Những ngày qua, các doanh nghiệp xuất khẩu đã cho thương lái tìm đến các nhà vườn có thanh long chín để thu mua với mức giá khá cao.
Nhiều cửa khẩu được thông quan trở lại, nên việc xuất khẩu trái thanh long tươi sang thị trường Trung Quốc đã có những chuyển biến khả quan sau thời gian trầm lắng.
So với cách đây 2 tuần, giá thanh long ruột đỏ tại nhiều địa phương ở ĐBSCL đã tăng hơn 10.000 đồng/kg, khiến người trồng phấn khởi.
Cụ thể, thanh long ruột đỏ loại 1 được bán với giá từ 23.000 – 27.000 đồng/kg. Loại 2 từ 19.000 – 20.000 đồng/kg.
Riêng thanh long ruột trắng do đầu ra xuất khẩu chậm, nên giá chỉ nhích tăng nhẹ khoảng 3.000 đồng/kg. Lên mức 9.000 – 12.000 đồng/kg tùy loại.
Dự báo nhu cầu xuất khẩu thanh long sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nguồn cung ở các nhà vườn lại hạn chế, vì vậy một số doanh nghiệp chấp nhận đẩy giá lên cao để thu gom cho đủ chuyến hàng xuất khẩu.
Còn 2 – 3 tuần nữa, thủ phủ thanh long Bình Thuận sẽ bắt đầu vào thu hoạch chính vụ. Địa phương này cũng đã khuyến cáo đến các doanh nghiệp cần tăng cường triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi đưa thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc. Bởi thị trường này đang thực hiện chính sách Zero COVID-19, do đó đòi hỏi hàng hóa phải đảm bảo sạch trong toàn bộ quá trình sản xuất, cũng như vận chuyển lên cửa khẩu trước khi xuất khẩu.
Hiệu quả xuất khẩu thanh long sang châu Âu
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính của trái Thanh Long Việt. Do phụ thuộc vào thị trường truyền thống này, nên khi có biến động, cả người dân và doanh nghiệp đều không kịp xoay chuyển.
Các chuyên gia cho rằng, chặt bỏ thanh long không phải là giải pháp hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, mà vấn đề cần thực hiện là phải tổ chức lại sản xuất, chú trọng vào nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Thực tế vừa qua, trong bối cảnh xuất khẩu tiểu ngạch gặp khó, giá bán giảm sâu, vẫn có nhóm sản xuất thanh long xuất khẩu chính ngạch sang thị trường châu Âu đều đặn từ 5 – 8 tấn mỗi tuần, với giá bao tiêu ổn định.
Mặc dù hình thức không bắt mắt, kích cỡ chỉ 250 gram đến 350 gram mỗi trái, nhưng có giá bán từ 15.000 – 18.000 đồng/kg, bao tiêu ổn định quanh năm với điều kiện nhà vườn phải tuân thủ làm thanh long sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là tiêu chí của nhóm sản xuất thanh long sạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Hiện tại, gần 100 hecta của 80 hộ dân ở các xã: Hàm Thắng, Hàm Đức, Hàm Chính và thị trấn Phú Long tỉnh Bình Thuận tự nguyện tham gia vào nhóm sản xuất này.
Hoạt động từ năm 2014 đến nay, hàng tuần nhóm đều đặn đảm nhận hai đơn hàng với sản lượng từ 5 – 8 tấn thanh long cung ứng cho công ty ở TP Hồ Chí Minh xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Để duy trì, các nhà vườn tuân thủ lịch trình phân công sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh chăm sóc cây trồng; đồng thời bao bọc trái từ lúc nhỏ cho đến khi thu hoạch và không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu.
Cách làm như mô hình trên rất hiệu quả và các nơi khác có thể học tập mô hình này, rõ ràng phải bán sản phẩm mà thị trường cần, chứ không bán sản phẩm mà mình có mới có thể thích nghi với xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay.
Thay đổi sản xuất để đa dạng thị trường xuất khẩu
Thời gian gần đây, chúng ta cũng đã chứng kiến được sự thay đổi mạnh mẽ về điều kiện tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa vào thị trường Trung Quốc. Vì vậy, mặt hàng thanh long nói riêng và trái cây nói chung phải thay đổi phương thức sản xuất, hướng đến đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Để tránh tình trạng, giữa lúc nông dân ồ ạt phá bỏ và hạn chế tối đa xử lý nghịch vụ, giá thanh long đột ngột tăng cao, nhưng nhà vườn không có sản phẩm để bán.
“Đã đến lúc nông sản Việt Nam cần chú ý đến uy tín. Muốn uy tín thì phải đạt tiêu chuẩn nông sản sạch, phải tuân thủ theo hàng rào kỹ thuật, an toàn thực phẩm của các quốc gia. Muốn vào phải hiểu họ cần gì, yêu cầu gì, chúng ta bán những cái người ta cần và yêu cầu chứ không phải bán cái chúng ta có”, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp, nhấn mạnh.
“Hiện nay chúng ta xuất khẩu 80% thanh long, khoảng 20% tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, 80% của 80% xuất khẩu là xuất khẩu quả tươi sang Trung Quốc. Do vậy chúng ta cần mở rộng thị trường khác. Khi mở rộng thị trường, các doanh nghiệp cần phát triển để tăng sản lượng xuất sang thị trường kia, bằng việc sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, Global GAP, VietGAP để đáp ứng thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu”, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.