trong khi đây là ngành hàng có tỉ lệ lãi thấp nhất. Nhiều mặt hàng mà để bình ổn được giá, siêu thị phải bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt…
“Có nhiều mặt hàng mà hệ thống nỗ lực bình ổn có chỉ số giá bình quân chỉ bằng 1/4 so với giá bán trên thị trường, thậm chí còn âm. Nhịp tăng giá trong hệ thống cũng chậm hơn so với thị trường nhờ nỗ lực việc đàm phán, chốt giá với nhà cung cấp và chia sẻ lợi nhuận của mình”, ông Anh Đức nói.
Xoay xở để giữ giá bán
Đại diện MM Mega Market Việt Nam cho biết bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm được nhập từ các nhà cung cấp, hệ thống cũng đang dựa vào nhóm hàng nhãn riêng, do siêu thị nghiên cứu và phát triển, với giá thành thấp hơn từ 5 đến 20% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
“Giá nhóm hàng này thấp hơn nhờ tiết kiệm được chi phí phát sinh như chi phí phân phối, tiếp thị, quảng cáo hay tiền thuê quầy kệ trưng bày hàng hóa”, vị này cho biết. Nhiều hệ thống siêu thị cũng cho biết phải dựa vào quy trình khép kín mô hình từ trang trại đến bàn ăn để ổn định sản xuất và cung cấp hàng hóa kịp thời, đặc biệt là các ngành hàng nhu yếu phẩm cần thiết.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn – giám đốc khối WinMart – cho biết với sự kết nối của Sở Công thương cùng các sở ngành tại địa phương, bộ phận thu mua đã làm việc với hợp tác xã và hộ nông dân để thu mua và đưa vào tiêu thụ, lập chuỗi có chính sách thu mua và bao tiêu sản lượng.
Hệ thống này còn chuyển giao quy trình quản lý chất lượng, bảo quản hàng hóa, hỗ trợ đầu tư thêm các hệ thống về kho tại các vùng nguyên liệu, các vùng sản xuất trọng tâm trong nước…, hình thành một chuỗi từ trồng trọt, chăn nuôi, cung ứng, thu mua và bán lẻ khép kín.
Hệ thống này cũng thu mua và bày bán nhiều loại nông sản như mận hậu, các loại rau củ xứ lạnh như bắp cải, cải thảo, bí xanh, bí đỏ hồ lô… Để kéo giảm mặt bằng giá cũng như trì hoãn tốc độ tăng giá, siêu thị cùng nhà sản xuất chia sẻ lợi nhuận để tung ra các chương trình khuyến mãi. Nhưng với giá cả xăng dầu tăng cao gây áp lực lên toàn bộ chi phí sản xuất và vận chuyển, việc ổn định giá của các nhà bán lẻ không thể như trước.
“Công tác bình ổn giá cũng cần được xem xét lại, không chỉ dừng ở việc giữ giá bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng mà còn phải phối hợp với các ngành tiêu dùng khác như dịch vụ, du lịch để việc ổn định giá này có ý nghĩa. Bởi nếu chỉ bình ổn về giá bán thì sẽ xảy ra tình trạng thương nhân vào siêu thị gom hàng rồi bán lại hưởng chênh lệch”, ông Anh Đức nhìn nhận.
Giá nông, thủy sản cao do chi phí tăng
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá gà công nghiệp đã nhích lên mức 34.000 đồng/kg, tăng 6.000 đồng/kg so với tuần trước. Giá nhiều mặt hàng rau củ bán ra tại chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn (TP.HCM) cũng tăng 10 – 15%… Nhiều mặt hàng thủy hải sản tươi sống cũng tăng 20 – 30%.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lưu Lập Đức – giám đốc Công ty nông nghiệp Agri Đức Tiến (Lâm Đồng) – cho biết ngoài lý do mưa nhiều làm giảm sản lượng, giá nhiều loại rau bán ra neo cao do chi phí sản xuất và vận chuyển tăng mạnh theo giá phân bón và xăng dầu. “Mỗi ký rau chở từ Lâm Đồng về TP.HCM tốn khoảng 2.000 đồng tùy khu vực, gần gấp đôi so với mức giá các năm trước”, ông Đức thông tin.
Ông Trần Văn Trường, tổng giám đốc Công ty hải sản Hoàng Gia (TP.HCM), cũng cho biết giá nhiều loại thủy hải sản đang ở mức cao nhất cùng thời điểm của nhiều năm qua. “Sản lượng đánh bắt giảm, nguồn cung ít đi. Ngoài ra, chi phí nhập khẩu, khai thác tăng cao theo giá xăng dầu, ảnh hưởng dịch COVID-19… cũng góp phần đẩy giá hải sản tăng”, ông Trường nhận định.
Theo ông Trần Quốc Thịnh – sáng lập hệ thống lẩu gà 109 (quận Phú Nhuận), giá vật tư nguyên liệu đầu vào đã tăng 10% so với tuần trước và tăng 20% so với mức giá thấp của cuối năm ngoái. Trong đó, giá các nguyên liệu chính như thịt gà, dầu ăn, đường… có mức tăng mạnh nhất.
Đại diện nhà hàng Cơm Niêu Hoa Sữa (quận Bình Thạnh) cũng cho biết nhà cung cấp vừa tăng 5% giá bán đối với hầu hết nguồn nguyên liệu đầu vào, riêng giá dầu ăn tăng 10% so với đầu tháng. “Đây là lần thứ hai trong gần một tháng qua, các nhà cung cấp tăng giá bán nguyên liệu. Với tình hình hiện nay, nhiều thời điểm nhà hàng phải thua lỗ vì giá bán không tăng kịp giá đầu vào”, vị này nhận định.