Giá cao su giao dịch trên thị trường tăng mạnh. Tại các nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới, giá cao su nguyên liệu cũng đồng loạt tăng trong những tháng gần đây do kỳ vọng vào các chương trình kích thích kinh tế ở những nước tiêu thụ cao su hàng đầu.
Giá cao su trên thị trường thế giới tăng khá mạnh trong vòng một tháng qua. Hợp đồng cao su tham chiếu trên sàn Osaka hiện cao hơn 12% so với một tháng trước đây, trong khi cùng khoảng thời gian này thì giá dầu chỉ tăng khoảng 2% (trong lịch sử, giá cao su thường có tỷ lệ thuận với giá dầu vì cao su thiên nhiên cạnh tranh với cao su nhân tạo – là một sản phẩm từ dầu mỏ).
Ngày 14/8/2020, hợp đồng cao su thiên nhiên kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Osaka có giá 175 JPY (1,64 USD)/kg, tăng 12% so với một tháng trước đó. So với thời điểm giá thấp nhất của năm nay (ngày 30/3/2020, khi giá ở mức thấp nhất 4 năm), giá mặt hàng này đã tăng hơn 20%.
Là hợp đồng tham chiếu cho toàn thị trường Châu Á nhưng giá cao su tại Osaka (trước đây hợp đồng này được giao dịch trên sàn Tokyo) thường biến động theo xu hướng giá cao su trên sàn Thượng Hải. Cao su kỳ hạn tham chiếu trên sàn Thượng Hải từ cuối tháng 3/2020 đến nay đã tăng 22%.
Tại các nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới, giá cao su nguyên liệu cũng đồng loạt tăng trong những tháng gần đây do kỳ vọng vào các chương trình kích thích kinh tế ở những nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc… và những số liệu tích cực từ các nền kinh tế lớn trên thế giới cho thấy sự hồi phục sau giai đoạn suy yếu kéo dài vì Covid-19, nhất là kinh tế Trung Quốc.
Động lực chủ yếu thúc đẩy giá cao su tăng mạnh trong thời gian qua do nhu cầu từ Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su số 1 thế giới, mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ những dấu hiệu kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19 sớm hơn các nền kinh tế phương Tây, nhất là từ lĩnh vực ô tô.
Doanh số bán ô tô mới tại Trung Quốc – thị trường ô tô lớn nhất thế giới – tháng 7/2020 tăng 16,4% so với cùng tháng năm 2019, đạt 2,11 triệu xe, là tháng tăng thứ 4 liên tiếp.
Dự báo trong 3 tháng tới, giá cao su thiên nhiên sẽ còn tiếp tục tăng do nhu cầu vẫn mạnh.
Hiệp hội Các nước sản xuất Cao su thiên nhiên (ANRPC) mới đây dự báo, tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu trong giai đoạn tháng 8-10/2020 sẽ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 15% trong 6 tháng đầu năm 2020 xuống 5,91 triệu tấn, và giảm tiếp 2,7% trong tháng 7/2020. Theo tổ chức này, nhu cầu tăng ở Trung Quốc sẽ bù lại cho sự sụt giảm ở Malaysia – nơi nhu cầu nguyên liệu sản xuất găng tay cao su giảm đi. Trong khi đó, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu trong giai đoạn 4 tháng kết thúc vào tháng 10/2020 dự báo sẽ giảm 2,4%, sau khi đã giảm 6,8% trong 6 tháng đầu năm 2020 (so với cùng kỳ năm trước).
Theo ANRPC, triển vọng nhu cầu cao su thiên nhiên trong cả năm 2020 sẽ đạt 12,75 triệu tấn, tăng so với 12,67 triệu tấn trong dự báo trước đây và cũng tăng 7,3% so với năm trước.
ANRPC nhận định, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2020 sẽ chỉ đạt 13,195 triệu tấn, giảm 4,5% so với năm 2019. Con số này gần tương tự như dự báo trước đó (tháng 6/2020 ANRPC dự báo là sản lượng sẽ ở mức 13,199 triệu tấn). Nhu cầu tăng trong khi sản lượng giảm sẽ tiếp tục đẩy giá cao su thiên nhiên đi lên.
Mặc dù vậy, Tập đoàn Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG) không lạc quan như ANRPC về triển vọng nhu cầu cao su thiên nhiên trong những tháng tới. Dựa theo kịch bản về tăng trưởng kinh tế toàn cầu do IMF đưa ra, IRSG dự báo nhu cầu cao su thiên nhiên thế giới năm 2020 sẽ giảm 11% so với năm 2019, xuống 12,12 triệu tấn; sau khi đã giảm 1% trong năm 2019 so với năm 2018; nhưng sau đó sẽ hồi phục trong năm 2021 (tăng 7,8%). Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh đó được cho là bởi những biện pháp chống dịch Covid-19, trong đó có phong tỏa/giãn cách xã hội, các nhà máy phải tạm dừng hoạt động, kinh doanh bán lẻ trì trệ, thiếu nhân lực lao động…