Từ 1/1 – 15/3/2021, xuất khẩu rau quả đạt 746 triệu USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ 2020. Tín hiệu lạc quan giúp ngành rau quả đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2021.
Theo số liệu thống kê Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả nửa đầu tháng 3/2021 đạt 182.323.160 USD, so với nửa đầu tháng 3/2020 tăng 19,54%. Cộng dồn từ ngày 1/1/- 15/3/2021 xuất khẩu rau quả đạt 745,864 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 9,40%.
Riêng tháng 2/2021 xuất khẩu rau quả ước đạt 255 triệu USD, giảm 17,7% so với tháng 2/2020, cộng dồn 2 tháng đầu năm 2021 đạt 564 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiều thị trường “mở rộng cửa” cho rau quả Việt Nam
Thị trường Trung Quốc hhiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Tuy nhiên, các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc … vốn chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng đều tăng trưởng khá trong năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021. Điều này khẳng định chất lượng hàng rau quả của Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu cao tại các thị trường này.
Các thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực trong 2 tháng đầu năm 2021
Thị trường xuất khẩu rau quả số 1 của Việt Nam là Trung Quốc có kim ngạch đạt 352,825 triệu USD, chiếm 62,54% thị phần. Đứng thứ 2 là Thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 23,418 triệu USD, chiếm 4,15% thị phần; thị trường Thái Lan đứng thứ 3 với kim ngạch xuất khẩu đạt 22,171 triệu USD, chiếm 3,93% thị phần; thứ 4 là thị trường Nhật Bản đạt kim ngạch 18,129 triệu USD, chiếm 3,2% thị phần; Hàn Quốc kim ngạch đạt 16,867 triệu USD, chiếm 3% thị phần; Thị trường Đài Loan đạt kim ngạch 12,868 triệu, chiếm 2,28% thị phần; Thị trường Úc đạt 11,902 triệu USD, chiếm 2,10% thị phần.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả từ các nước trong tháng 2/2021 ước đạt 110 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2021 đạt 259 triệu USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Agrotrade) cho biết, hiện Trung Quốc tăng cường nhập khẩu trái cây từ Việt Nam nhằm phục vụ cho Lễ hội mùa Xuân đang đến gần là tín hiệu khả quan đối với ngành hàng rau quả của nước ta.
Tại cửa khẩu Bằng Tường – cảng thương mại trái cây trên đất liền lớn nhất của Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng trái cây như thanh long, mít, dưa hấu, xoài và nhiều loại trái cây khác của Việt Nam diễn ra khá sôi động.
Sau khi được khử trùng nghiêm ngặt và thực hiện các biện pháp khác về phòng chống dịch Covid-19, các xe chở trái cây được đưa vào khu giám sát hải quan để kiểm tra. Các xe chở trái cây được đưa vào khu giám sát hải quan kiểm tra. Các xe trái cây sau đó sẽ được chuyển từ Chợ trái cây Bằng Tường đến Quảng Châu và Chiết Giang, sau đó được chuyển đi khắp đất nước Trung Quốc. Bên cạnh đó, trái cây Việt Nam được đưa vào các trung tâm mua sắm của Trung Quốc càng nhanh càng tốt để sớm đến tay người tiêu dùng.
“Đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng với tín hiệu khả quan từ đầu năm 2021, kỳ vong xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam se có một năm khởi sắc. Đặc biệt đối với nhóm hàng rau quả đã qua chế biến sẽ giúp toàn ngành gia tăng giá trị xuất khẩu”, đại diện Agrotrade khuyến nghị.
Cần tăng cường đầu tư vào các sản phẩm chế biến
Theo Cục Xuất nhập khẩu, dù kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm 2020 giảm đến 13% so với năm 2019, nhưng bước qua năm 2021 có nhiều tín hiệu cho thấy xuất khẩu hàng rau quả sẽ khả quan hơn nhờ các Hiệp định Thương mại tự do đã có hiệu lực.
Song, để có thể đẩy mạnh xuất khẩu rau quả trong năm nay, các doanh nghiệp nên tăng cường đầu tư vào các sản phẩm chế biến, bảo quản hàng rau quả đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, thiên tai dự báo vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2021.
“Trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn, tình trạng giảm mạnh thời gian qua là do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, trong thời gian tới thì Trung Quốc vẫn là thị trường có sức mua lớn và là điểm đến lớn nhất đối với hàng rau quả của Việt Nam.
Hiện nay với mức sống của người dân Trung Quốc ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng càng đề cao chất lượng, tính an toàn của nông sản, thực phẩm. Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm hàng rau quả và đáp ứng đúng các tiêu chuẩn mà phía Trung Quốc yêu cầu”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKFTA) hứa hẹn tạo ra động lực mới cho hợp tác kinh tế – thương mại trong thời gian tới. Khi Hiệp định có hiệu lực, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%. Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brasil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có FTA với Anh Quốc.
Theo Bizlive