Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Chăn nuôi heo công nghệ cao giúp tăng hiệu quả kinh tế

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đã có nhiều trại chăn nuôi heo (lợn) thay đổi cách thức chăn nuôi để vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, vươn lên làm giàu, trong đó điển hình là trại chăn nuôi của anh Nguyễn Hữu Phước ở làng Hố Lang, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê.

Bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề nuôi heo từ năm 2012, đến nay anh Phước đã thành công và xây dựng được trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao với quy mô 80 con heo nái và gần 300 con heo thịt, lãi thu về hơn 200 triệu đồng/tháng.

Một trong những yếu tố giúp anh thành công là nhờ có nền tảng kiến thức chuyên ngành chăn nuôi được đào tạo bài bản tại Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên và thường xuyên tìm tòi, học tập các kinh nghiệm hay, cách làm mới qua trao đổi với bạn bè, đọc sách báo và các tạp chí khoa học để luôn đổi mới cách thức chăn nuôi sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trong chăn nuôi heo ngoài các yếu tố con giống, thức ăn, cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh… thì âm thanh, tiếng động lớn đột ngột cũng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, sinh trưởng và phát triển của heo. Mỗi lần đổ cám cho heo ăn, khi chủng (tiêm) vắc xin phòng bệnh, lúc vệ sinh, quét dọn chuồng trại thì đàn heo thường hay bị giật mình, hoảng loạn. Để khắc phục vấn đề này, anh Phước đã tìm tài liệu để nghiên cứu, thử nghiệm phản ứng của đàn heo khi anh cho nghe nhạc. Nhận thấy chúng có phản ứng khá tích cực, anh đã mạnh dạn đầu tư ngay dàn âm thanh rồi mở những bản nhạc trữ tình cả ngày lẫn đêm cho heo nghe.

Bên cạnh việc cho heo nghe nhạc, anh còn đầu tư cả hệ thống máng ăn tự động để khắc phục tiếng ồn khi đổ cám, giảm nhân công lao động và heo có thể ăn được mọi lúc. Đối với heo đẻ, anh sử dụng hệ thống máy vi tính để theo dõi, hạn chế việc vào kiểm tra trực tiếp gây ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa, nuôi con của heo mẹ.

Theo quan điểm của anh, trong chăn nuôi thì vấn đề xử lý chất thải rất quan trọng, nếu không quản lý tốt thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Thế nên ngay từ khi hình thành ý tưởng xây dựng trang trại chăn nuôi anh đã chủ động tìm hiểu các phương pháp xử lý chất thải và cho xây dựng hệ thống các ao lắng. Chất thải của trang trại sẽ được giữ lại và xử lý bằng men vi sinh trong các ao lắng, phần nước thải sau khi qua nhiều ao lắng đã trong vắt, được dùng để tưới cà phê và cây ăn quả, chất thải rắn còn lại anh sử dụng máy ép phân để tách hết nước, tạo ra nguồn phân sạch bón cho cây trồng.

Ngoài ra, theo anh Phước yếu tố tiên quyết để thành công trong chăn nuôi đó là người chăn nuôi phải tuân thủ khắt khe các quy tắc phòng bệnh. Con giống trong trang trại của anh sử dụng để nuôi thịt là tự cung, tự cấp từ 80 con héo nái đã được tuyển chọn, sàng lọc kỹ ngay trong giai đoạn hậu bị và heo con từ khi đẻ ra đã được phòng bệnh bằng các loại vắc xin theo đúng quy trình chăn nuôi. Nhân công, khách tham quan (rất hạn chế) phải tuân thủ quy định vệ sinh nghiêm ngặt khi vào trại như: trước và sau khi vào, ra khu chăn nuôi phải thay bảo hộ lao động, sát trùng tay, nhúng ủng hoặc giầy dép vào hố khử trùng. Vào thời điểm dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, trạng trại anh luôn trong tình trạng cấm trại “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để kiểm soát tốt dịch bệnh. Anh thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh khu chăn nuôi. Sau khi heo thịt xuất chuồng phải có thời gian giãn cách ít nhất 07 ngày, không được nuôi ngay để xử lý mầm bệnh một cách triệt để.

Với tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay thì hướng đi của trang trại anh Nguyễn Hữu Phước phù hợp với tình hình thực tế, định hướng phát triển và là một mô hình đáng để người chăn nuôi học tập và làm theo./.

Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Sê Gia Lai