Nhiều địa phương ở các tỉnh ĐBSCL đã thành lập điểm tập kết, tổ sản xuất kết nối, cung ứng, hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Cả tháng nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ nông sản, thủy sản tại ĐBSCL gặp khó khăn khiến không ít hộ dân lâm vào cảnh trắng tay, không còn chi phí để tái sản xuất. Trước tình trạng này, ngành chức năng đang dốc sức tìm các giải pháp nhằm đẩy mạnh đầu ra nông sản cho nông dân.
Nông sản rớt giá, thương lái dè dặt
Thời gian gần đây, giá nhiều mặt hàng đặc sản của tỉnh Cà Mau như tôm, cua, sò huyết, bồn bồn… liên tục giảm sâu khiến nông dân rất lo lắng.
Ông Nguyễn Minh Phồi, Tổ trưởng Tổ hợp tác 2-9 (ở xã Đông Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), cho biết: “Giá sò chỉ 80.000 đồng/kg so với 120.000 đồng/kg trước đây nhưng có ngày vựa không thu mua. Tháng 9 tới là thời điểm thu hoạch, nếu giá cả thế này thì rất nhiều người khốn đốn vì thua lỗ”. Theo ghi nhận, giá cua tại Cà Mau sụt giảm đến 40% so với lúc bình thường nhưng đầu ra rất bấp bênh. Hiện giá cua thịt dao động 100.000 – 120.000 đồng/kg, cua gạch chỉ còn khoảng 250.000 đồng/kg. “Giá cua giờ thấp chưa từng có mà thương lái ít đi mua, mua thì cũng rất dè dặt vì sợ không bán được. Cứ đà này thì chúng tôi không thể đầu tư vụ mới” – ông Trần Văn Hiền, người nuôi cua ở huyện Năm Căn, nói.
Ông Ngô Minh Nguyên – người nuôi tôm ở xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu – cho biết hiện giá thức ăn, thuốc thủy sản tăng chóng mặt khiến chi phí đầu vào tăng cao. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá giảm sâu khiến người nuôi tôm đứng ngồi không yên. “Mặc dù muôn vàn khó khăn nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì sản xuất với hy vọng giá cả sớm tăng trở lại. Hơn nữa, thiết bị đã đầu tư phải vận hành vì không sử dụng sẽ hư hỏng” – ông Nguyên cho biết.
Liên kết các tỉnh Nam sông Hậu
Nhằm khẩn trương tìm đầu ra cho nông sản, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ mới đây, ông Nguyễn Tiến Hải – Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau – cho biết tỉnh tổ chức kết nối nguồn cung và cầu theo thị trường để không gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng. Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng các vùng sản xuất nguyên liệu, kịp thời nắm bắt các điểm nghẽn trong lưu thông, tiêu thụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cũng vừa ký công văn gửi UBND TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang để kêu gọi liên kết, phối hợp phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế. Theo đó, trước mắt, các địa phương sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, lưu thông hàng hóa và một số lĩnh vực cần thiết khác. UBND tỉnh Sóc Trăng đề xuất lãnh đạo UBND TP Cần Thơ chủ trì hội nghị trực tuyến để các địa phương trao đổi phương thức thực hiện liên kết. “Các tỉnh, thành Nam sông Hậu có nhiều điểm tương đồng. Cần sớm có giải pháp thống nhất chung để bảo đảm liên thông, giải quyết khâu tiêu thụ hàng hóa, nông – thủy sản” – ông Trần Văn Lâu nói.
Để tháo gỡ khó khăn về sản xuất và tiêu thụ tôm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bạc Liêu đã thành lập Tổ sản xuất kết nối, cung ứng, tiêu thụ nông sản, thông báo đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh; đề nghị các sở – ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi tình hình sản xuất, có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Tuần qua, để đáp ứng tiêu thụ khoảng 6.500 tấn thủy sản, chủ yếu là cá da trơn (4.600 tấn) và các loại cá khác trên địa bàn tỉnh An Giang, Sở NN-PTNT tỉnh đã phối hợp các ngành và tổ công tác của Bộ NN-PTNT kết nối, hỗ trợ người nuôi với các doanh nghiệp thu mua.
Theo ông Trần Văn Tuấn (Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), huyện đã thành lập 28 điểm tập kết hàng hóa, mỗi xã có từ 2-3 điểm để các xe tải đi theo luồng xanh đến lấy hàng đưa đến nơi tiêu thụ. Mỗi ngày tiêu thụ từ 1-2 tấn rau, củ, quả, trái cây, thủy sản… Ngành nông nghiệp huyện còn hỗ trợ nông dân lập 13 vựa thu nông sản. Những vựa này phát huy khả năng tiêu thụ khi mỗi ngày thu mua 3-5 tấn hàng hóa. Đồng thời, xã cấp giấy xác nhận cho nông dân đủ điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch khi đi thu mua trong địa bàn xã. Bên cạnh đó, một số HTX trong huyện tổ chức dịch vụ thu mua nông sản chở lên TP HCM hoặc các tỉnh khác tiêu thụ.
UBND tỉnh Vĩnh Long cũng vừa có quyết định thành lập Tổ hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản nhằm tăng cường cung ứng, kết nối hàng thiết yếu đến các tỉnh, thành phía Nam. Tổ này sẽ phối hợp với các ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện, thị xã, thành phố kịp thời tháo gỡ, xử lý các tình huống khó khăn để hỗ trợ địa phương thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản được thuận lợi, bảo đảm thông suốt, an toàn phòng chống dịch…
Theo Người lao động