Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Rầm rộ mở cửa hàng thực phẩm

Mở cửa hàng thực phẩm nhằm tận dụng mặt bằng rẻ và xu hướng tiêu dùng thay đổi sau dịch, một số người bắt đầu nhận ra áp lực cạnh tranh rất khốc liệt.

Theo ghi nhận của phóng viên, càng gần Tết Nguyên đán, số lượng cửa hàng thủy hải sản, thịt và thực phẩm chế biến từ thịt, thực phẩm đông lạnh hay rau quả, trái cây, đặc sản vùng miền… ở TP HCM xuất hiện ngày càng nhiều.

Tăng tốc mở chuỗi

Đường Phan Xích Long (phường 2, quận Phú Nhuận) trước đây chủ yếu là dịch vụ ăn uống, lưu trú và văn phòng nay xuất hiện một cửa hàng trái cây nhập khẩu và một cửa hàng sữa sắp khai trương. Đường Vũ Huy Tấn (quận Bình Thạnh) chỉ dài vài trăm mét vừa mọc lên 2 cửa hàng thực phẩm sạch.

Được hình thành từ nhóm các tình nguyện viên tham gia “giải cứu nông sản” trong nhiều năm, 2 chuỗi cửa hàng nông sản là Foodshare (Nông sản chia sẻ) và Siêu thị của nông dân (Wefarmer) đã mở cửa hàng đầu tiên ở quận Bình Thạnh hồi cuối năm 2021. Ông Trương Công Bằng, Giám đốc điều hành Wefarmer, cho biết cửa hàng đầu tiên trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh đã hoạt động ổn định. Ông đang xúc tiến mở cửa hàng thứ 2 tại quận Tân Phú trước Tết Nguyên đán và cửa hàng thứ 3 tại quận 7 trong quý I này.

“Chuỗi Wefarmer hoạt động theo mô hình online to offline commerce (thương mại trực tuyến tới ngoại tuyến), các cửa hàng không tập trung bán hàng trực tiếp mà vận hành như kho hàng để xử lý các đơn hàng online. Ba cửa hàng ở 3 góc của thành phố giúp chúng tôi tối ưu hóa chi phí và thời gian giao hàng online cho khách. TP HCM trải qua những ngày cao điểm của dịch Covid-19, nhiều ngành hàng phải đóng cửa, còn kinh doanh thực phẩm thiết yếu vẫn hoạt động xuyên suốt là yếu tố thuận lợi khi tham gia ngành hàng này” – ông Bằng nói.

Vừa khai trương cửa hàng Hải sản Hoàng Gia thứ 10 tại ngã tư Lý Tự Trọng – Hai Bà Trưng (quận 1), ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, nhấn mạnh trong “nguy” luôn có “cơ”. “Covid-19 khiến các doanh nghiệp chuyên bán sỉ hải sản vào nhà hàng, khách sạn điêu đứng thì chúng tôi đã xoay trục thành công sang bán lẻ và chế biến hải sản cao cấp trong và ngoài nước theo chuẩn nhà hàng cho khách mang về.

Dịch bệnh đã khiến hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi rõ rệt, họ không muốn ra ngoài mua sắm, ăn uống mà đặt hàng mang về nhà, hình thành nên một thị trường mới. Tình hình kinh doanh khó khăn khiến nhiều mặt bằng “vàng” tại các khu vực trung tâm sầm uất trống với giá thuê hợp lý hơn để các thương hiệu thực phẩm như Hải sản Hoàng Gia thế chỗ” – ông Trường phân tích.

Tương tự, hệ thống cửa hàng thịt sạch G Kitchen (thuộc Công ty TNHH Feddy, thành viên Công ty CP GreenFeed Việt Nam) đã đạt mốc 80 cửa hàng trong năm 2021, tăng gấp 4 lần so với năm 2020. “Những mặt bằng mà G Kitchen nhắm tới đều ở gần các chợ truyền thống, khu dân cư và là nơi có tầm hoạt động của các đối tác giao hàng như GrabMart, Baemin, ShopeeFood… nhằm tận dụng thói quen mua sắm mới của người tiêu dùng. Năm 2022, G Kitchen sẽ tiếp tục mở rộng độ phủ, tăng cường kết hợp với các đối tác giao hàng nhanh để có thể đáp ứng nhu cầu đi chợ trong 30 phút của người tiêu dùng khi thói quen mua hàng online ngày một nhiều hơn” – đại diện Công ty CP GreenFeed Việt Nam thông tin.

Cạnh tranh khốc liệt

Với thương hiệu Bakafood, dù đã có 4 năm trong ngành và đang triển khai lộ trình mở chuỗi với 4 cửa hàng tại TP HCM và 2 cửa hàng tại Hà Nội đến giữa năm 2022 nhưng ông Nguyễn Hà Quốc Anh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thực phẩm Baka (Bakafood), nhận thấy việc mở cửa hàng thực phẩm đang có dấu hiệu dư thừa khi bị ép chặt giữa kênh hàng chợ và siêu thị.

“Chợ thì hàng kiểu gì cũng bán, nguồn gốc không rõ ràng với giá rẻ, còn siêu thị hiện nay tham gia bán đủ loại đặc sản với giá rất cạnh tranh. Bây giờ, nhiều cửa hàng thực phẩm mọc lên vì mặt bằng có sẵn mà chưa biết làm gì nên bán thực phẩm, nhiều nơi danh mục hàng hóa đơn điệu, chủ yếu bán cho người nhà, người quen” – ông Quốc Anh bày tỏ.

Trong khi đó, ông Trương Công Bằng thừa nhận ngành bán lẻ thực phẩm “dễ vào cũng dễ ra” nên mục tiêu trước mắt chỉ là “sống sót” chứ chưa phải kiếm lời. “Sau giãn cách, số lượng người bán hàng tăng trong khi sức mua giảm sút nên việc cạnh tranh rất gay gắt. Dự án của chúng tôi đã có sự chuẩn bị lâu dài, nay đi vào hoạt động cũng hết sức thận trọng, dù mặt bằng trống nhiều nhưng Wefarmer cũng không mở rộng ồ ạt.

Chúng tôi hy vọng sau Tết, dịch bệnh được kiểm soát tốt, người dân các tỉnh quay lại TP HCM học tập, làm việc nhiều hơn sẽ làm tăng sức mua. Đồng thời, những người kinh doanh thực phẩm tạm thời sẽ quay về nghề chính, giúp áp lực cạnh tranh giảm xuống” – ông Bằng bày tỏ.

Đối với chuỗi Hải sản Hoàng Gia, ông Trần Văn Trường cho hay dù mở được 10 cửa hàng trong gần 2 năm dịch bệnh nhưng so với kế hoạch ban đầu chỉ đạt 50%. Nguyên nhân là do thị trường thay đổi liên tục, trong đó, bán hàng online và “bếp trên mây” phát triển nhanh hơn dự định. “Giá mặt bằng có giảm nhưng vẫn còn cao, nhiều nơi thà để trống chứ không giảm giá nên chúng tôi đầu tư cho kênh online để tăng doanh số” – ông Trường nói.

Tiêu dùng tại nhà ngày càng quan trọng

Theo bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, trong 1-2 năm tới, tiêu dùng tại nhà vẫn là kênh chính. “Do lo ngại dịch bệnh nên dù các quy định của nhà nước đã nới lỏng, người dân vẫn ở nhà nhiều hơn trước, học tập, làm việc từ xa phổ biến. Do vậy, người tiêu dùng vẫn tiếp tục mua lương thực, thực phẩm về nhà với số lượng nhiều nên tiếp tục là cơ hội cho các loại lương thực bán dạng combo, số lượng lớn. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhưng không có nghĩa là sản phẩm rẻ sẽ bán được vì họ ngày càng quan tâm đến giá trị sản phẩm cũng như thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc, tốt cho sức khỏe. Trong lúc phải cắt giảm chi tiêu cho du lịch, giải trí, thời trang, người tiêu dùng sẽ có xu hướng “nuông chiều” bản thân hơn trong việc ăn uống” – bà Nga nhận xét.

Theo Người lao động