Các tỉnh ở ĐBSCL đang khẩn trương hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp.
ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa hè thu. Mặc dù được lực lượng quân đội hỗ trợ thu hoạch nhưng nông dân nhiều nơi lại gặp phải vấn đề nan giải mà sức người không thể thay thế được. Đó là thiếu trầm trọng máy gặt đập liên hợp.
Thiếu máy gặt, khó đầu ra
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bạc Liêu, vụ lúa hè thu 2021, toàn tỉnh xuống giống được gần 59.000 ha, sản lượng ước đạt trên 331.000 tấn. Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu đang thu hoạch rộ vụ lúa hè thu, song với 253 chiếc máy gặt đập hiện có chỉ đáp ứng được khoảng 50% diện tích cần thu hoạch.
Ông Lê Văn Tần – Chủ tịch UBND huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu – cho biết hiện trên địa bàn có gần 14.000 ha lúa đang thu hoạch. Trong đó có khoảng 3.000 ha đang cần gấp 10 máy gặt lúa nhưng không thể tìm ra.
“10 máy gặt lúa thì quá đơn giản trong điều kiện bình thường, song trong lúc này lại cực kỳ nan giải. Trong khi xã Hưng Phú khao khát máy gặt lúa thì bên xã Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng (xã giáp ranh) thì máy gặt nằm đầy đồng. Chúng tôi đã làm mọi cách, thậm chí là liên hệ trực tiếp với lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng nhờ giúp đỡ nhưng chưa được. Vì theo quy định phòng chống dịch của tỉnh Sóc Trăng, nếu người lái máy gặt qua địa bàn tỉnh khác trở về phải cách ly theo quy định nên không ai chịu qua” – ông Tần nêu thực trạng.
Tương tự, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho hay đến thời điểm này toàn tỉnh còn gần 240.000 ha lúa với sản lượng ước đạt hơn 1,3 triệu tấn đang thu hoạch. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ bị ảnh hưởng. “Hiện còn một địa phương trong vùng U Minh Thượng là huyện An Biên đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa. Huyện đã ra văn bản gửi các địa phương lân cận tạo điều kiện cho máy gặt đến thu hoạch lúa cho nông dân” – ông Toàn nói.
Tỉnh Trà Vinh cũng có gần 73.000 ha diện tích lúa hè thu đang vào vụ thu hoạch rộ nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, nông dân không thuê được máy gặt đập liên hợp, còn sản lượng đã thu hoạch lại gặp khó về đầu ra do không có thương lái thu mua.
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin kết nối, tiêu thụ nông sản, sở nhận được rất nhiều cuộc gọi chủ yếu phản ánh khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ nông sản; một số ý kiến phản ánh máy gặt đập liên hợp, nhân công bốc vác lúa không thể đi làm do không qua được các chốt kiểm dịch.
Còn theo ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, do giãn cách xã hội nên một số địa phương trong tỉnh thiếu phương tiện thu hoạch, vận chuyển lúa, ít thương lái thu mua đã dẫn tới tình trạng ép giá nông dân.
Khẩn cấp tháo gỡ
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thu hoạch, tiêu thụ nông sản của nông dân, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã chủ động ký kết với nhiều tỉnh ĐBSCL nhằm đưa bộ đội ra đồng hỗ trợ người dân thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ nông thủy sản trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều địa bàn phần lớn vận chuyển bằng đường thủy nên xe quân đội không thể tiếp cận để chở lúa ra ngoài đường chính.
Ngày 29-8, ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện, cho phép người và phương tiện thu hoạch lúa được di chuyển vào tỉnh Bạc Liêu để phục vụ thu hoạch lúa.
Ở các huyện, thị xã khu vực Đồng Tháp Mười, vựa lúa lớn của tỉnh Đồng Tháp, dù đang siết chặt việc kiểm tra người dân ra đường để phòng chống dịch nhưng với trường hợp nông dân đi thu hoạch lúa đều được chính quyền địa phương xác nhận cấp giấy lưu thông. Các xe, tài xế vận chuyển nông sản cũng được cơ quan chức năng tạo điều kiện lưu thông qua chốt, với điều kiện phải bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Trong khi đó, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đang lên phương án để thu hoạch và tiêu thụ lúa vụ thu đông (diện tích gần 70.000 ha) cho nông dân sẽ bắt đầu thu hoạch vào cuối tháng 9. Sở đã đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương thống kê số lượng máy gặt đập liên hợp hiện có trên địa bàn và đội ngũ lao động phục vụ thu hoạch để có phương án hỗ trợ nếu thiếu hụt máy gặt đập, nhân công thu hoạch; kịp thời hỗ trợ nông dân ký kết với thương lái, doanh nghiệp tiêu thụ lúa thu đông tại ruộng và hạn chế thấp nhất tình trạng thất thoát sau thu hoạch. “Chúng tôi đã giao cho các địa phương nắm danh sách các hộ nông dân, chủ cơ sở gặt đập liên hợp, nhân công bốc vác, lò sấy, thương lái… ưu tiên cho họ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 để thuận lợi trong việc thu mua lúa thu đông” – ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, thông tin.
Theo Người lao động