Phát triển chuỗi chăn nuôi khép kín là xu hướng tất yếu giúp doanh nghiệp tồn tại
Nửa tháng trước, Tập đoàn Masan đã đưa sản phẩm thịt heo sạch MEATDeli và gà tươi 3F đến toàn bộ 18 siêu thị VinMart và gần 500 cửa hàng VinMart+ tại TP HCM để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân TP trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội. Hai sản phẩm lập tức thu hút người tiêu dùng, sức mua tăng 40% so với ngày thường.
Âm thầm mở rộng hệ thống phân phối
MEATDeli là thương hiệu mới bổ sung vào danh sách các thương hiệu thực phẩm mà “đại gia” trong ngành chăn nuôi, chế biến này phát triển và đưa ra thị trường trong những năm gần đây. Tính đến cuối năm 2020, thương hiệu MEATDeli đã có mặt tại 1.606 điểm bán trong cả nước, trong đó có hơn 1.200 cửa hàng VinMart+ tại Hà Nội và TP HCM, so với 664 điểm bán vào cuối năm 2019.
Theo báo cáo của Masan MEATLife (thành viên của Masan), năm 2020, doanh thu mảng thịt và trang trại với các sản phẩm thịt mát thương hiệu MEATDeli đã tăng gấp 5,65 lần năm 2019, mang về nguồn thu 2.378 tỉ đồng. Riêng mảng thịt tăng trưởng 325%. Với sức tăng trưởng tốt như vậy, Masan đang tiếp tục mở rộng sản xuất, mục tiêu sẽ chiếm lĩnh 10% thị phần mảng thịt với doanh thu 1 tỉ USD vào năm 2022.
Một tập đoàn lớn khác là Japfa Việt Nam cũng đang đẩy mạnh chuỗi cửa hàng bán lẻ để hoàn thiện hệ sinh thái của mình. Chỉ tính riêng tại TP HCM, hơn 20 cửa hàng Japfa Best đã được mở, chuyên bán 3 dòng sản phẩm được chăn nuôi, giết mổ, chế biến của Japfa Việt Nam là thịt heo, thịt gà và thực phẩm chế biến. Đại diện là Japfa Việt Nam cho biết hoạt động của các cửa hàng này khá ổn, tập đoàn dự kiến sẽ tăng số lượng lên 40 cửa hàng tại TP HCM trong năm nay và tiếp tục mở rộng ra thị trường phía Bắc trong năm tới.
Ông Arif Widjajia, Tổng Giám đốc Japfa Comfeed Việt Nam, cho biết tập đoàn xác định Việt Nam là thị trường chiến lược. Đến nay đã mở 6 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, hơn 300 trang trại nuôi heo và gia cầm quy mô lớn cùng hàng chục cửa hàng thịt sạch và sản phẩm chế biến mang thương hiệu Japfa Best để hoàn thiện quy trình khép kín trong chuỗi Feed – Farm – Food (thức ăn chăn nuôi – trang trại – thực phẩm) tại Việt Nam.
Một trong những thương hiệu thịt heo mở hệ thống bán lẻ nhanh trong thời gian qua là G-Kitchen thuộc Công ty CP GreenFeed Việt Nam – doanh nghiệp (DN) chăn nuôi theo mô hình khép kín 3F (Feed – Farm – Food). Ra mắt ngay giữa tâm dịch tả heo châu Phi (giữa năm 2019), đến nay G-Kitchen có đến 44 cửa hàng tại TP HCM với nhiều cửa hàng đặt gần các chợ như Tân Định (quận 1), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) để tiện lợi cho bà nội trợ mua sắm. Theo khảo sát của phóng viên, cửa hàng G-Kitchen Hai Bà Trưng (quận 1) đang thực hiện chương trình khuyến mãi kéo dài đến hết tháng 6 đồng giá 100.000 đồng/kg 4 loại thịt là thịt xay, thịt vai, thịt đùi, xương ống nên thu hút được người tiêu dùng.
Riêng Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P) – thành viên tập đoàn chăn nuôi Thái Lan – đến nay đã mở được 700 cửa hàng C.P Porkshop, chuyên bán lẻ sản phẩm giết mổ, chế biến thương hiệu C.P trên cả nước chỉ trong thời gian ngắn. Các cửa hàng này tiêu thụ 20% tổng lượng heo bán ra hằng ngày của C.P.
Theo ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc C.P, đây là chiến lược dài hạn của C.P nhằm giảm khâu trung gian để người tiêu dùng được tiêu thụ thịt heo C.P bảo đảm chất lượng và giá hợp lý hơn. “So với mục tiêu bán thịt heo trực tiếp đến người tiêu dùng mang thương hiệu C.P là 50% thì con số 20% vẫn còn khiêm tốn. Lý do một số người tiêu dùng còn e ngại thịt heo bán trong cửa hàng đắt nên không dám vào mua, vì vậy lượng khách hàng còn hạn chế” – ông Huy phân tích.
Sân chơi không dành cho người ít vốn
Đại gia chăn nuôi C.P cũng nêu thực tế là số điểm bán C.P Porkshop phát triển tốt ở các tỉnh, đặc biệt là khu vực phía Bắc, còn TP HCM chỉ mới có 6 điểm. Nguyên nhân là chi phí thuê mặt bằng ở TP HCM cao nên mỗi điểm phải có sản lượng lớn mới tồn tại được vì C.P không có chính sách thu hồi hàng tồn, buộc các điểm bán phải tự tính toán để bảo đảm hiệu quả. Trong 700 cửa hàng C.P Porkshop, chỉ có 5 điểm là do C.P đầu tư, còn lại của những người “khởi nghiệp”, lần đầu tham gia mảng bán lẻ thịt heo.
“Dự kiến đến cuối năm nay, C.P sẽ trực tiếp mở khoảng vài chục cửa hàng tại Hà Nội, đưa sản phẩm vào kinh doanh đa dạng, ngoài thịt heo còn có thịt gà, trứng, thực phẩm chế biến và rau củ quả. Chúng tôi không trợ giá cho bán lẻ mà tính toán giá thịt pha lóc dựa vào giá heo hơi trên thị trường. Nếu phát triển bán lẻ thịt heo mà phải bù lỗ thì chúng tôi bán heo hơi khỏe hơn” – ông Huy trả lời khi được hỏi về việc giá bán lẻ thịt heo C.P thấp hơn một số hệ thống khác.
Theo lãnh đạo một DN đã phát triển chuỗi chăn nuôi khép kín từ nhiều năm nay, nếu không phát triển mô hình này thì không thể tồn tại được. Bởi thời gian qua, giá cả từng khâu trong chuỗi chăn nuôi từ thức ăn chăn nuôi, con giống, chăn nuôi, giết mổ, sơ chế – chế biến đến tiêu thụ biến động rất mạnh. Việc chủ động sản xuất cả chuỗi sẽ có khâu này lợi nhuận bù cho khâu kia.
Ví dụ như hiện giá heo hơi là 67.000 đồng/kg, người chăn nuôi đơn thuần mua con giống, thức ăn chăn nuôi 3 tháng qua sẽ cầm chắc lỗ vì giá thành đã 75.000 đồng/kg, còn DN sản xuất theo chuỗi thì giá thành vẫn dưới 60.000 đồng/kg. Ở khâu tiêu thụ, DN nào có nhà máy chế biến, có điểm bán lẻ sẽ ổn định được đầu ra, gặp thời điểm heo hơi giá rẻ có thể đưa vào chế biến để kéo dài thời gian bán hàng.
Tuy vậy, để xây dựng được chuỗi khép kín cần phải đầu tư rất lớn nên chỉ những DN có tiềm lực mới tham gia được. Cũng theo vị này, thời gian gần đây có nhiều DN chăn nuôi lớn mở rộng đến khâu bán lẻ khiến thị trường cạnh tranh khốc liệt hơn. “DN mới thường triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để hút khách nhưng các cửa hàng cũng phải tự sống vì không DN nào có thể bù lỗ lâu dài. Vì vậy, cần chờ thời gian để đánh giá hiệu quả của từng DN khi phát triển mảng này” – doanh nhân này nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cũng cho rằng để ngành chăn nuôi heo bền vững phải phát triển theo chuỗi. “Ai cũng nhìn thấy điều này nhưng không phải ai cũng làm được vì để thực hiện cần có tiềm lực lớn. Việc triển khai chuỗi sản phẩm đến người tiêu dùng giúp DN chăn nuôi gia tăng lợi nhuận, còn người tiêu dùng mua được sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm” – ông Đoán nhận xét.
Ông cho biết trước đây khi thịt heo phải rơi vào giai đoạn “giải cứu”, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai từng có kế hoạch phát triển chuỗi thông qua việc liên kết các nông dân để đạt quy mô sản xuất lớn, giúp hạ giá thành sản phẩm. Nhưng thực tế triển khai không dễ dàng, rốt cuộc một số điểm bán lẻ thịt heo của đơn vị này đã âm thầm đóng cửa.
Cạnh tranh không lành mạnh
Trước xu hướng các tập đoàn lớn mở rộng đầu tư chuỗi khép kín từ thức ăn chăn nuôi, trang trại, nhà máy giết mổ, nhà máy chế biến và cả cửa hàng phân phối, giới thiệu sản phẩm, tổng giám đốc một DN sản xuất thịt gia súc lớn tại TP HCM nhìn nhận ở mặt tích cực, việc đầu tư chuỗi khép kín với nguồn lực dồi dào sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Trước mắt, người tiêu dùng được hưởng lợi từ những sản phẩm khép kín này. Các DN lâu nay chỉ mạnh về khâu giết mổ, chế biến sẽ gặp nhiều khó khăn do không có lợi thế về chi phí đầu vào như các đối thủ mới này. “Khi cạnh tranh thị trường, DN nào nhanh nhạy, đầu tư phát triển chuỗi tốt sẽ có nhiều cơ hội; DN nào chậm thay đổi sẽ giẫm chân tại chỗ hoặc thụt lùi, đó là quy luật tất yếu. Tuy vậy, cần bảo đảm cho thị trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng độc quyền. Chẳng hạn, DN đạt lợi nhuận khủng từ chăn nuôi, lấy một phần lợi nhuận đó để bù vào chi phí giết mổ và “đạp” giá sản phẩm giết mổ xuống mức thấp. Thực tế thời gian qua đã có DN lớn trong ngành chăn nuôi thao túng thị trường như vậy” – vị tổng giám đốc này dẫn chứng và cho rằng đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà cơ quan quản lý nhà nước cần chấn chỉnh ngay.
Theo Người lao động