Các chuyên gia cho biết virus corona được phát hiện trên bao bì thực phẩm đông lạnh đều đã chết, không thể lây nhiễm lên con người. Tuy nhiên, các nước đều thực hiện siết chặt kiểm soát việc nhập khẩu hàng hoá nhất là từ những quốc gia đang ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19.
Mối quan tâm về bao bì thực phẩm đông lạnh có chứa COVID-19 đang dấy lên dạo gần đây tại nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Philippines, New Zealand khi người dân lo lắng họ có thể bị nhiễm virus. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chúng không gây hại cho người tiêu dùng.
Thực hư chuyện bao bì thực phẩm đông lạnh có chứa virus corona
Theo SCMP, trong tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện tại chưa có trường hợp nào nhiễm COVID-19 qua thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm. Tiếp nối nhận định này, Cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm của Hong Kong cũng khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy con người bị lây nhiễm COVID-19 bằng phương thức trên.
Nhiều chuyên gia sức khỏe cộng đồng, trong đó có Tiến sĩ David Hui Shu-cheong từ Đại học Trung Quốc, cho biết virus corona được phát hiện trên các mẫu thực phẩm đông lạnh đều đã chết. Điều này đồng nghĩa với việc chúng sẽ không thể lây nhiễm lên con người.
Ông Hui còn khẳng định rằng loại virus này đáng lo ngại chỉ khi chúng còn sống và được tìm thấy trên các mẫu xét nghiệm.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh từ nhiều tuần trở lại đây, truyền thông các nước liên tục ghi nhận sự việc virus corona hiện hữu trên bao bì thực phẩm đông lạnh gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng.
Vụ việc đầu tiên xảy ra khi có hai thành phố ở Trung Quốc phát hiện thấy virus SAR-CoV-2 trên bề mặt thực phẩm đông lạnh và bao bì hàng hoá từ Nam Mỹ. Các nhà chức trách nước này cũng đã tìm thấy dấu vết của virus trên thành của các container vận chuyển.
Sự việc gần đây nhất là ở thành phố Thâm Quyến vào ngày 13/8, người dân nơi đây rất lo lắng khi mua các thực phẩm đông lạnh nhập khẩu sau khi chính quyền địa phương thông báo xét nghiệm bề mặt cánh gà từ Brazil có virus SARS-CoV-2. Những mẫu gà này đến từ nhà máy ở Aurora Alimentos, phía nam bang Santa Catarina.
Tuy nhiên, chính quyền Thâm Quyến cho biết tất cả những người tiếp xúc với sản phẩm và những sản phẩm khác có liên quan đều cho kết quả âm tính và khuyến cáo người dân nên thận trọng hơn khi mua các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu.
Hong Kong và các quốc gia khác đã có những biện pháp gì trước sự việc trên?
Trung tâm An toàn Thực phẩm của Hong Kong đã đình chỉ giấy phép nhập khẩu của công ty Aurora Alimentos Brazil. Bên cạnh đó, Hiệp hội ABPA của Brazil (Brazilian Association of Animal Protein) cũng cho biết họ đang làm rõ sự việc trên.
ABPA nói thêm rằng họ có thể nhờ sự giúp đỡ từ phía Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giải quyết sự việc vì lệnh cấm trên không có bằng chứng khoa học. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên hợp quốc thì chưa có gì chứng minh virus corona có thể lây truyền qua thực phẩm.
Các cơ quan an toàn thực phẩm của Hong Kong nói họ sẽ tăng cường kiểm tra thịt gà đông lạnh từ Brazil như một biện pháp phòng ngừa. Họ cũng sẽ liên hệ với các nhà chức trách Đan Mạch để biết thêm thông tin về nhà máy chế biến thịt lợn.
Tiến sĩ Ho Pak-leung, nhà vi sinh vật học thuộc Đại học Hong Kong, đã hối thúc Trung tâm An toàn Thực phẩm công bố thông tin trực tuyến về số lượng mẫu thực phẩm nhập khẩu và các nguồn liên quan đã được kiểm tra để cho công chúng yên tâm.
Về phía Trung Quốc, các nhà chức trách nước này đã tăng cường kiểm tra thực phẩm nhập khẩu vào giữa tháng 6 khi Bắc Kinh ghi nhận các trường hợp nhiễm COVID-19 liên quan đến một chợ thực phẩm nơi virus này được tìm thấy trên thớt chế biến cá hồi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết cá hồi không có khả năng mang virus corona.
Bên cạnh đó, họ đã phát hiện 9 trường hợp nhiễm COVID-19 từ thực phẩm nhập khẩu kể từ đầu tháng 7 trong quá trình tăng cường kiểm tra hàng hóa cập cảng tới Trung Quốc. Hôm 16/8, chính quyền Quảng Châu đã thông báo lệnh cấm thịt, cá và hải sản đông lạnh từ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhưng chưa có những tên cụ thể.
Phía Philippines cũng đã công bố lệnh cấm tạm thời đối với gia cầm nhập khẩu từ Brazil, chưa xác định lệnh cấm hết sẽ hiệu lực khi nào.
Còn New Zealand, quốc gia không ghi nhận ca nhiễm bệnh trong hơn 100 ngày, cũng đã phải điều tra xem liệu các trường hợp mắc COVID-19 mới nhất của họ có thể liên quan đến các thực phẩm đông lạnh nhập khẩu hoặc hàng hóa chuyên chở hay không. Tuy nhiên, hôm 18/8, New Zealand đã loại trừ khả năng này.
Người tiêu dùng có thể làm gì để tránh bị lây nhiễm virus?
Trung tâm An toàn Thực phẩm của Hong Kong khuyến cáo người dân nên rửa tay thật kĩ trước và sau khi xử lí thực phẩm. Bên cạnh đó, để riêng thịt sống với các thực phẩm đã nấu chín.
Ông Hui khuyến nghị người dân nên rửa sạch bao bì của các sản phẩm đông lạnh bằng xà phòng trước khi cất trữ. Ông cũng cho biết sẽ không có vấn đề gì xảy ra nếu thực phẩm được nấu chín kĩ trước khi ăn.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng