3 trong 10 nhà thầu tham gia dự thầu mua gạo lại ngày 12/5 tại Cục Dự trữ Nhà nước Hà Nội là các doanh nghiệp từng trúng thầu nhưng không ký hợp đồng bán gạo cho các cục dự trữ nhà nước trước đó.
Theo thông tin của cơ quan dự trữ nhà nước, ngày 12/5, các cục dự trữ Nhà nước trên cả nước đã mở thầu đợt 2, mua bù số gạo bị doanh nghiệp xù bán gạo lần 1 ngày 12/3.
Kết quả, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội đã tiếp nhận 23 bộ hồ sơ của 10 nhà thầu tham gia bán số gạo 9.000 tấn cho cơ quan dự trữ.
Đáng chú ý, có 3/10 doanh nghiệp tham gia thầu lần này từng có “tiền án” trúng thầu bán gạo cho dự trữ nhà nước nhưng sau đó không ký hợp đồng bán gạo. Cụ thể, là các Công ty TNHH thương mại Chương Tho, Công ty C thương mại Minh Khai, Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam.
Hiện thông tin về giá thầu bán gạo vẫn chưa được công bố, trong khi đó có thông tin việc giá gạo đấu thầu gạo lại hơn 182.000 tấn có tăng so với thời gian trong tháng 3, khiến ngân sách Nhà nước phải bỏ ra nhiều hơn, thiệt hại ngân sách.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí, lãnh đạo của Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết: Về nguyên tắc, doanh nghiệp đấu thầu gạo, khi trúng thầu và chưa ký hợp đồng; vì nhiều lý do khác nhau mà không bán gạo cho dự trữ Nhà nước, sẽ chỉ bị tịch thu tiền bảo đảm thầu.
Tuy nhiên, theo vị này: “Trong Luật Đấu thầu cũng quy định, trường hợp doanh trúng thầu bán gạo, đã ký hợp đồng, nhưng sau đó lại không giao gạo cho dự trữ Nhà nước sẽ bị cấm tham gia đấu thầu tiếp theo”.
Khi được hỏi nếu doanh nghiệp trúng thầu, chưa ký hợp đồng, không giao gạo tiếp tục được đấu thầu, trúng thầu và lại không ký hợp đồng giao gạo lần thứ 2, sẽ bị xử lý ra sao, lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước nói: “Nếu trường hợp vậy, phải kiến nghị cấp cao xem xét quyết định, thậm chí phải sửa luật bởi đây là hành vi cố tình phá kế hoạch của Nhà nước”.
Liên quan đến vấn đề mua gạo dự trữ thời gian qua, có rất nhiều vụ việc phát sinh. Cụ thể, sau vụ các doanh nghiệp trúng thầu bùng hàng loạt hợp đồng giao gạo, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp đó có hành vi chuyển gạo dự trữ thành gạo xuất khẩu.
Bên cạnh đó, dư luận cũng đang xôn xao việc 7 Cục trưởng, Chi cục Dự trữ Nhà nước bị tạm đình chỉ chức vụ vì để gạo không đúng quy định. Hiện cơ quan đang điều tra 7 cục, chi cục dự trữ nhà nước để làm rõ các sai phạm có liên quan khác nếu có.
Theo Dân Trí