Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Ấn Độ lao dốc xuống thấp nhất nhiều tháng

Tại hai trung tâm xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ và Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tuần này đều giảm.

Theo đó, gạo Ấn Độ tiếp tục xu hướng giảm do đại dịch Covid-19 bùng phát gây nguy cơ chuỗi vận chuyển gạo một lần nữa bị đứt gãy, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu. Đồng rupee giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng cũng góp phần gây áp lực giảm giá gạo của nước này.

Loại gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tuần này giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng, là 392 USD/tấn, từ mức 390 – 395 USD/tấn cách đây một tuần.

Ấn Độ đã vượt lên trên Brazil trở thành nước có số ca nhiễm Covid-19 nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ, với số ca nhiễm mỗi ngày lên tới gần 300.000 ca, buộc nhiều bang phải xem xét phong tỏa trở lại.

Trong khi đó tại Việt Nam, giá gạo cũng giảm vì chất lượng lúa gạo lúc này thấp vì đã cuối vụ thu hoạch lúa Đông xuân. Thời tiết vào mùa mưa cũng ảnh hưởng đến việc phơi sấy. Trong tình hình này, cộng với chi phí vận chuyển đang quá cao, các nhà xuất khẩu gạo không muốn ký hợp đồng mới mà chỉ tập trung hoàn thành những hợp đồng đã ký từ trước.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tuần này giảm xuống 485 – 495 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 10/12/2020, so với giá 495 – 500 USD/tấn cách đây một tuần.

Tính từ ngày 25/3 – lúc giá gạo đạt mức cao kỷ lục gần 10 năm – tới nay, gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm khoảng 5% giá trị.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 3/2021 đã tăng mạnh so với tháng liền trước do xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt đồng loạt tăng cao bởi các nhà nhập khẩu tập trung mua lúa Đông xuân chính vụ. Đặc biệt, xuất khẩu sang Philippines tháng này tăng 81% về lượng và tăng 78% kim ngạch, đạt 155.707 tấn, tương đương 82,33 triệu USD; Ghana tăng 339,5% về lượng và tăng 276,6% kim ngạch, đạt 44.836 tấn, tương đương 25,85 triệu USD; Malaysia tăng 779% về lượng và tăng 718% kim ngạch, đạt 55.764 tấn, tương đương 29,37 triệu USD. Giá xuất khẩu trung bình trong tháng 3 cũng tăng theo xu hướng chung của thế giới.

Mặc dù vậy xuất khẩu gạo trong quý I lại giảm 21,4% về khối lượng, chỉ đạt trên 1,19 triệu tấn; kim ngạch cũng giảm nhưng với tốc độ chậm hơn nhờ giá gạo tăng, theo đó kim ngạch xuất khẩu gạo quý I giảm 7,4% so với cùng kỳ, còn 648,64 triệu USD.

Một trong những nguyên nhân gây sụt giảm xuất khẩu gạo trong quý I là do 2 tháng đầu năm là thời điểm giáp hạt, nguồn cung lúa gạo hạn chế.

Đáng chú ý, nguyên nhân chính dẫn tới xuất khẩu quý I giảm là do cuộc khủng hoảng container trên toàn cầu. Các doanh nghiệp cho biết, ngay từ đầu năm 2021 họ đã rất khó khăn trong việc thuê container, một số thuê được thì số lượng cũng rất hạn chế và giá tăng rất cao, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu, trong đó có mặt hàng gạo.

Việc thiếu hụt container rỗng đã đẩy giá cước vận chuyển tăng gấp 600 -700%, từ 1.000 USD/container lên 6.000-7.000 USD/ container và thiết lập luôn giá sàn mới. Với giá cước vận chuyển này, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu gạo mà hàng loạt mặt hàng khác cũng rất khó đàm phán với người mua. Tình trạng này kéo dài đến thời điểm hiện tại, góp phần khiến nhà nhập khẩu phải cân nhắc lùi thời gian nhận hàng hoặc tìm kiếm các nguồn cung gần hơn để giảm chi phí, nhà xuất khẩu cũng không muốn ký hợp đồng mới.

Những yếu tố trên kết hợp khiến xuất khẩu gạo sang các thị trường nhập khẩu nhiều gạo của Việt Nam như Philippines và Trung Quốc giảm tới 32,8% khối lượng nhập khẩu gạo trong 3 tháng đầu năm.

Theo đó, số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, Philippines mặc dù vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam trong quý I, đạt trên 411.581 tấn, tương đương 219,96 triệu USD, giá trung bình 534,4 USD/tấn, song đã giảm 30,7% về lượng, giảm 14,5% về kim ngạch so với 3 tháng đầu năm 2020; chiếm 34% trong tổng lượng và tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm ít hơn nhiều mức giảm về khối lượng chủ yếu bởi giá xuất khẩu trong cùng kỳ đã tăng 23,5%.

Tương tự, Trung Quốc, thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2, cũng giảm lượng nhập khẩu còn 256.516 tấn, tương đương 136,17 triệu USD, giá trung bình 530,8 USD/tấn, tăng mạnh 58% về lượng, tăng 49,7% về kim ngạch nhưng giảm 5,4% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 21% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.

Thị trường Ghana đứng thứ 3 trong số các thị trường nhập khẩu gạo trong quý I, với 94.379 tấn, tương đương 55,91 triệu USD, giá 592,4 USD/tấn, giảm 11,7% về lượng, nhưng tăng 7% về kim ngạch và tăng 21,2% về giá so với cùng kỳ, chiếm gần 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Tuy nhiên, cũng có một số thị trường tăng mạnh nhập khẩu gạo trong quý I như: Bờ biển Ngà tăng mạnh 121% về lượng, tăng 170% về kim ngạch và tăng 22% về giá, đạt 87.787 tấn, tương đương 44,34 triệu USD, giá 505 USD/tấn, chiếm 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch…

Với việc vụ thu hoạch lúa Đông Xuân kết thúc và chi phí vận chuyển cao như hiện nay, dự báo xuất khẩu gạo trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục giảm.

Theo Nhịp sông kinh tế