Theo Bộ Công Thương, nhu cầu thế giới phục hồi cũng kéo theo giá xuất khẩu hầu hết mặt hàng nông, thủy sản đều tăng so với tháng trước cũng như cùng kì năm 2019.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.963 USD/tấn trong tháng 11, tăng 5,7% so với tháng 10 và tăng 12,2% so với cùng kì năm 2019.
Giá xuất khẩu hạt tiêu tăng 3,6% so với tháng 10 và tăng 8,1% so với cùng kì năm 2019; nhân điều đạt 6.207 USD/tấn, tăng 3,5% so với tháng trước nhưng giảm 12,7% so với cùng kì năm 2019; giá xuất khẩu cao su tăng 8,8% so với tháng 10 và tăng 15% so với cùng kì năm 2019.
Riêng với mặt hàng gạo, giá xuất khẩu gạo trong tháng 11 đạt bình quân 534 USD/tấn, tăng 1% so với tháng 10 và tăng 16% so với cùng kì năm 2019.
Trong 11 tháng năm 2020, gạo cũng là mặt hàng có giá xuất khẩu tăng mạnh nhất, tăng 13% so với cùng kì năm 2019, đạt bình quân 496 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo trắng 5% tấm của Việt Nam tính đến ngày 25/11 dao động ở mức 495 – 500 USD/tấn, cao hơn so với các nhà cung cấp khác trong khu vực như Thái Lan (475 – 485 USD/tấn) hay Ấn Độ (366 – 370 USD/tấn).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 11, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3,7 tỉ USD , giảm 4,2% so với tháng 10.
Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản và lâm sản chính tương đương tháng 10, nông sản đạt khoảng 1,6 tỉ USD, lâm sản chính trên 1,2 tỉ USD; thủy sản đạt 800 triệu USD (giảm 12,9%) và chăn nuôi đạt 33 triệu USD (giảm 11,5%).
Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 37,42 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kì năm 2019.
Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 16,76 tỉ USD, giảm 0,5%; chăn nuôi ước đạt 297 triệu USD, giảm 18,5%; thủy sản ước đạt khoảng 7,7 tỉ USD, giảm 1%; lâm sản chính đạt trên 11,6 tỉ USD, tăng 15%.
Hiện đã có 8 nhóm, mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD; trong đó có 07 nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 02 tỉ USD.
Bộ Công Thương cho biết hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, kí kết.
Nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng