Ráy thủy sinh tương đối dễ trồng và tốn ít công chăm sóc hơn so với nhiều loại cây cảnh khác. Cây ráy có sức sống rất mạnh liệt, lại cực đa dạng về chủng loại, vì vậy bạn hoàn toàn lựa chọn các giống ráy phù hợp với phong cách chơi cảnh thủy sinh của mình.
Mặc dù có khả năng thích nghi và sinh trưởng tốt, nhưng những người mới chơi nếu không biết cách chăm sóc, hoặc mới mua về trồng thường gặp tình trạng ráy thủy sinh bị thối rữa thân, rụng lá hoặc chết cả cây.
Trong bài viết này, Fao sẽ cùng các bạn tìm hiểu sơ lược về các loại ráy thủy sinh và cách trồng cây ráy thủy sinh như nào để hiệu quả nhất nhé!
Sơ lược về cây ráy thủy sinh
Họ Ráy hay họ Môn hoặc họ Chân bê trên thế giới có khoảng 106 chi và 4.025 loài. Tại Việt Nam có khoảng 30 chi và 130-140 loài thuộc họ Ráy. Và ráy thủy sinh thuộc họ Araceae chi Anubias.
Ráy thủy sinh phân bố ở khắp nơi trên thế giới và chủ yếu được tìm thấy ở Châu phi. Hầu hết ráy thủy sinh bán trên thị trường hiện nay được nhân giống rộng rãi bằng cách cấy mô trong phòng thí nghiệm. Được mang ra trồng bán cạn trong chậu nhỏ sau đó bán ra thị trường khi cây ráy thủy sinh đạt tiêu chuẩn.
Cây ráy thủy sinh có tốc độ phát triển chậm. Là loại cây có sức sống mạnh mẽ và có khả năng thích nghi nhanh chóng với hầu hết những điều kiện hồ thủy sinh khác nhau. Cây sinh trưởng và phát triển với nhiệt độ trong khoảng 19-30 độ, pH nước: 5-8.
Các giống ráy trồng thủy sinh
Như Fao đã đề cập ở trên, họ hàng nhà ráy rất đa dạng do vậy các giống ráy thủy sinh cũng không ít. Tùy thuộc vào từng loại ráy thủy sinh mà chúng có màu sắc hay hình thái lá và độ lớn khác nhau.
Dưới đây là một số loại ráy thủy sinh phổ biến để làm cảnh trên thị trường hiện nay:
1. Ráy lá nhỏ
Đây là loại ráy này rất phổ biện tại Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ ở châu phi, còn được gọi là ráy Nana. Loài ráy thủy sinh này được rất nhiều người yêu thích bởi kích thước nhỏ nhắn dễ thương.
Ráy nana thường người sử dụng loại ráy này để buộc lên lũa, đá tạo dáng bonsai rất đẹp, có đặc điểm sinh trưởng khá chậm nên bạn không cần phải cắt tỉa chăm chút cho cây quá nhiều.
2. Ráy lá nhỏ Petite Nana
Đây cũng là một ráy lá nhỏ khác nhưng lại là sản phẩm nhân tạo của con người. Chúng được lai tạo bởi công ty Oriental Aquariums ở Singapore. Chúng có lá rất nhỏ, kiểu dáng cũng rất khác so với những lọa ráy truyền thống khác.
Tốc độ phát triển thuộc loại siêu chậm do vậy loại ráy này không được ươm phổ biến nhưng chúng lại là một trong những loại cây cảnh được săn đón rất nhiều trên thị trường hiện nay.
Cho nên giá của chúng cũng đội lên rất cao vì độ hiếm và loại cây này cũng được đánh giá là có thể trồng bền vững.
3. Ráy Châu Phi
Loại ráy thủy sinh này được phát hiện tại các dòng nước mạnh ở đông nam Châu Phi.
Khác với 2 loại ráy lá nhỏ ở trên, đây là loại ráy lớn có lá và cuống rất dài. Tốc độ sinh trưởng thuộc loại khá chậm nhưng nhanh hơn so với hai loại ráy lá nhỏ trên.
Do kích thước lớn như vậy nên đây là loại cây thường được trồng ở vị trí trung cảnh hoặc hậu cảnh.
4. Ráy cẩm thạch
Nhìn chung ráy cẩm thạch có hình dáng và sinh trưởng giống với ráy lá nhỏ. Tuy nhiên trên lá của chúng có hoa văn, màu sắc khá giống với đá cẩm thạch do vậy nó được gọi là ráy cẩm thạch và loại ráy này cũng được rất nhiều người ưa chuộng.
Cách trồng và chăm sóc ráy thủy sinh (Anubias)
1. Cách trồng ráy thủy sinh
Cây ráy thủy sinh được trồng bằng cách gắn vào giá thể như lũa đá hay cả sứ lọc. Các bạn có thể dùng dùng keo dán thủy sinh, chỉ hay dây cước để cột vào giá thể. Nana white được buộc cước vào đá nham thạch.
Lưu ý khi dùng keo dán thủy sinh bạn chỉ dụng một lượng ít vừa đủ kết dính thân ráy vào giá thể, nếu rỏ nhiều keo quá thì vị chí gắn keo có thể bị rữa.
a. Dính pangolino vào sứ lọc luôn
Trong cách trồng cây ráy thủy sinh thì đối với hồ thủy sinh mới được setup thì bạn không nên nóng vội gắn cây ráy thủy sinh vào giá thể hay dán luôn vào bố cục hồ. Đặc biệt, với ráy thủy sinh lá cạn được mua ở các cửa hàng thì rất dễ bị rữa và lây lan đi luôn cả bụi.
Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do hồ thủy sinh của bạn chưa ổn định được hệ vi sinh khiến ráy không kịp thích nghi khi mới chuyển từ trên cạn xuống. Cần được thả trôi trước khi gắn giá thể hạ thủy kể cả đối với những cây ráy thủy sinh lá nước được mua từ người chơi khác về.
b. Thả trôi lềnh bềnh trước khi gắn giá thể hạ thủy
Khi mua ráy thủy sinh lá cạn trong chậu về tốt nhất là bung ráy ra khỏi chậu, gỡ hết giá thể bám. Khi gỡ cần nhẹ nhàng tránh tổn thương nhiều đến rễ, sau đó thả trôi cây nổi lềnh bềnh trong khoảng một tuần nếu ráy vẫn ổn định thì tỉa bớt rễ cạn tỉa bớt lá cạn (nều bụi quá dày).
Tiếp tục thả trôi cho đến khi cây ráy nhú rễ mới màu trắng thì có thể hạ. Thả cây trong bể cảnh hay thùng xốp thì bạn cần chú ý nhiệt độ nên ít dao động để cây ráy thủy sinh dẽ dàng thích nghi hơn.
2. Kinh nghiệm chăm sóc cây ráy thủy sinh (Anubias)
Để ráy phát triển một cách tối ưu thì nhiệt độ môi trường cần giao động trong khoảng 24-26 độ C, pH nước trong khoảng 6 – 6.5, có lượng CO2 cao. Ráy này dinh dưỡng không cần nhiều nhưng cũng không nên quá ít, dòng nước lưu chuyển trong hồ tốt.
Đấy là điều kiện để cây ráy thủy sinh phát triển tốt nhất còn nếu nhiệt độ cao hơn hay độ PH nước khác thì ráy vẫn phát triển được chỉ là không nhanh bằng.
Kinh nghiệm cho ráy phát triển tốt nhất là bạn gắn giá thể đặt sát nền để khi rễ của ráy phát triển nhiều bám sát được nền và hút dinh dưỡng trực tiếp từ chất nền thì phát triển nhanh hơn tuy nhiên cách này thì bạn lại không thể lôi bụi ráy lên xuống được
Bạn cần thường xuyên thay nước để giữ cho môi trường trong hồ luôn đạt chất lượng cao. Khi thay nước cần dọn dẹp sạch sẽ, quan trọng là hút cặn đáy phân cá, rửa lá cây bởi vì cây ráy thủy sinh rất hay bị phân cá cặn thức ăn thừa bám vào lá và gây nên rêu hại.
Để cây ráy thủy sinh luôn xanh tốt bạn cũng cần thường xuyên tỉa lá già và rễ vì lá giá thường to và che khuất ánh sáng của những chồi non đang lên và cũng để kích thích cây ra rễ mới. Vì vậy bạn cần thường xuyên theo dõi nếu thấy có nhiều lá già thì nên tỉa ngay.
Tốt nhất là chọn thời gian rảnh và tỉa nhiều bụi trong một lần và châm thêm một số loại thuốc kích thích như seachem advance để kích thích cây phát triển.
Khoảng một tháng tỉa cho cây ráy thủy sinh một lần là tốt. Kéo tỉa tốt nhất nên dùng loại nhỏ như kéo cắt may hay kéo tỉa lông mi để dễ dàng tỉa một số bụi ráy loại nhỏ.
Tỉa bơt lá già và rễ còn giữ cho bụi ráy luôn có một phom lá đẹp bụi ráy ngày càng to ra nhưng phom lá nhỏ đều đẹp và giữ cho không bị rửa thân chính tách làm nhiều bụi nhỏ giống kiểu chơi cây cảnh bonsai, luôn luôn tỉa định kì.
Đây là một kỹ thuật không dễ cần thời gian trải nghiệm nhiều mới đúc rút ra kinh nghiệm cho bản thân và tạo được một bụi ráy đẹp với thân to khỏe và rất nhiều ngọn được.
Nhân giống cây ráy thủy sinh bằng cách tỉa ngọn con và gắn ngọn con đó vào giá thể tiếp tục trồng, nên tỉa ngọn con đã có rễ và có khoảng 5-7 lá.
Hồ mới setup tốt nhất trước khi trồng ráy nên có thời gian chạy cycle lúc đầu. Nên nuôi thêm các loại cá tép ốc ăn rêu hại như ốc nerita cá otto, cá bút chì, tép yamato trong hồ thủy sinh trồng ráy.
Chơi cây ráy thủy sinh không cần sử dụng nhiều đèn như những loại cây khác. Ví dụ một hồ với kích thước 60 – 40 – 40 cần một máng Odysea 60 hai bóng là đủ, nhiều đèn quá có khi ráy lại không được xanh.
Ráy thủy sinh cũng không cầu kỳ về loại ánh sáng vì dưới loại đèn nào ráy thủy sinh cũng vẫn phát triển được trừ một số loại ráy đột biến như nana white, pinto để điều chỉnh màu lá, căng sáng dưỡng mạnh lá cho ra trắng nhiều, khuất sáng lá có xu hướng cho ra màu trắng pha xanh.
Thực sự thì cách trồng cây ráy thủy sinh rất dễ chứ không khó bởi sức sống mạnh mẽ của nó. Ráy có thể phát triển tốt trên nhiều chất nền như nền trộn nuphar, gex xanh Akadama, Magic, ADA, controsoil, hay thậm chí là thùng xốp chỉ thả tép loạn màu và ráy vẫn có thể sống tốt.
Phòng trừ bệnh cho cây ráy thủy sinh
Nhiễm khuẩn là loại bệnh đáng sợ nhất cho cây ráy thủy sinh, khi nhiễm bệnh ráy bắt đầu bị rữa lá, rữa thân và dẫn dần chết hoàn toàn cả bụi và có thể lây sang bụi khác. Hiện tại trên thị trường thủy sinh chưa thấy bán loại thuốc nào đặc trị bệnh nhiễm khuẩn ở ráy thủy sinh.
Nhiễm khuẩn hay xuất hiện lúc bạn mới mua ráy về, trước khi cho ráy vào hồ chính thì bạn nên định dưỡng cây ráy ra một hồ riêng, ở thời điểm hiện tại thì đây là cách tốt nhất để bạn phòng chống bệnh này.
Đến đây bài viết về cây ráy thủy sinh của Fao xin được kết thúc. Hi vọng những kiến thức trong bài viết hữu ích với bạn. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm nhiều kiến thức thú vị nữa về các loại cây thủy sinh thì hãy ghé qua trang web của nhé!