Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Ngành gỗ vẫn có khả năng đạt được mục tiêu 12 tỷ USD năm 2020

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động từ dịch Covid-19 nhưng ngành gỗ vẫn có dư địa phát triển tốt, tiềm năng nâng cao chuỗi giá trị. Nếu dịch Covid-19 qua đi thì khả năng ngành gỗ vẫn đạt được mục tiêu 12 tỷ USD.

xuất khẩu gỗ việt nam

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn đã cho biết như vậy khi trả lời báo chí xung quanh tác động của dịch Covid-19 đối với ngành gỗ.

* PV: Thời gian qua, dịch Covid-19 đã có những tác động đến các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu (XK) gỗ. Xin Thứ trưởng cho biết những khó khăn với ngành gỗ hiện nay?

– Ông Hà Công Tuấn: Có thể nói dịch Covid-19 đã ảnh hưởng  lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam, phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tôi có thể điểm lại 4 tác động nghiêm trọng đối với ngành gỗ.

Thứ nhất, đối với thị trường XK, đến tháng 4 này khoảng 80% các đơn hàng bị tạm dừng, chưa tìm được đơn hàng mới. Các thị trường lớn như Hoa Kỳ chiếm 51% kim ngạch XK gỗ gần như đóng băng; thị trường châu Âu chiếm khoảng 39% kim ngạch cũng đã đóng băng, Nhật Bản chiếm 12%, Hàn Quốc chiếm 7% nhưng cũng chỉ còn những đơn hàng lác đác.

Với thị trường Trung Quốc, thời gian gần đây dịch Covid-19 ở nước này lại có tác động mạnh trở lại nên tình hình diễn biến khó lường.

Đối với thị trường trong nước, hiện nay có hai sản phẩm chính: Sản phẩm của các làng nghề truyền thống có đến 70 – 80% sản phẩm không tiêu thụ được, phải tạm dừng hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, sản phẩm chế biến cao cấp cho các công trình lớn (khách sạn, công sở) giảm 90% doanh thu so với cùng kỳ.

Về nhập khẩu, trong quý I/2020 nguyên liệu gỗ, phụ kiện nhập khẩu cũng giảm 70 – 80%. Hiện sản xuất chủ yếu từ nguồn dự trữ.

Tình hình sản xuất của ngành chế biến, XK gỗ có thể nói là ngừng trệ, do không có đơn hàng nên các DN chế biến gỗ buộc phải tạm dừng sản xuất và cho lao động nghỉ.

Qua khảo sát bước đầu ở 130 DN thì bình quân mỗi DN trong quý I/2020 thiệt hại 25 tỷ đồng; tổng thiệt hại 3.000 – 5.000 tỷ đồng. Người lao động không có thu nhập, đang tạm nghỉ việc, đối diện với thất nghiệp ở một bộ phận không nhỏ lao động. DN cũng có áp lực trả nợ ngân hàng, xin giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, bảo hiễm xã hội.

Chúng tôi mong muốn rằng khó khăn này sẽ kết thúc sớm, nhưng mỗi DN sẽ có bản lĩnh khác nhau để xử lý tình huống này.

* PV: Thưa Thứ trưởng, dịch Covid -19 đã tác động đến nhiều khâu của chuỗi cung ứng ngành gỗ, cả người trồng rừng và DN. Bộ NN&PTNT đã có giải pháp gì để hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn này?

– Ông Hà Công Tuấn: Tôi muốn nói thêm, việc đánh giá khó khăn cho các DN gỗ, chỉ có 7% DN vẫn hoạt động bình thường, còn lại trên 90% DN phải tạm dừng hoặc luân chuyển một bộ phận lao động, tạo ra sự đứt gãy toàn chuỗi.

Sản xuất, tiêu thụ đình trệ, ảnh hưởng đến chuỗi, cả những người cung cấp nguyên, phụ liệu, đặc biệt cả những người trồng rừng. Qua nắm bắt tình hình ở một số địa phương, người trồng rừng đã kêu khó khăn vì gỗ không có người mua.

Trong bối cảnh chống dịch nhưng con người vẫn phải sống, phải sinh hoạt, nhưng dịch đã khiến các mối quan hệ của chuỗi cung ứng, sản xuất đứt gãy. Nếu chúng ta không duy trì được các đơn hàng quốc tế, thì khả năng khôi phục sản xuất càng khó khăn hơn.

Với mục tiêu của Chính phủ là vừa chống dịch vừa đảm bảo duy trì sản xuất, chúng tôi đã làm việc với các hiệp hội, trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, Bộ NN&PTNT vẫn duy trì thông tin, nắm bắt tình hình và có văn bản liên quan tới các bộ ngành, Chính phủ về các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến gỗ trong giai đoạn khó khăn này.

Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Chính phủ hai giải pháp trước mắt. Theo đó, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ vừa kịp thời vừa thể hiện quyết tâm cao khôi phục, hỗ trợ sản xuất, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ với ngành sản xuất. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đồng ý cho kéo dài 5 tháng đối với các DN chế biến gỗ nói riêng và các DN nói chung chậm nộp các loại thuế (giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân); chậm nộp 5 tháng với tiền thuê đất đợt 1.

Các DN gỗ đều có quan hệ tín dụng, DN càng sản xuất lớn, dư nợ tín dụng càng cao. Trước khó khăn hiện nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư 01/2020/TT-NHNN cơ cấu lại hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay do dịch Covid-19, có gói tín dụng 285.000 tỷ đồng để xử lý giãn, hoãn nợ cũ, áp dụng cơ chế cho vay có điều kiện đảm bảo nhẹ nhàng hơn, lãi suất thấp hơn 0,5%, 0,25% để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Chính phủ cũng đã xem xét có Nghị quyết hỗ trợ cơ sở sản xuất, người lao động chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, với 62.000 tỷ đồng. Đây là những chính sách lần đầu tiên được áp dụng. Nhà nước đang phải dùng tích lũy từ trước đến nay để đầu tư cho duy trì sản xuất.

Cùng với đó, chúng tôi đã có văn bản gửi các hiệp hội, đề nghị các hiệp hội truyền đạt đến DN trước hết là DN phải năng động, sáng tạo, cùng nhà nước vượt qua giai đoạn khó khăn.

Dù thị trường chủ chốt khó khăn thì phải tìm thị trường khác và thị trường nội địa. Do đang thực hiện giãn cách xã hội, đương nhiên chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, các DN gỗ nên chuyển sang bán hàng online, không chỉ cho trước mắt mà lâu dài, điều này giúp DN ứng dụng công nghệ trong bán hàng.

Bên cạnh đó, DN phải gắn bó với người lao động, không được “để ai lại phía sau”, thì phải đồng hành, thống nhất với họ, khi dịch khó khăn vận động họ chia sẻ, khi hết dịch họ sẵn sàng trở lại làm việc.

Trong bối cảnh này, có rất nhiều DN phải cố gắng; một số DN tư nhân đã dùng cả tài sản gia đình thế chấp để vượt qua.

Bộ NN&PTNT cũng giao cho Tổng cục Lâm nghiệp làm việc với các hiệp hội, làng nghề, ngay sau khi nới lỏng giãn cách, hết dịch thì phải khôi phục sản xuất ngay, nếu kéo dài tình trạng tạm ngừng như hiện nay sẽ dẫn đến đình trệ.

* PV: Thưa ông, đó là những giải pháp ngắn hạn để gỡ khó cho DN ngành gỗ. Vậy, để ngành gỗ phát triển bền vững sau đại dịch, cần có giải pháp lâu dài như thế nào? Trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, liệu ngành gỗ có thể đạt mục tiêu XK đề ra trong năm 2020?

– Ông Hà Công Tuấn: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động từ dịch Covid-19 nhưng ngành gỗ vẫn có dư địa phát triển tốt, tiềm năng nâng cao chuỗi giá trị. Khi dịch Covid-19 qua đi, nhất là thị trường chủ chốt thì khả năng ngành gỗ vẫn đạt được mục tiêu 12 tỷ USD.

Để ngành gỗ phát triển bền vững, theo tôi phải tập trung 4 giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, dứt khoát cơ cấu lại sản phẩm XK. Hiện nay, chúng ta vẫn phải dùng 25 – 26 triệu m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất ra khoảng 13 triệu tấn dăm mà chỉ làm kim ngạch XK chỉ 1,5 – 1,6 tỷ USD, con số này rất thấp, chiếm hơn 10%, trong khi lượng nguyên liệu chiếm 60%.

Cơ cấu sản phẩm gỗ phải thay đổi. Hiện nay XK gỗ chủ yếu sang Mỹ, EU là bàn trang điểm, dụng cụ phòng bếp, phòng tắm chiếm 60%, trong khi đồ ngoại thất, văn phòng chỉ chiếm 40%, đây là dư địa lớn. Hơn nữa, phải thay đổi cơ cấu sản xuất, chuỗi từ trồng rừng gỗ lớn, cải tiến về giống, đẩy nhanh việc quản lý rừng bền vừng, thực hiện các cam kết với EU.

Thứ hai, tăng cường liên kết chuỗi, giảm phụ thuộc nguồn cung; đẩy mạnh việc sản xuất phụ liệu trong nước.

Thứ ba, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ vào chuỗi từ ứng dụng giống, chế biến, bán hàng online. Đây là điều bắt buộc phải làm. Đổi mới thiết kế, tạo ra mặt hàng phối trộn gỗ với đá, kim loại để phù hợp với thị trường, nắm bắt nhu cầu thị trường. Thiết lập và thực thi hệ thống pháp luật chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, chống được cả chuyển giá. Phải minh bạch nguồn gốc ván dán vì năng lực lớn nhưng không được để “con sâu làm rầu nồi canh” thì mới giữ được uy tín.

Thứ tư, ngành gỗ cần chú trọng thị trường trong nước, thị trường 97 triệu dân phải có hệ thống siêu thị, phân phối sản phẩm vì người dân đã có điều kiện sử dụng sản phẩm gỗ chất lượng cao. Thậm chí, ngành công nghiệp gỗ phải chú trọng XK  tại chỗ. Đã có nhiều DN đầu tư nước ngoài làm công trình khách sạn, công sở chất lượng cao, các DN khác có thể học tập mô hình của Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA để cung cấp gỗ cho họ – như vậy DN vẫn thu được ngoại tệ trên đất nước mình.

Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam