Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các đơn vị doanh nghiệp tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với nhu cầu bình thường từ tháng 8 đến tháng 10 đối với 17 mặt hàng thiết yếu.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 10/8, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cùng đoàn công tác đã làm việc với hai doanh nghiệp thương mại trên địa bàn thành phố – gồm Công ty TNHH AEON Việt Nam chi nhánh Hà Đông và Công ty TNHH MM Mega Market chi nhánh Thăng Long.
Tại buổi làm việc với AEON Việt Nam chi nhánh Hà Đông, bà Đỗ Ngọc Khánh Chi, Giám đốc công ty cho biết, đến nay lượng hàng hóa dự trữ trên toàn hệ thống siêu thị tăng từ 1,5 – 2 lần so với lượng hàng hóa thông thường.
Việc dự trữ này tùy thuộc vào từng nhóm mặt hàng. Ví dụ như mặt hàng gạo, mì tôm lượng dự trữ tại siêu thị tăng lên nhiều hơn, nhưng với mặt hàng trứng, thịt phía siêu thị đã ước tính với nhà cung cấp để họ có thể chuẩn bị hàng trong trường hợp nhu cầu của người tiêu dùng tăng vọt.
Với hệ thống nhà cung cấp trải rộng trên khắp cả nước, AEON có thể chủ động nguồn cung hàng hóa trong bất kì trường hợp nào. Ngoài kho hàng hiện tại, doanh nghiệp có thuê thêm kho ngoài để trữ hàng hóa.
Bà Chi chia sẻ, trong đợt dịch thứ hai, mặc dù Hà Nội có người lây nhiễm COVID-19 nhưng lượng khách mua hàng trong mấy ngày gần đây hầu như không tăng, thậm chí lượng khách mua trực tiếp tại siêu thị còn giảm 30 – 35% do người tiêu dùng thực hiện mua hàng hóa gần nhà, mua online, mua của người quen. Nhiều người còn ngại đến siêu thị vì sợ tụ tập đông người.
Việc người dân Hà Nội không đổ xô dự trữ thực phẩm cho thấy tâm lí người dân không quá lo lắng thiếu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và đã có những kinh nghiệm thiết thực trong việc ứng phó với dịch bệnh COVID-19 quay trở lại..
Tại buổi làm việc ở Mega Market Việt Nam chi nhánh Thăng Long, người đại diện siêu thị cho hay, công tác phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng yêu cầu, hướng dẫn của Chính phủ.
Mọi nhân viên và khách hàng đeo khẩu trang khi vào siêu thị. Toàn bộ khách vào siêu thị đều được đo thân nhiệt. Việc giãn cách được thực hiện tại quầy lễ tân, lối vào và quầy thu ngân. Nước rửa tay sát khuẩn được bố trí nhiều nơi trong siêu thị. Những việc trên được yêu cầu áp dụng đối với nhà cung cấp.
Kết thúc buổi làm việc, bà Lan đánh giá cao việc nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của TP. Hà Nội và Sở Công Thương trong công tác chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như công tác chống dịch.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh trong thời gian cao điểm của dịch bệnh từ ngày 10 đến 16/8, đề nghị các đơn vị doanh nghiệp cần tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với nhu cầu bình thường của người dân, thực hiện trong 3 tháng 8, 9 và 10 đối với 17 mặt hàng thiết yếu mà ngành Công Thương đã đưa ra.
Trong công tác dự trữ hàng hóa, bà Lan đề nghị phía doanh nghiệp thương mại bố trí lượng hàng tại các địa điểm bán hàng, lượng hàng trong kho trực tiếp của đơn vị và kho của các nhà phân phối, đảm bảo các mặt hàng thiết yếu theo đúng yêu cầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thương mại được đề nghị xây dựng phương án điều phối hàng hóa trong toàn hệ thống một cách chi tiết, cụ thể trong mọi tình huống.
Các doanh nghiệp thương mại cần chủ động liên kết với các tỉnh, thành phố để đảm bảo đủ nguồn hàng với 17 mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, phải tính toán đến phương án trong trường hợp rất nhiều những tỉnh thành phố nằm trong vùng doanh nghiệp nhập hàng mà lại phát hiện ra những ổ dịch lớn, phải cách li, phong tỏa.
Tất cả hàng hóa phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và giữ được giá bình ổn trong suốt thời gian công tác phòng chống dịch và trong Chương trình bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán 2021.
Hiện nay, do tác động của dịch COVID-19 nên Hà Nội không tổ chức được các chương trình hội chợ, tuần hàng… Trong khi đó, các thông báo kết luận của thành phố đều ghi rõ ngành Công Thương phải bảo đảm đủ hàng hóa và tăng cường kết nối cung-cầu.
Do đó, TP Hà Nội mong muốn mỗi một điểm bán hàng của doanh nghiệp thương mại bố trí một điểm hỗ trợ cho các tỉnh đưa hàng hóa, nông sản vào bán tại trong hệ thống.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng việc này vừa giúp quảng bá sản phẩm, vừa giúp các tỉnh tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp cho thành phố cân đối cung cầu và giúp cho doanh nghiệp thu hút thêm khách hàng đến để mua các đặc sản của địa phương theo các mùa vụ.
Ngoài ra, sở cũng đề nghị các doanh nghiệp thương mại bố trí 1 điểm bán hàng OCOP nhằm giúp tuyên truyền quảng bá sản phẩm OCOP không chỉ riêng Hà Nội mà còn các tỉnh, thành phố, giúp người tiêu dùng có nhiều sản phẩm để lựa chọn.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng