Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan tuần này đều giảm trong bối cảnh khách hàng quốc tế gần đây chuyển hướng sang mua gạo Ấn Độ, nơi có giá rẻ nhất ở Châu Á. So với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo Việt hiện vẫn cao hơn 100 USD/tấn.
Các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam tuần này giảm giá để tăng sức cạnh tranh với gạo Ấn Độ và Thái Lan, trong khi Bangladesh tiếp tục tăng cường nhập khẩu gạo để tích trữ.
Theo đó, gạo 5% tấm của Việt Nam tuần này giá giảm xuống 505 – 510 USD/tấn, thấp hơn khoảng 10 USD/tấn so với mức 515 – 520 USD/tấn của tuần trước, trong bối cảnh giá gạo Thái Lan cũng giảm và gạo Ấn Độ duy trì khoảng cách thấp hơn nhiều.
Giá gạo trong nước tuần này cũng giảm khi nguồn cung dồi dào theo tiến độ thu hoạch lúa Đông Xuân. Với giá gạo hiện đang xu hướng giảm mạnh ở một số chủng loại. Cụ thể, gạo NL IR 504 hôm nay giảm mạnh 400 đồng so với hồi đầu tuần, hiện ở mức 8.900 đồng/kg; gạo TP IR 504 giảm 100 đồng so với đầu tuần, ở mức 10.500 đồng/kg; tấm 1 IR 504 giảm 200 đồng, ở mức 9.000 đồng/kg; cám vàng giảm 100 đồng, ở mức 6.600 đồng/kg. Các loại gạo khác tiếp tục giữ giá ổn định gồm: Gạo thường giữ ở mức 10.500-11.500 đồng/kg, gạo nàng Nhen 16.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg, thơm Jasmine 14.000 – 15.000 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, Nàng Hoa 16.200 đồng/kg, Sóc thường 15.000 đồng/kg, cám 6.000 – 7.000 đồng/kg, Hương Lài 18.000 đồng/kg.
Mặc dù giá gạo xuất khẩu tuần này giảm nhưng vẫn ở mức cao nhất hơn 9 năm và cao hơn khoảng 100 USD mỗi tấn so với cùng thời điểm này năm 2020.
Một số doanh nghiệp cho biết, do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan cao nên gần đây khách hàng mua loại gạo 5% tấm có xu hướng chuyển sang tìm mua gạo Ấn Độ, mặc dù gạo thơm Việt Nam vẫn giữ được khách. Giá gạo thơm xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao, từ 550 USD/tấn đến 1.000 USD/tấn tùy loại, và nhu cầu từ các khách hàng quốc tế vẫn ổn định.
Các doanh nghiệp nhận định thị trường gạo xuất khẩu trong thời gian tới có thể sẽ sôi động hơn vì gần đây có nhiều khách hàng hỏi mua gạo Việt.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, 15 ngày đầu tháng 3 cả nước xuất khẩu 203.320 tấn gạo, kim ngạch đạt hơn 111 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến 15/3, lượng gạo xuất khẩu đạt 858.605 tấn, kim ngạch hơn 470 triệu USD. Trị giá bình quân xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2021 đạt 548 USD/tấn, cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ 2020 chỉ 464 USD/tấn). Thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam là: Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Hồng Kông, Singapore…
Tại Ấn Độ, giá gạo vốn đã rẻ hơn nhiều so với gạo cùng loại của Thái Lan và Việt Nam và tuần này tiếp tục giảm nữa do đồng rupee sụt giá so với USD. Theo đó, loại gạo đồ 5% tấm còn 393 – 398 USD/tấn, giảm khoảng 5 USD/tấn so với mức 398 – 403 USD của tuần trước. Nhu cầu đối của khách hàng quốc tế đối với gạo Ấn Độ vẫn duy trì ở mức cao, không chỉ từ các nước láng giềng như Bangladesh mà cả từ các thị trường xa hơn.
Bangladesh vẫn đang miệt mài nhập khẩu gạo để tích trữ vì nguồn dự trữ trong nước đã gần cạn kiệt mặc dù nước này đã rất tích cực nhập khẩu gạo từ nhiều tháng nay. Giá gạo tại Bangladesh vẫn chưa hạ nhiệt.
Lượng gạo dự trữ của Chính phủ Bangladesh ở thời điểm đầu tháng 1/2021 chỉ còn ở mức 530.000 tấn, tương đương 50% so với mức dự trữ tối thiểu để đảm bảo an ninh lương thực của nước này.
Chính phủ Bangladesh đang cân nhắc giảm thuế nhập khẩu gạo từ 62,5% xuống còn 25%, đẩy mạnh thu mua gạo từ các nguồn khác nhau để đảm bảo tiến độ giao hàng và phòng trừ các rủi ro khác; đồng thời cho phép các thương nhân tự do có thể nhập khẩu 1 triệu tấn gạo nhằm đáp ứng nhu cầu gạo trong nước, giữa bối cảnh sản lượng gạo vụ mưa (Aman) năm nay nguy cơ giảm đến 15%.
Ngày 10/3, Chính phủ Bangladesh đã thông qua 3 đề xuất riêng rẽ mua tổng cộng 350.000 tấn gạo theo phương thức mua sắm trực tiếp (DPM) từ Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam, trong đó có 50.000 tấn gạo trắng mua của Tổng công ty Lương thực miền Nam (VinaFood) tại Việt Nam. Theo dự báo của Bộ Lương thực Bangladesh, lượng gạo nhập khẩu của nước này trong tài khóa 2020/21 (tháng 6/2020 – tháng 6/2021) có thể tăng mạnh lên 2 triệu tấn, cao hơn rất nhiều so với 4.000 tấn gạo nhập trong tài khóa 2019/20.
Giá gạo Thái Lan tuần này cũng theo xu hướng giảm chung, theo đó loại 5% tấm giảm khoảng 10-15USD/tấn, từ mức 500 – 518 USD tuần trước xuống 488 – 500 USD/tấn, thấp nhất kể từ cuối tháng 11 năm ngoái.
Nguyên nhân giá gạo Thái Lan giảm chủ yếu là do đồng baht trượt giá so với USD. Đồng tiền này đã mất 3,5% so với USD kể từ đầu tháng 3 tới nay.
Giá gạo trong nước của Thái Lan cũng giảm vì các nhà xuất khẩu nước này từ nhiều tháng nay rất khó ký hợp đồng xuất khẩu bởi giá gạo cao và nguồn cung trong nước khan hiếm.
Thị trường gạo xuất khẩu trong thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục sôi động khi nhu cầu duy trì ở mức cao, thậm chí có thể tăng lên khi nhiều khách hàng chờ đợi thời điểm các nước xuất khẩu thu hoạch lúa để mua vào.
Theo Nhịp sống kinh tế