Những lúc khó khăn, lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn luôn là “hệ đệm, giá đỡ” cho nền kinh tế. Song, những tín hiệu thị trường hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, cho thấy nông nghiệp, nông thôn và nông dân đang gặp khó khăn chồng chất.
Hàng loạt mặt hàng nông sản ở ĐBSCL đang trong tình trạng tắc đầu ra, giá bán dưới giá thành, chưa đủ bù đắp chi phí. Từ đầu vụ đến nay, hơn 50.000 tấn hành tím Sóc Trăng luôn trong tình trạng khó tiêu thụ, rớt giá thê thảm. Nhiều hộ nông dân trồng khoai lang tím ở Vĩnh Long cũng kêu cứu do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp ngưng xuất khẩu, giá rẻ bèo, tiêu thụ khó khăn. Cùng chung số phận là các mặt hàng trái cây như xoài, mít, thanh long và rau cải…
Chia sẻ khó khăn với nông nghiệp và bà con nông dân, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học và người tiêu dùng đã hưởng ứng các cuộc vận động “giải cứu” nông sản.
Việc nông sản ùn ứ, tiêu thụ khó khăn không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà nhiều nước cũng gặp phải. Tuy nhiên, tình trạng trúng mùa mất giá, tiêu thụ nông sản khó khăn, ngành công nghiệp chế biến thiếu kết nối với sản xuất nông nghiệp của ta diễn ra thường xuyên hơn. Không phải bây giờ, khi dịch bệnh hoành hành, thị trường nông sản mới bộc lộ “tín hiệu trục trặc” mà điểm yếu trong kết nối cung cầu đã lộ diện từ nhiều năm qua.
Hành động nghĩa tình giúp nông dân tiêu thụ nông sản là cần thiết trong lúc nguy cấp nhưng quan trọng hơn, vẫn cần sự vào cuộc và phối hợp của nhiều bộ ngành, địa phương liên quan; các giải pháp phải đồng bộ, từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu, để xây dựng và phát triển hình ảnh từng mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường thế giới. Nền kinh tế nông nghiệp không thể vận hành dựa trên lòng hảo tâm phi thị trường của người tiêu dùng.
Các ngành kinh tế nông nghiệp cần hệ thống giải pháp căn cơ, đồng bộ mới giải quyết được tình trạng “trúng mùa mất giá, được giá hết hàng”. Cái vòng luẩn quẩn “trồng cây gì, nuôi con gì” đã quá xưa cũ, cần thay bằng “cung cấp cái gì thị trường cần và có lợi nhuận”.
Trong tương lai, dù dịch Covid-19 được kiểm soát nhưng di chứng của nó chắc chắn còn tác động tiêu cực đến nông nghiệp, nông dân. Vì vậy, ngay từ bây giờ, cần xem xét các cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ chủ động, thiết thực.
Bên cạnh các gói hỗ trợ kinh tế lần 2 cho những đối tượng chính sách, cần xem xét một chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế nông nghiệp. Cụ thể, một chương trình hỗ trợ an sinh xã hội toàn diện dành cho nông dân và dân cư nông thôn cần được triển khai để phần nào củng cố nền móng cho “hệ đệm, giá đỡ” của nền kinh tế.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Theo Người lao động