Báo cáo cung – cầu nông sản thế giới (WASDE) thường tạo ra ảnh hưởng lớn tới diễn biến giá của các mặt hàng như ngô, lúa mỳ, đậu tương.
Báo cáo Cung – cầu nông sản thế giới (WASDE) của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành hàng tháng luôn được xem là thông tin nhận được nhiều sự mong đợi nhất đối với không chỉ các nhà đầu tư hàng hoá mà còn các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước do thường sẽ có nhiều ảnh hưởng tới diễn biến giá của các mặt hàng như ngô, lúa mỳ, đậu tương.
Vào 12:00 đêm qua, USDA đã công bố báo cáo WASDE tháng 2. Tuy không nằm ngoài dự đoán của thị trường nhưng những số liệu lần này đã tiếp tục củng cố lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung ngô và đậu tương trong thời gian tới. Điều này sẽ làm gia tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp chăn nuôi.
Lo ngại về nguồn cung tại Nam Mỹ khiến giá đậu tương tăng vọt
Hầu hết mặt hàng trong nhóm nông sản đều đang được giao dịch ở mức cao nhất trong nhiều tháng. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), đậu tương là mặt hàng có sự thể hiện tích cực nhất với mức tăng 15% từ đầu năm 2021 và đang ở mức cao nhất kể từ tháng 06/2021.
Giá khô đậu tương, mặt hàng được nước ta nhập khẩu chủ yếu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, cũng tăng mạnh 12% lên hơn 500 USD/tấn. Đà tăng phi mã của các mặt hàng này đang ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước do giá nhập khẩu nông sản chiếm tỉ trọng rất lớn trong cấu trúc chi phí sản xuất.
Điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng đậu tương tại miền nam Brazil, Paraguay và Argentina. Do ba nước này đều là những nước xuất khẩu đậu tương lớn trên thế giới nên mùa vụ bị thiệt hại sẽ làm mất cân đối cung – cầu thế giới.
Liệu USDA có quá lạc quan về triển vọng nguồn cung?
Trong báo cáo WASDE tối qua, mặc dù tồn kho bị cắt giảm cho thấy nguồn cung thắt chặt hơn nhưng triển vọng cũng không quá tiêu cực như kì vọng trước đó của giới phân tích. Bất chấp việc các tổ chức, hãng tư vấn uy tín trên thế giới đều hạ dự báo sản lượng ngô và đậu tương ở Nam Mỹ thì những số liệu trong báo cáo WASDE vẫn đều cao hơn dự đoán thị trường.
Mặc dù miền nam Brazil khô hạn, miền trung và miền bắc lại xảy ra mưa lớn gây ngập úng cây trồng nhưng USDA chỉ giảm sản lượng đậu tương 21/22 của Brazil 5 triệu tấn so với báo cáo tháng 1, về mức 134 triệu tấn.
Điều này đặt ra câu hỏi liệu rằng USDA có quá lạc quan về triển vọng nguồn cung sau khi mùa vụ ở 2 nước sản xuất chính là Argentina và Brazil liên tiếp gặp phải thời tiết bất lợi? Và cũng chính vì những kì vọng vào việc nguồn cung thắt chặt vẫn duy trì do số liệu chưa phản ánh hết nên giá nông sản đã tiếp tục tăng mạnh sau báo cáo.
Sự chú ý của thị trường sẽ chuyển hướng dần sang mùa vụ tại Mỹ
Đầu tuần này, chính phủ Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu amoni nitrat cho tới đầu tháng 4, đây là chất được sử dụng phổ biến trên thế giới để làm phân bón cho các loại cây trồng như ngô, bông, lúa mì… Động thái trên của Nga diễn ra nhằm đảm bảo nguồn cung cho nông dân trong nước trước tình trạng giá phân bón toàn cầu đang tăng chóng mặt trong giai đoạn vừa qua.
Nga chiếm khoảng 2/3 sản lượng amoni nitrat hàng năm trên thế giới, và hiện tại, Brazil là nước nhập khẩu amoni nitrat hàng đầu của Nga. Hoạt động gieo trồng ngô vụ 2 ở Brazil sẽ được hoàn thành trong vài tuần tới, sau vụ đậu tương của nước này, và sẽ cần bón thêm phân đạm khi cây ở trong giai đoạn trổ cờ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nguồn cung phân bón của Brazil đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt sẽ dẫn tới tình trạng chất lượng ngô bị suy giảm.
Đối với Mỹ, mặc dù không phải là khách hàng trực tiếp mua amoni nitrat của Nga, nhưng lệnh cấm xuất khẩu mới của Nga có thể sẽ kéo theo giá phân bón ở Mỹ cao hơn. Kể từ năm ngoái, giá urê đã tăng gần 90% ở Trung Tây, khu vực sản xuất ngô và đậu tương lớn nhất nước Mỹ.
Tại đây, nông dân sẽ thường kết hợp gieo trồng 2 loại nông sản này và mùa vụ thường bắt đầu vào tháng 3 – 4 hàng năm. Chính vì thế nên vào thời điểm này thì mối quan tâm của thị trường không chỉ dừng lại ở mùa vụ của Argentina và Brazil nữa mà chuyển sang triển vọng gieo trồng ngô và đậu tương của nông dân Mỹ. Do 2 loại nông sản này có thể được trồng thay thế nhau nên lợi nhuận sẽ là yếu tố đóng vai trò quyết định.
So với đậu tương, ngô phụ thuộc nhiều hơn vào phân bón, do đó cũng sẽ chịu nhiều sự ảnh hưởng hơn bởi việc giá phân bón tăng cao. Trong khi đó, với đà tăng mạnh của giá đậu tương, mặt hàng này đang được đánh giá là sẽ thấp hơn ngô đối với nông dân tại Mỹ trong niên vụ mới.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá (MXV), một phần diện tích trồng ngô tại Mỹ trong năm nay sẽ được chuyển sang trồng đậu tương. Các số liệu đầu tiên ước tính diện tích sẽ được công bố sau Diễn đàn Nông nghiệp do USDA tổ chức vào cuối tháng 2 này và tiếp theo đó sẽ là trong báo cáo Prospective Plantings phát hành vào ngày 31/03. Nếu như dự đoán trên phù hợp với thực tế sau các báo cáo thì có thể sẽ hạn chế đà tăng của giá các mặt hàng đậu tương trong vài tuần tới.