Thị trường cà phê, cũng giống như các hàng hóa khác, chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, mức độ và hình thức tác động lên mỗi loại cà phê ở mỗi giai đoạn có sự khác biệt rất nhiều. Diễn biến giá cà phê trong quý I/2020 đã thể hiện rõ điều này.
Giá robusta giảm liên tiếp trong suốt 3 tháng đầu năm do dịch bệnh khiến người dân được yêu cầu ở yên trong nhà và các nhà hàng phải đóng cửa. Ở mức giá 1.186 USD/tấn vào ngày 31/3/2020, robusta mất khoảng 12% trong quý I/2020,
Trung Quốc là thị trường cà phê lớn thứ 11 thế giới (9,124 tỷ USD), đồng thời là nước nhập khẩu lớn thứ 11 thế giới (ước tính 2.650 nghìn bao trong năm 2019/20), trong đó nhập khẩu robusta lớn thứ 3 thế giới (ước tính 1.500 bao trong vụ 2019/20). Qua đó có thể thấy tầm quan trọng của Trung Quốc đối với thị trường robusta thế giới.
Sự bùng phát của virus corona đã khiến nhu cầu cà phê ở nước này giảm sâu, buộc hãng Starbucks phải đóng cửa hơn 2000 cửa hàng tại Trung Quốc hồi cuối tháng 1/2020 – điều chắc chắn sẽ khiến nhập khẩu cà phê của Trung Quốc sụt giảm, giữa bối cảnh sản lượng cà phê niên vụ 2020/2021 (kết thúc vào tháng 9/2021) của Brazil dự báo sẽ bội thu theo chu kỳ, khiến nhà đầu tư lo ngại sẽ xảy ra tình trạng dư cung đối với mặt hàng này.
Những năm gần đây, người Trung Quốc ngày càng sử dụng nhiều đồ uống cà phê, và Starbucks đã mở các cửa hàng trên khắp nước này. Tương tự, các chuỗi cửa hàng của Luckin Coffee cũng trở nên phổ biến ở khắp các nơi của Trung Quốc.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo tiêu thụ cà phê của Trung Quốc sẽ tăng 51% lên 3,3 triệu bao (1 bao = 60 kg) trong khoảng từ tháng 9/2014 đến tháng 9/2020. Tuy nhiên, sự lây lan của virus corona đã khiến tất cả các cửa hàng ở Trung Quốc đóng cửa. Người Trung Quốc không có thói quen uống cà phê tại nhà mà ưa chuộng việc thưởng thức ở cửa hàng. Do đó, tiêu thụ cà phê tại nước này đã giảm rất nhanh vào đầu năm nay.
Dịch bệnh gây tâm lý hoang mang khiến giá arabica cũng giảm mạnh trong 5 tuần đầu tiên của năm 2020. Tính từ đầu năm 2020 đến ngày 4/2/2020, giá cà phê arabica kỳ hạn giao tương lai trên sàn liên lục địa ICE giảm 25%, xuống 98,15 US cent. Chẳng hạn như tại Nhật Bản, tiêu thụ đồ uống này trong những tuần qua đã giảm đáng kể. Mặc dù sử dụng cà phê của Nhật Bản những năm gần đây giảm xuống, song đây sẽ vẫn là nước tiêu thụ cà phê hạt lớn thứ 4 thế giới, với bình quân 8,1 triệu bao trong năm 2019/20 (kết thúc vào tháng 9/2020). Đại diện một công ty đồ uống Nhật Bản cho biết, với lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản giảm và nhiều người hạn chế ra khỏi nhà, doanh số của các khách sạn, nhà hàng, quán bar ở các điểm du lịch lớn đã giảm đi nhiều.
Dịch Covid-19 đã lên đến đỉnh điểm ở Trung Quốc vào cuối tháng 2/2020, nhưng bắt đầu bùng phát ở các nơi khác trên thế giới. Nhưng trái ngược với sự giảm mạnh giá của robusta cũng như nhiều mặt hàng, giá cà phê arabica quý I/2020 tăng khá mạnh. Arabica kết thúc quý I/2020 ở mức giá 1,1955 USD/lb. Đây là một trong số ít ỏi những mặt hàng tăng giá ở quý đầu tiên của năm nay với mức tăng 7%. Điều này hoàn toàn trái ngược với xu hướng giá dầu thô (giảm 50%) và giá chứng khoán Dow Jones (giảm 15%).
Đối với Brazil, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cà phê hạt số 1 của nước này. Đồng real giảm mạnh nhất trong số các loại tiền tệ so với USD ở quý I/2020, với mức giảm 22,6%, tạo thuận lợi cho các nhà xuất khẩu cà phê Bazil tăng sức cạnh tranh ở thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc các nhà nhập khẩu cà nhập khẩu cà phê ở một số nước tiêu thụ lớn đang tích cực dự trữ mặt hàng này đề phòng trường hợp thiếu cung do dịch Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Lượng cà phê lưu trữ ở hệ thống kho của sàn liên lục địa ICE giảm mạnh, trái chiều với xu hướng giá arabica trên thị trường này.
Người trồng cà phê của những nước xuất khẩu lớn như Brazil, Colombia…đều xác nhận giá đã tăng rất nhanh.
Kết thúc tháng 3/2020, tại Việt Nam, người trồng cà phê ở Tây Nguyên bán với giá 31.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng so với thời điểm giá thấp ở đầu tháng 2/2020; mức cộng giá cà phê robusta của Việt Nam so với giá tham chiếu trên sàn London ở mức 150 USD/tấn, gấp 3 lần so với đầu năm 2020; của Indonesia cũng đạt 200 – 250 USD/tấn.
Giá cà phê trên thị trường nội địa Brazil đã tăng lên mức cao gần kỷ lục, khoảng 550 real/1 bao 60 kg; giá người trồng bán tại vườn cũng trên 500 real/bao.
Giá cà phê ở các nước khác cũng tăng mạnh. Hiện nguồn cung ở cả Guatemala, Honduras đều khan hiếm và phải tới tháng 5 hoặc tháng 6 mới dồi dào sau khi thu hoạch.
“Chúng tôi đã nhận được đơn hàng từ tất cả các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, Nhật Bản, Đức”, Reuters dẫn lời một trong những hãng xuất khẩu cà phê lớn nhất Brazil cho biết.
Trong khi tiêu thụ cà phê trên toàn cầu có nguy cơ giảm trong năm nay, các nước sản xuất cà phê dự báo sẽ có vụ mùa cao kỷ lục. Theo trang Nikkei, nhiều công ty nghiên cứu dự báo Brazil – nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới – sẽ sản xuất 67 – 69 triệu bao cà phê trong năm 2020/21, vượt mức kỷ lục 64,8 triệu bao của năm 2018/19. Sản lượng của Việt Nam, nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới, dự báo cũng sẽ đạt năng suất cao trong vụ 2020/21. Những thông tin này đã gây áp lực giảm giá cà phê trong nửa đầu của quý I/2020.
Theo các nhà phân tích độc lập, nguồn cung hiện tại vẫn bình thường, và năm 2019/20 cũng như năm tiếp theo dự báo cũng sẽ không thiếu thốn.Tuy nhiên, khó khăn trong việc vận chuyển là lý do chính đẩy giá cà phê tăng lên. Mặt khác, các nông trường cà phê và các nhà rang xay đều lo ngại dịch bệnh có thể gây thiếu hụt lao động. Ở các khu vực sản xuất trọng điểm như Trung và Nam Mỹ, việc thu hoạch cà phê vẫn chưa được cơ giới hóa, chủ yếu do con người làm. Trong khi đó, vụ thu hoạch bắt đầu từ tháng 4, sẽ cao điểm vào tháng 5, mà 1/2 dân số thế giới vẫn đang được khuyến cáo ở yên trong nhà.
Ông Shiro Ozawa, nhà tư vấn của công ty kinh doanh cà phê Wataru and Co ở Tokyo dự báo tiêu thụ cà phê toàn cầu “có thể đảo ngược từ tăng thành giảm”. Nhiều nhà phân tích cho rằng từ nay đến giữa năm 2020, giá cà phê sẽ còn giảm nữa.
Trong thời gian tới, thị trường cà phê thế giới sẽ còn tiếp tục biến động do ảnh hưởng của Covid-19. Các nhà đầu tư hiện vẫn đang theo dõi sát diễn biến dịch Covid-19 ở các khu vực sản xuất cà phê, nhất là ở Châu Phi và Mỹ Latinh.