Đầu tháng 11, giá mủ cao su trên thị trường tăng vọt ở mức 13.000 – 15.000 đồng/kg mủ nước, cao nhất trong 3 năm qua. Đây là tín hiệu vui cho nông dân, doanh nghiệp trồng cao su ở nước ta.
Bình Phước – “Thủ phủ cao su” của cả nước, những ngày đầu tháng 11/2020, chưa bao giờ, người trồng cây cao su nơi đây lại vui mừng, phấn khởi như vậy, khi giá mủ cao su bật tăng lên mức 13.000 -15.000 đồng/kg mủ nước. Dù giá của “vàng trắng” chưa đạt đến đỉnh điểm như giai đoạn năm 2011-2012, nhưng cũng giúp người nông dân vơi bớt khó khăn.
Ông Nguyễn Thành, người dân trồng cao su ở thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết: “Thời điểm “vàng” của cao su cuộc sống người dân khác hơn bây giờ. Lúc đó, người dân có điều kiện mua sắm, xây nhà cửa. Giờ cao su chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày chứ không thể làm giàu như ngày xưa”.
Bà Chu Thị Hoài, ngụ ở xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương có 3ha vườn cao su. Thời gian trước, gia đình bà Hoài ngại thu hoạch mủ cao su vì giá thấp, thu không đủ bù đắp các khoản chi phí khác. Từ tháng 10, nhờ giá cao su lên cao, bà Hoài huy động nhân lực tập trung khai thác. Với giá như hiện nay, trừ các khoản chi phí, bà còn dư hơn 10 triệu đồng/tháng.
“So với mức thu nhập này với người nông dân cao su thì cuộc sống gia đình tương đối ổn định. Tôi mong muốn giá mủ cao su ổn định hoặc tăng thêm một tí cho cuộc sống người nông dân cao su ngày càng khấm khá hơn” – bà Hoài chia sẻ.
Không chỉ các hộ gia đình mà những nông trường, công ty trồng cao su cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Anh Nguyễn Văn Thanh – Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cao su Bình Thuận, cho hay, từ đầu tháng 11 đến nay, giá mủ cao su thành phẩm liên tục tăng, từ 23 lên 29 triệu đồng/tấn, có thời điểm tăng đến 39 triệu đồng/tấn. Đây là giá “không tưởng” của mủ cao su sau nhiều năm ì ạch dưới mức 23 triệu đồng/tấn. Với mức giá mủ cao su hiện nay thì công ty sẽ lãi cao, đời sống của cán bộ, công nhân cũng sẽ được nâng lên.
Giá cao su lên cao bất ngờ, theo các công ty kinh doanh cao su thì nguyên nhân do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng đột biến. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng cao su trong lĩnh vực y tế cũng tăng khoảng 50% so với năm 2019.
Đã có thời điểm, giá mủ cao su tăng cao, nhiều hộ gia đình tập trung khai thác, vắt kiệt sức cây để bù lại thời điểm giá cả thấp, chính vì vậy sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ, chất lượng mủ.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương khuyến cáo, người dân không nên ép cây lấy mủ; chuyển chế độ cạo từ D3 (3 ngày cạo 1 lần) sang D1 (mỗi ngày cạo 1 lần). “Chu kỳ khai thác của cây cao su rất dài. Để bảo đảm vườn cây cao su sinh trưởng, phát triển có được sản lượng nhất định thì bà con nên đầu tư chăm sóc vườn cây. Đặc biệt, tăng cường bón phân, giảm số lần cạo, chỉ cạo D2 hoặc D3, có thể kết hợp chất kích thích để tăng sản lượng”.
Những năm qua, giá mủ giảm sâu nên mỗi năm đã có hàng chục ngàn ha cao su già cỗi, cao su đang cho khai thác ở Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận được thanh lý để trồng mới lại hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác. Diện tích cao su giảm mạnh dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch với loại cây trồng này.
Theo VOV