Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Bình Phước có tổ hợp chế biến thịt gà “khủng” nhất Việt Nam

Tổ hợp chế biến thịt gà xuất khẩu khép kín được đầu tư 250 triệu USD, công suất 100 triệu con/năm. Đây là dự án chế biến theo mô hình khép kín hoàn chỉnh lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Đại diện UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Tổ hợp nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu CPV Food có quy mô lớn nhất Việt Nam chuẩn bị được đưa vào khai thác trong vài ngày tới. Dự án được xây dựng tại KCN Becamex Bình Phước, xã Minh Thành, huyện Chơn Thành.

Ông Montri Suwanposri, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, tổ hợp nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu được hoạt động theo mô hình khép kín. Dự án có tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Mô hình khép kín bao gồm: 1 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, 1 nhà máy ấp trứng, 5 trang trại gà giống bố mẹ, 24 trại gà thịt và 1 nhà máy giết mổ – chế biến.

“Đây là dự án xuất khẩu gà chế biến theo mô hình khép kín hoàn chỉnh lớn nhất Việt Nam hiện nay. Dự án sẽ sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và xuất khẩu sang những thị trường khó tính nhất. Góp phần đưa Việt Nam lọt vào Top những quốc gia xuất khẩu thịt gia cầm chế biến hàng đầu trên thế giới trong tương lai”, ông Montri Suwanposri nói.

Cũng theo ông Montri Suwanposri, dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2020-2022) có quy mô sản xuất 50 triệu con gà thịt/năm. Giai đoạn 2 bắt đầu từ năm 2023 sẽ nâng công suất lên 100 triệu con gà thịt/năm.

Năm 2020, dự án sẽ xuất khẩu gà chế biến sang Hong Kong, Lào, Campuchia, Myanmar. Năm 2021 sẽ xuất khẩu thêm sang các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philippines…

Trao đổi với PV Dân trí, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tổ hợp nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu khép kín tại huyện Chơn Thành sẽ chính thức đưa vào khai thác vào ngày 23/12. Đây là dự án lớn và rất có ý nghĩa đối với tỉnh Bình Phước.

Dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.000 người lao động tại địa phương và cũng là nơi đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi kỹ thuật cao cũng như vận hành các hệ thống máy móc hiện đại. Thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Phước.

Cũng theo bà Hiền, tính đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có gần 8.600 doanh nghiệp với vốn đăng ký kinh doanh hơn 86.800 tỷ đồng. Trong năm 2020, số doanh nghiệp thành lập mới là 1.230 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 19.900 tỷ đồng.

“Năm 1997, tỉnh chỉ có duy nhất 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký 20,58 triệu USD nhưng đến nay, Bình Phước đã có 272 dự án FDI với số vốn đăng ký 2,718 tỷ USD. Trong năm 2020, Bình Phước thu hút được 36 dự án với số vốn đăng ký 432 triệu USD”, bà Hiền chia sẻ.

Theo bà Hiền, trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước sẽ tập trung thu hút những dự án phát triển công nghiệp chế biến tinh các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Ngoài ra, tỉnh này cũng tập trung  cho phát triển thương mại, dịch vụ logistic, du lịch sinh thái…

Theo Dân trí