Dù giá heo hơi được các doanh nghiệp chăn nuôi lớn bán ra chỉ còn 70.000 đồng/kg và lượng thịt heo nhập khẩu tăng đến 300%, nhưng giá thịt heo vẫn chưa “hạ nhiệt”, thậm chí có loại lên tới 280.000 đồng/kg!
Nhiều doanh nghiệp (DN) và lãnh đạo ngành nông nghiệp đều thừa nhận giá thịt heo tăng mạnh chủ yếu do nguồn cung không đáp ứng nhu cầu, bởi tổng đàn heo thịt đã giảm mạnh sau khi dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện và lan rộng tại Việt Nam vào năm 2019.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thay vì áp đặt các mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào giá thịt heo, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích thay đổi thói quen tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh giá gà và vịt đang dưới giá thành, giá thủy sản đang rất rẻ.
Nếu người dân sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để mua thịt heo giá cao thay vì ăn thịt gà hay ăn cá giá rẻ là quyền của họ, lựa chọn của họ. Sao lại bắt người nuôi heo phải bán giá rẻ cho những người sẵn sàng chịu chi trả cho giá heo cao?
Ông Phạm Đức Bình (phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN)
Mua heo phải qua… “cò”?
Tại “thủ phủ heo” Đồng Nai, giá heo hơi vẫn còn ở mức rất cao, dao động từ 83.000 – 85.000 đồng/kg, tăng 10.000 – 13.000 đồng/kg so với đầu tháng 4.
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá heo hơi được thương lái mua vào với mức trung bình 84.000 đồng/kg, cá biệt có một số hộ vừa xuất bán heo hơi với giá 87.000 đồng/kg.
Anh Lương Quốc Hùng – chủ trại heo tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc – cho biết gia đình anh đang nuôi khoảng 300 con heo thịt chuẩn bị xuất chuồng.
Với giá bán 85.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi con heo gia đình anh lời khoảng 2 triệu đồng, đồng thời khẳng định giá heo hơi khó “hạ nhiệt” do nguồn cung ít, trong khi giá thành sản xuất tăng cao.
Do ảnh hưởng của dịch ASF, hầu hết đàn heo nái và heo hậu bị của người dân bị thiệt hại khiến con giống khan hiếm và phụ thuộc vào các DN lớn. Giá heo giống hiện vào khoảng 3,3 triệu đồng/con (6 – 10kg), thậm chí lên đến 3,8 triệu đồng/con (23 – 25kg).
Tuy nhiên, để mua được heo giống, anh Hùng phải đặt trước từ nhiều tháng và chấp nhận chi khoảng 100.000 đồng/con cho đại lý cấp 1.
Muốn kéo giảm giá heo hơi xuống thấp, cần phải có giải pháp giảm giá con giống xuống còn khoảng 1 – 2 triệu đồng/con.
“Còn với giá con giống hiện nay, cộng thêm tiền cám, kháng sinh, thuốc thang, chi phí hao hụt, công cán, tiền điện và tiền trại, giá thành heo thịt xuất chuồng khoảng 6,6 triệu đồng/con, chưa tính những rủi ro khác” – anh Hùng nói.
Giá heo cao chính là một động lực quan trọng để người chăn nuôi đầu tư tăng đàn, tăng nguồn cung tương lai. Do đó, cần phải chấp nhận giá cao trong một thời gian để tăng đàn, khi đó nguồn cung sẽ tăng và giá cả giảm lại.
Ông Nguyễn Trí Công (chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai)
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) cho biết hiện gia đình bà đang nuôi khoảng 10 con heo thịt và rất muốn tăng đàn nhưng không mua được con giống.
Dù tính đến phương án giữ lại một vài con heo đẹp làm heo nái để chủ động được nguồn con giống, nhưng bà Cúc cho biết thời gian nuôi heo hậu bị đến khi đẻ lứa đầu tiên kéo dài gần cả năm, trong khi chưa biết giá heo thời gian tới như thế nào.
Theo một số thương lái trên địa bàn Đồng Nai, dù có mã code nhưng rất khó mua heo trực tiếp từ các DN FDI mà phải thông qua “cò” với giá chênh lệch hơn chục ngàn đồng/kg.
“Các DN FDI công bố xuất bán heo hơi với giá 70.000 đồng/kg. Song thực tế chúng tôi không thể mua trực tiếp heo từ công ty mà phải mua qua “cò” với giá 83.000 – 85.000 đồng/kg, nên giá thịt heo bị đẩy lên khi đến tay người tiêu dùng” – bà N., một thương lái tại huyện Thống Nhất, khẳng định.
Người chăn nuôi và tiêu dùng đều thiệt?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một DN chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng đàn heo của các DN chăn nuôi lớn chiếm khoảng 35% tổng đàn heo cả nước nên việc điều chỉnh giá cả thịt heo trên thị trường là nhiệm vụ bất khả thi.
Việc giảm giá heo hơi xuất chuồng thời gian qua là do chỉ đạo từ các cơ quan chức năng nhưng cũng không thể kéo dài được lâu vì giá bên ngoài thị trường vẫn ở mức cao.
“Giá heo cao bản chất là do nguồn cung heo bị thiếu. Chúng tôi giảm giá theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT từ 90.000 đồng/kg xuống còn 70.000 đồng/kg, nhưng các thương lái mua tại nhà máy đem ra cổng đã bán lại với giá 85.000 – 90.000 đồng/kg, kiếm lời 1,5 – 2 triệu đồng/con heo.
Như vậy, cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều không được hưởng lợi, mà chỉ có một bộ phận thương lái gom heo ở các nhà máy là siêu lợi nhuận” – vị giám đốc này chia sẻ.
Giám đốc một công ty chăn nuôi tại Bình Dương cũng cho rằng giá heo hiện nay đúng là đem lại mức siêu lợi nhuận cho người chăn nuôi thành công nhưng giá cả là do cung cầu quyết định.
Theo vị này, khi heo chết vì dịch ASF, chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ được Chính phủ hỗ trợ đền bù, còn DN không được hỗ trợ. Khi giá heo tăng cao hiện nay, DN chăn nuôi lại bị xem như tội đồ là điều rất vô lý.
“Các công ty chăn nuôi đều có nhiều loại như heo, gà thịt, gà đẻ và vịt. Thời gian qua giá gia cầm và trứng rẻ hơn rau, đâu có ai hô hào giải cứu DN trong khi DN hạch toán là lấy mặt hàng có lời bù vào mặt hàng bị lỗ. Nếu chỉ nhìn vào một mặt hàng có lời để nói chúng tôi là không công bằng” – vị này nói.
Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói việc các cơ quan quản lý cho rằng mức giá bán heo hơi khoảng 60.000 đồng/kg là đã thu siêu lợi nhuận do giá thành chỉ có 45.000 đồng/kg là “cách tính máy móc và thiếu hợp lý”.
Bởi số liệu này được tính toán trong tình trạng không có dịch bệnh, khi mà tỉ lệ hao hụt heo ở mức 3 – 5%. Với tình hình dịch ASF chưa có vắcxin phòng chống hay thuốc đặc trị, tỉ lệ chết có thể lên đến 30 – 35%.
“Với tỉ lệ hao hụt lên tới 30 – 35%, tức nuôi 3 con chết 1 con, giá thành bị đội lên rất cao và mức độ rủi ro quá lớn. Nếu mức giá bán ra không đủ hấp dẫn, sẽ không ai dám đầu tư nuôi heo giai đoạn này. Giá heo cao chính là một động lực quan trọng để người chăn nuôi đầu tư tăng đàn, tăng nguồn cung tương lai. Do đó, cần phải chấp nhận giá cao trong một thời gian để tăng đàn, khi đó nguồn cung sẽ tăng và giá cả giảm lại” – ông Công nói.
Phải thay đổi thói quen tiêu dùng
Ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng việc xem thịt heo như một mặt hàng không thể thiếu khiến cho Chính phủ và các bộ ngành có những quyết định và chính sách chưa hợp lý, không khả thi và phi thị trường.
“Chính phủ lấy tiền đâu ra mà bình ổn thị trường thịt heo. Trong khi giá tăng là do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Muốn giá giảm chỉ có cách hoặc là tăng nguồn cung, hoặc là giảm nhu cầu” – ông Bình nói.
Theo ông Bình, tăng nguồn cung là khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, nhưng điều này mất nhiều thời gian. Giải pháp khác là tăng cường nhập khẩu thịt heo về để tăng nguồn cung trong nước.
Tuy nhiên, do hoạt động chăn nuôi heo tại nhiều nước cũng bị dịch ASF tấn công, chưa kể dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến nguồn cung và cầu thịt heo, nên giá thịt heo thế giới cũng tăng lên. Việc nhập khẩu một lượng rất lớn thịt heo về Việt Nam là không dễ dàng như trước kia.
Do đó, theo ông Bình, cách tốt nhất là người tiêu dùng chuyển sang dùng loại thịt khác thay thế thịt heo. Thời gian qua giá gà giảm sâu, nhiều lúc thấp hơn giá rau.
Giá vịt, giá trứng cũng ở mức thấp. Giá cá tra không xuất khẩu được cũng ở mức rất rẻ. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể thay thế thịt heo bằng các loại thịt này vừa đảm bảo chi tiêu mà giảm nhu cầu vào thịt heo.
“Trong hoàn cảnh dịch bệnh và giá cao, thói quen cần phải thay đổi để thích ứng. Nếu người dân sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để mua thịt heo giá cao thay vì ăn thịt gà hay ăn cá giá rẻ là quyền của họ, lựa chọn của họ. Sao lại bắt người nuôi heo phải bán giá rẻ cho những người sẵn sàng chịu chi trả cho giá heo cao?” – ông Bình thắc mắc.
Theo TS Nguyễn Đức Thành – nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, việc buộc các DN phải giảm giá bán heo hơi thời gian qua là phi thị trường.
Việc áp đặt giá bán của DN chăn nuôi hay hệ thống phân phối như vậy là gây thiệt hại cho DN, còn người tiêu dùng vẫn phải ăn thịt đắt như bình thường. Bởi thịt heo cũng giống như các mặt hàng khác, nguồn cung khan hiếm chi phối giá cả.
Hệ thống phân phối cũng góp phần làm cho giá thịt đến tay người tiêu dùng tăng cao.
“Nhưng nếu tác động quá mạnh vào khâu phân phối sẽ làm giảm động lực phân phối, càng khiến cho giá tăng cao. Do đó, hãy để thị trường tự vận hành. Nhà nước có thể giảm bớt sự căng thẳng về nguồn cung bằng các chính sách hỗ trợ nông dân tái đàn heo, khuyến khích DN nhập khẩu thịt heo về để tăng nguồn cung trong nước” – ông Thành nói.