Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Nông nghiệp Việt đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 42 tỷ USD vào năm 2020

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019 của cả nước dự kiến đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với với năm 2018.

Ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8-3%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 42 tỷ USD.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá, về đích hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016- 2020. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành xác định “Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.”

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong giai đoạn tới, trước các bối cảnh và yêu cầu mới, định hướng tổng thể phát triển ngành là tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng và nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực.

Ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phát triển các cụm liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng miền có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực.

Bộ sẽ lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực (vốn, khoa học công nghệ, thị trường) để dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư vào chế biến nông lâm thủy sản .

Theo đó, ngành nông nghiệp xây dựng Chiến lược phát triển chung về công nghiệp chế biến nông sản và các Đề án phát triển chế biến các ngành hàng có tiềm năng về sản xuất và thị trường tiêu thụ như: rau quả, thủy sản, đồ gỗ,… để định hướng lâu dài cho doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển mạnh những ngành hàng này.

Cùng với đó, Bộ xem xét bãi bỏ các rào cản, các thủ tục hành chính, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý; hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư đối với từng địa bàn có tính đặc thù của các vùng, miền và ngành hàng.

xuất khẩu nông nghiệp

Đồng thời, xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp; cho phép mua, thuê lại đất của nông dân để doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chuyên canh nông sản hàng hóa quy mô lớn, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho chế biến cũng như xây dựng nhà máy…

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành cũng sẽ phát triển các công ty, tập đoàn lớn hiện đại, mang tầm cỡ quốc tế, có sức cạnh tranh cao về chế biến các ngành hàng nông, lâm, thủy sản và phát triển các doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ và vừa để tiêu thụ sản phẩm nông sản tại chỗ cho người nông dân.

Song song với đó, Bộ tập trung phát triển chế biến đối với những ngành hàng chưa có hoặc còn thiếu công suất, những ngành hàng là các sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia.

Trong năm 2019, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và bùng phát trên tất cả các tỉnh thành cả nước; giá nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, nhất là việc thay đổi các quy định về nhập khẩu của thị trường Trung Quốc… nhưng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, triển khai các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực.

Ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp xác định năm nay là năm đặc biệt khó khăn trong trong xuất khẩu nông sản. Bởi vậy, việc mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản đã được ngành đặc biệt chú trọng, kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường tuyền thống và mở rộng thêm đối với các thị trường có tiềm năng. Nhờ vậy, số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga… liên tục tăng.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc…

Điển hình như xoài trở thành loại quả tươi thứ 6 của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long; quả vải cũng chính thức vào thị trường Nhật Bản.

Đặc biệt với thị trường lớn nhất, truyền thống là Trung Quốc đã thay đổi nhiều chính sách trong nhập khẩu, ngành đã tập trung tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu một số mặt hàng như yến sào, sắn, trái cây, thủy sản…; phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp các thông tin, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, các quy định kiểm soát xuất nhập khẩu nông sản tại thị trường này.

Đến nay, Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu 9 loại trái cây, 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến được từ Việt Nam. Tiêu biểu là Nghị định thư cho mặt hàng sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam đã đưa sữa tươi gia nhập vào thị trường đông dân nhất thế giới này.

Với thủy sản, tin vui nhất là sau hơn 3 năm nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, tập huấn cho nông dân; xây dựng hệ thống chế biến bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Việc Hoa Kỳ công nhận tương đương đối với sản phẩm cá tra này đã giúp Việt Nam bổ sung doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ và quan trọng hơn là tạo niềm tin cho nhà nhập khẩu Hoa kỳ yên tâm nhập khẩu sẽ gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu cá tra vào thị trường này thời gian tới.

sản xuất gỗ

Riêng lĩnh vực lâm nghiệp, kim ngạch xuất khẩu năm nay có thể đạt 11,3 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra. Cùng với phát triển thị trường, Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã được ký kết và có hiệu đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam không chỉ với EU mà tất cả các thị trường mà Việt Nam đang có thương mại về lâm sản về sự minh bạch, đảm bảo nguồn gốc sản phẩm hợp pháp và hướng đến bền vững.

Tuy có nhiều điểm sáng trên, nhưng những khó khăn về thị trường, giá nhiều mặt hàng nông sản giảm từ 10-15%, đặc biệt các sản phẩm Việt Nam đứng tốp đầu thế giới như tiêu, điều, cà phê… nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019 dự kiến đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với với năm 2018.

Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 9,9 tỷ USD, cao hơn 1,12 tỷ USD so với năm 2018.