Danh hiệu Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 của gạo ST25 đang thôi thúc việc đưa thương hiệu gạo Việt Nam ra thế giới.
Năm 2017, giống gạo ST24 của Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 3 Gạo ngon nhất thế giới trong Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo tại Macau, Trung Quốc. Từ năm 2017 – 2019 nhóm gạo ST24 và ST25 của Việt Nam liên tục giữ vững vị trí trong top 3 này. Đặc biệt, năm 2019, giống gạo ST25 đạt giải Gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị lúa gạo quốc tế ở Manila, Philippines. Đây cũng là lần đầu tiên ở Đông Nam Á có một giống lúa cải tiến ngắn ngày với năng suất cao được bình chọn là giống gạo ngon nhất thế giới.
ST24 và ST25 là 2 giống gạo do nhóm các nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng gồm: kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sỹ Trần Tấn Phương, kỹ sư Nguyễn Thu Hương lai tạo và không ngừng cải tiến hàng trăm gen gạo quý, trong đó có gen 3 lúa gạo tám thơm Bắc Bộ, nếp cẩm Hà Giang cùng một số giống lúa mùa Nam Bộ. Cả 2 loại gạo này đều có hàm lượng đạm cao và bề ngoài khá giống nhau với hạt thon dài, trắng trong, có mùi thơm.
Từ năm 1989 – 2019, gạo Việt Nam đã có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 128 triệu tấn, chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới và thu về khoảng 45 tỉ USD. Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới về số lượng nhưng trong suốt 30 năm qua, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho hạt gạo vì chưa có được loại gạo ngon.
Các thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy, năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam dù tăng 4,8% về lượng nhưng giá trị thu về lại giảm hơn 9,4% so với cùng kỳ do giá gạo xuất khẩu đã giảm rất mạnh, tới mốc giảm gần 13% so với năm 2018, bất chấp giá gạo thế giới đang trong xu thế tăng mạnh. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu từ châu Phi và đồng Rupee đang hồi phục cũng kéo giá gạo Ấn Độ lên cao. Philippines đang là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam, tuy nhiên, sang năm 2020, Philippines được dự báo sẽ giảm 23% lượng gạo nhập khẩu trong bối cảnh nguồn cung dư thừa.
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt là cả một quá trình dài, bao gồm cả việc xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, thương hiệu doanh nghiệp, khi đã xây dựng được thương hiệu thì phải giữ gìn và bảo vệ được thương hiệu đó. Gạo ngon của Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị trường thế giới, có khách hàng lâu dài bên cạnh thương hiệu phải chiếm được sự tin tưởng của khách hàng, qua đó nâng tầm giá trị gạo Việt.