Trong quá trình nhân rộng sản xuất giống lúa ST24, ST25 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã xuất hiện giống lúa lạ trà trộn và cả trường hợp sử dụng lúa lương thực để làm lúa giống.
Ngày 10-1, tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị triển khai kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 trên địa bàn và tổng kết, đánh giá tính thích nghi của giống lúa ST24, ST25 trên đất nuôi tôm.
Ưu điểm vượt trội
Nhằm mở rộng vùng liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa cho nông dân, Bạc Liêu đã xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng sản xuất giống lúa ST14, ST25 trên địa bàn các huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai, với tổng diện tích 3.500 ha. Nông dân tham gia mô hình này sẽ được nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng thuốc bảo vệ thực vật/ha; 50% lúa giống, 50% còn lại doanh nghiệp (DN) hỗ trợ. Ngoài ra, nông dân còn được hướng dẫn quy trình, kỹ thuật canh tác. Sản phẩm lúa của nông dân làm ra được DN bao tiêu hoàn toàn.
Ông Phạm Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, đánh giá qua quá trình canh tác cho thấy tổng chi phí đầu vào của ruộng mô hình thấp hơn so với ruộng đại trà 1,7 triệu đồng/ha. Trong khi đó, năng suất ước đạt trung bình 6 tấn/ha, giá bán 7.000 đồng/kg – cao hơn lúa một bụi đỏ, giá hiện 6.500 đồng/kg. Hiệu quả từ mô hình cao hơn ruộng đại trà 4,7 triệu đồng/ha.
Ông Hải cho biết theo đánh giá của cán bộ phụ trách mô hình và những hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất, các giống ST như ST24, ST25 có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, thích hợp sản xuất trên đất tôm, đặc biệt là khả năng chịu mặn, chịu phèn rất tốt, dễ canh tác. Ngoài ra, chúng còn có ưu điểm vượt trội so với các giống như OM2517, OM5451, BTE1 (F lai) và một số giống địa phương khác, đó là hầu như không xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại.
Nông dân Lê Việt Thắng (ngụ ấp Long Hậu, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) khẳng định 2 giống lúa mới sinh lời cao. “Năm 2020, tôi đã đăng ký thực hiện mô hình trình diễn giống lúa ST24, ST25 trên đất nuôi tôm với diện tích 1,5 ha. Trong đó, chi phí sản xuất lúa ST24 khoảng 11 triệu đồng, năng suất đạt được khoảng 6 tấn, thu được khoảng 42 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 31 triệu đồng/ha, tăng thêm 10 triệu đồng/ha so với giống lúa lai năm 2019” – ông Thắng khoe.
Theo ông Thắng, với giá thu mua lúa ST24 hiện nay vào khoảng 7.000 đồng/kg, chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn chút ít so với các giống lúa khác tại địa phương, là chưa thật sự khuyến khích được nông dân. “Chỉ cần DN, HTX thu mua cao hơn các giống lúa khác chỉ 1.000 đồng/kg thôi thì nhất định bà con sẽ tự chuyển đổi, mạnh dạn sản xuất giống ST, không cần phải ra sức vận động tham gia mô hình” – ông Thắng nhận xét.
Lo giống lạ trà trộn
Phát biểu tại hội nghị, Anh hùng Lao động – kỹ sư Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của giống lúa ST24 và ST25, đánh giá có sự thành công tương đương nhau giữa các vùng sản xuất các giống lúa ST. “Điều này cho chúng ta niềm tin để xây dựng kế hoạch tương lai. Bà con không nên sản xuất ồ ạt giống lúa ST25, chỉ nên khống chế ở mức 10%. Chúng ta cần thời gian nghiên cứu, đánh giá đặc tính để sản xuất cho hiệu quả tốt nhất” – ông Cua nhấn mạnh.
Ông Cua cũng chỉ ra mặt trái của việc chạy đua mở rộng mô hình sản xuất vì sức hút của giống lúa ST24, ST25. “Năm qua, vấn đề tìm nguồn giống để bổ sung đã gây ra hệ lụy không tốt. Tôi thấy nhiều nơi có những giống lúa khác trà trộn vào giống ST. Vấn đề giống là tối quan trọng trong sản xuất, nên tỉnh cần quan tâm nhiều hơn. Sắp tới, khi diện tích lúa ST tăng lên, tỉnh cần quan tâm chủ động mời gọi thêm DN bao tiêu và phân vùng cụ thể; tránh tình trạng tranh nhau thu mua, lộn xộn ở khâu thu hoạch. Tỉnh cần xử lý những trường hợp sử dụng giống lúa lương thực để làm giống, đây là tác hại vô cùng lớn” – ông Cua đề nghị.
Theo kế hoạch, năm 2021, tỉnh Bạc Liêu xây dựng cánh đồng lớn và liên kết bao tiêu với 9 cánh đồng diện tích 1.700 ha. Bên cạnh đó, dự kiến diện tích sản xuất giống lúa ST24, ST25 là 11.800 ha (vùng ngọt ổn định 3.500 ha, vùng lúa tôm 8.300 ha), trong đó phát triển mới 8.300 ha.
Đánh giá cao hiệu quả của mô hình sản xuất giống lúa ST24, ST25 trên địa bàn tỉnh, ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, đề nghị về lâu dài, giữa DN và nông dân phải ngồi lại với nhau để tính, nhất là vấn đề bao tiêu sản phẩm.
“Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, có khi được mùa mất giá, được giá thì mất mùa. Các bên cần phải hỗ trợ lẫn nhau, cùng có lợi và vượt qua những thời điểm khó khăn như thế. Điều quan trọng nữa là nông dân nhất định phải kiên trì, không thể vì một mùa thất bại rồi bỏ chạy, chuyển sang sản xuất loại khác, dẫn tới loay hoay không có đường ra…” – ông Hùng gợi ý.
Gạo ST25 “rớt hạng”: Không có gì phải lo lắng!
Nói về việc gạo ST25 (thuộc sở hữu của DNTN Hồ Quang Trí) “rớt hạng”, chỉ về nhì cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới năm 2020” vừa diễn ra tại Mỹ (năm 2019 đoạt giải nhất), ông Hồ Quang Cua cho rằng kết quả này không ảnh hưởng gì đến uy tín và chất lượng gạo Việt Nam.
“Trước giờ, Thái Lan 2 năm đi thi gạo ngon nhất thế giới chỉ với một giống, Campuchia cũng dự thi với một giống lúa. Có năm họ hạng nhất, có năm hạng nhì, hạng ba… Trong 4 lần dự thi gạo ngon nhất thế giới, ST Việt Nam đều lọt vào tốp 3, củng cố vị thế gạo của nước ta với bạn bè quốc tế. Không có gì phải lo lắng về chất lượng hay mất thương hiệu” – ông Cua khẳng định.
Theo Người lao động