Do công suất chế biến của các nhà máy lớn quá nên luôn trong tình trạng “đói” nguyên liệu, dẫn đến việc tranh mua nguyên liệu đầu vào, khiến giá điều thô tăng cao.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu điều trong nữa đầu tháng 3/2021 đạt 19.767 tấn, với 114.628.579 triệu USD. Cộng dồn từ ngày 1/1 – 15/3 đạt 86.851 tấn, với kim ngạch 508.495.552 triệu USD. So với cùng kỳ 2020 xuất khẩu điều tăng 25,36% về lượng và tăng 3,65% về kim ngạch.
XUẤT KHẨU TĂNG VỀ LƯỢNG, GIẢM VỀ GIÁ TRỊ
Ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 cho biết, tất cả các thị trường xuất khẩu điều của Việt Nam đều tiêu thụ tốt và mức tiêu thụ tăng từ 8 – 10%.
Quý 1/2021 ngành điều vẫn đang xuất khẩu tốt, tăng mạnh về khối lượng nhưng giá xuất khẩu thấp hơn so với quý 1/2020, vì vậy kim ngạch xuất khẩu tăng không tương xứng với mức tăng khối lượng. Giá xuất thấp là hệ quả của dịch Covid-19 làm giá đi xuống từ năm ngoái, giá xuất khẩu quý 1 năm nay là kế thừa giá năm ngoái và muốn khởi sắc cần phải có thời gian.
“Giá xuất khẩu nhân điều chưa tăng nhưng giá nhập khẩu điều thô vẫn tăng do có nhiều nhà máy sản xuất thiếu nguyên liệu. Ở Việt Nam số lượng nhà máy chế biến điều tăng lên rất nhiều, các doanh nghiệp FDI cũng có tham gia nên chia nguồn nguyên liệu ra khiến của các nhà máy thiếu điều thô. Để có đủ nguyên liệu các nhà máy tranh mua đẩy giá điều thô lên.
Thực ra, thiếu ở đây là thiếu nguyên liệu cho công suất nhà máy chế biến, thiếu trong sự bất ổn vì công suất chế biến điều của các nhà máy ở Việt Nam phát triển nóng chứ tiêu thụ điều trên thế giới cân đối vẫn đang ổn.
Đó cũng là vấn đề của ngành điều Việt Nam hiện nay. Do công suất chế biến điều của các nhà máy lớn quá nên các nhà máy luôn trong tình trạng “đói” nguyên liệu, vì vậy dẫn đến chuyện các nhà máy tranh nhau mua nguyên liệu còn nhân điều vẫn đủ cung cấp cho thị trường”, ông Huyên chia sẻ.
Theo VINACAS, khối lượng điều thô nhập khẩu năm 2020 đạt 1,6 triệu tấn, dự kiến năm 2021 nhập khẩu tăng lên 1,8 triệu tấn. Nguồn cung nguyên liệu hạt điều năm 2021 khá ổn định.
Tổng diện tích cây điều của Việt Nam năm 2021 đạt 297.000 ha, bằng 99,7% so với năm 2020. hiện nay nông dân đang thu hoạch rộ điều, dự kiến cuối tháng 4 là kết thúc vụ, ước sản lượng điều đạt khoảng 350 ngàn tấn. Vụ điều năm nay năng suất không tốt lắm do mưa trái mùa làm thối trái nhiều làm giảm năng suất từ 15- 20%.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đầu tháng 3/2021, giá hạt điều thô tại Việt Nam nhìn chung khá ổn định. Tại tỉnh Bình Phước, giá hạt điều thô ở mức 33.000 đồng/kg; tại tỉnh Đồng Nai ở mức 28.000 đồng/kg.
CHẾ BIẾN SÂU ĐỂ NÂNG GIÁ TRỊ GIA TĂNG
Đức là một trong những thị trường chủ lực của điều Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, tổng nhập khẩu hạt điều của Đức năm 2020 đạt 64,7 nghìn tấn, trị giá 490 triệu USD, tăng 7,5% về lượng và tăng 2,7% về trị giá so với năm 2019.
Trong chuỗi giá trị hạt điều toàn cầu, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu điều nhân sơ chế giá trị thấp, khoảng 10 USD/kg.
Trong khi nhân điều thành phẩm đến tay người tiêu dùng ở các nước khoảng 30 USD/kg. Như vậy, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% chuỗi giá trị ngành điều.
Trong đó, nhập khẩu hạt điều của Đức từ Việt Nam trong năm 2020 đạt 37,7 nghìn tấn, trị giá 282,82 triệu USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 7,0% về trị giá so với năm 2019. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Đức chiếm 58,24% trong năm 2020, cao hơn so với 54,18% năm 2019.
Năm 2020, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Đức đạt 7.569 USD/tấn, giảm 4,5% so với năm 2019. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Đức giảm ở hầu hết các thị trường cung cấp chính, nhưng tăng duy nhất từ Ấn Độ với mức tăng 2,7%, lên 7.852 USD/tấn. Trong năm 2020, Đức tăng nhập khẩu hạt điều từ các thị trường Việt Nam, Ấn Độ, Hà Lan, Brazil, nhưng giảm nhập khẩu từ Indonsia, Hon-đu-rát, Anh.
10 thị trường cung cấp hạt điều lớn nhất cho Đức năm 2020
Năm 2021, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2020, và đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu nhân điều đến hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm trên dưới 80% lượng nhân điều xuất khẩu trên thế giới.
Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị hạt điều toàn cầu, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu điều nhân sơ chế giá trị thấp, khoảng 10 USD/kg, trong khi nhân điều thành phẩm đến tay người tiêu dùng ở các nước khoảng 30 USD/kg. Như vậy, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% chuỗi giá trị ngành điều.
Lợi thế lớn nhất của ngành điều Việt Nam chính là công nghệ chế biến tiên tiến nhất thế giới do người Việt sản xuất. Song, như vậy vẫn chưa đủ và để khắc phục những vấn đề trên, ngành điều cần có chiến lược bài bản làm tăng giá trị hạt điều, chuyển từ sơ chế nhân điều và xuất khẩu bán thành phẩm sang thành phẩm chế biến tinh, đi trực tiếp vào các siêu thị.
Theo Bizlive