Một gợi ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê là vận chuyển hàng hóa theo đường sắt để giảm chi phí và gánh nặng vận tải.
Sáng 4/8, tại tỉnh Lâm Đồng cà phê được thu mua với mức thấp nhất 35.900 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Lắk giá cà phê được thu mua ở mức 36.900 đồng/kg, đạt mức cao nhất.
Trên thị trường thế giới, sau khi nâng mức ký quỹ, loại bỏ các nhà đầu cơ nhỏ lẻ và qua 2 phiên giảm sâu, đến phiên 3/8 các quỹ đầu cơ tài chính bắt đầu mua vào. Điều này kích thích giá cà phê 2 sàn tại Anh và Mỹ quay đầu tăng. Dự báo xu thế còn tiếp tục cho đến hết tuần.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2021 tăng 19 USD/tấn ở mức 1.772 USD/tấn, giao tháng 11/2021 tăng 21 USD/tấn ở mức 1.787 USD/tấn.
Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 tăng 2,05 cent/lb ở mức 174,85 cent/lb, giao tháng 12/2021 tăng 2,1 cent/lb ở mức 177,85 cent/lb.
Trước đó, hai sàn cà phê nói trên chứng kiến một tuần bán tháo mạnh sau đợt tăng giá liên tục, dẫn đến giá phiên đầu tuần này giảm thêm và vẫn do thông tin sương giá ở các vùng cà phê miền Nam Brazil dự báo chỉ gây hại ở mức tối thiểu.
Tháng 7/2021, giá cà phê thế giới chững lại trong những ngày đầu tháng so với cuối tháng 6/2021, nhưng sau đó đã tăng mạnh trở lại. Những ngày cuối tháng 7/2021, giá cà phê thế giới liên tục ghi nhận ở mức cao lịch sử. Đợt sương giá nghiêm trọng tại Brazil và nguồn cung hạn chế từ Việt Nam khiến giá cà phê tăng mạnh.
Theo chuyên gia, đợt chỉnh giảm quá mạnh trên 2 sàn cà phê tuần qua lại cho thấy thông tin về cung-cầu, tác động của sương giá tác động lên giá cà phê không bằng dòng vốn.
“Tháng 7, thị trường chứng kiến 2 sàn cà phê biến động giá rất mạnh, giúp đưa giá cà phê trong nước lên mức cao nhất trong niên vụ này. Diễn biến tiếp theo trong tuần này chưa cho phép giá tìm lại đỉnh đó, thậm chí đầu tuần giá cà phê London còn chỉnh theo kỹ thuật “đảo hướng” khiến giá có thể xuống tiếp”, chuyên gia này nhận định.
Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 14% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu, đứng thứ hai thế giới sau Brazil.
Ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 7/2021 đạt 110 nghìn tấn, trị giá 207 triệu USD, so với tháng 7/2020 ổn định về lượng, nhưng tăng 5,9% về trị giá.