Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Giá mít Thái ở ĐBSCL đã xuống 4.000/kg nhưng rất khó tiêu thụ

Theo phòng nông nghiệp các địa phương trong tỉnh Hậu Giang, đây không phải lần đầu giá mít Thái giảm mạnh. Trong 10 năm qua, thường xuyên xảy ra tình trạng giá mít Thái giảm tương tự, thậm chí có lúc thương lái không đi mua.

Việc tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tại các tỉnh biên giới phía Bắc đang được các Bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai để khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản tại một số cửa khẩu. Tuy nhiên, hàng dài xe container vẫn đang nối đuôi nhau và chưa biết đến khi nào sẽ được thông quan, nhiều xe phải quay đầu. Việc khó khăn trong xuất khẩu tại một số cửa khẩu đã khiến nhiều loại cây ăn trái ở vùng ĐBSCL đang chững lại, một số mặt hàng khó khăn trong tìm đầu ra. Trong đó, giá mít Thái ở ĐBSCL đã xuống 4.000/kg nhưng rất khó tiêu thụ.

Cửa khẩu đóng cửa, dòng xe container xếp hàng dài tại các tỉnh biên giới phía Bắc đã khiến cho nhiều nông dân vùng ĐBSCL không khỏi lo lắng. Hiện nay, nhiều loại trái cây của vùng đang bước vào thu hoạch rộ, giá giảm từng ngày nhưng vẫn không thể tiêu thụ được do doanh nghiệp thu mua cầm chừng, thương lái bỏ cọc, người dân xoay sở đủ kiểu chưa tìm được đầu ra.

Đang thu hoạch mít Thái bán cho thương lái, anh Phan Văn Nghĩa, ngụ phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ cho biết, hơn 1.000 cây mít Thái đến vụ thu hoạch, giá bán thì xuống từng ngày. Bán được cho thương lái đã là may mắn, nếu không đành để chín tại cây mà không biết bán cho ai.

Anh Nghĩa chia sẻ, việc hàng ngàn xe container ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc thời gian qua đã khiến giá mít Thái ở vùng ĐBSCL giảm sâu. Bản thân anh cũng không thể ngờ rằng giá giảm xuống còn 4.000 đồng/kg mà phải ngóng thương lái.

Với giá bán như hiện tại anh Nghĩa đang lỗ nặng chứ không tính đến chuyện lời lãi như những vụ trước. Khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng giá vật tư phân bón vẫn tăng “chóng mặt” trong thời gian qua khiến anh Nghĩa đang suy tư về việc có nên tiếp tục để trái vụ sau nữa hay không. Bởi nếu để trái thì phải đầu tư phân thuốc, mà giá bán như hiện nay thì tiếp tục lỗ, vậy đành bỏ trái để cây sinh trưởng chờ tín hiệu thị trường sẽ đầu tư tiếp.

Anh Mai Thanh Hải, thương lái chuyên thu mua trái cây các loại ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ nhìn nhận, việc xuất khẩu khó khăn đã khiến nhiều loại trái cây giảm sâu. Giá mít Thái giờ được anh Hải thu mua với giá 4.000 đồng/kg. Anh cho biết thu mua như vậy cũng để giữ mối với nhà vườn làm ăn lâu dài về sau.

Theo anh Hải, giờ thu mua với số lượng lớn cũng không thể tìm được đầu ra khi hàng đang ùn ứ quá nhiều ở các cửa khẩu xuất sang thị trường Trung Quốc. Nếu như trước đây anh Hải cùng các thương lái khác thu mua về để đóng hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bình quân mỗi tháng 5 container các loại trái cây như: Sầu Riêng, Mít, Vú Sữa, Cam…giờ thì đã ngưng.

Viện dẫn câu chuyện phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu sẽ là hệ lụy tất yếu đối với các mặt hàng nông sản khi xuất khẩu. Tuy nhiên, theo anh Mai Thanh Hải, giờ ngoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thì việc tìm kiếm các thị trường khác cũng gặp nhiều khó khăn.

Bài học đang diễn ra tại các cửa khẩu phía Bắc những ngày qua đang cho thấy cần phải tìm hướng đi mới nếu muốn phát triển bền vững, muốn làm được điều này nông dân cần thay đổi và thương lái cần vốn để có đầu tư kho lạnh, dây chuyền và chính quyền cần quy hoạch vùng trồng trọng điểm để xây dựng thương hiệu.

Hiện thương lái vào vườn thu mua mít loại Nhất với giá 10.000 đồng/kg, mít Nhì 4.000 đồng/kg, mít Ba từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, phần lớn nông dân đều bán mít xô với giá từ 3.000-4.000 đồng/kg. Đây là tình cảnh chung của người dân trồng mít, cụ thể là ở Hậu Giang khi địa phương có gần 8.500 ha mít Thái.

Theo phòng nông nghiệp các địa phương trong tỉnh Hậu Giang, đây không phải lần đầu giá mít Thái giảm mạnh. Trong 10 năm qua, thường xuyên xảy ra tình trạng giá mít Thái giảm tương tự, thậm chí có lúc thương lái không đi mua. Tuy nhiên, nông dân không nên hoang mang chặt bỏ cây mít để trồng cây khác mà cần tập trung chăm sóc vườn mít cho tốt, bởi trước đây sau khi giảm trong một thời gian ngắn, giá mít tăng trở lại, có thời điểm 1 trái mít có thể bán được hơn 1 triệu đồng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cũng khuyến cáo, nông dân cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định mở rộng diện tích trồng loại cây này trong thời gian tới.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Phụng Hiệp thông tin, giá mít trên thị trường biến động thường xuyên, lúc tăng, lúc giảm, có khi trong 1 ngày thương lái điều chỉnh 2-3 lần. Trước tình hình này, đối với ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân khi quyết định trồng mít cần cẩn thận, phải xem xét giá cả thị trường, xem xét vùng qui hoạch của huyện đã được công bố ở các xã, thị trấn để tránh tình trạng cung vượt cầu. Qua đó, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cũng kết hợp với các ngành, các đoàn thể và Đài truyền thanh huyện hỗ trợ cho bà con nông dân về giá cả thị trường, trong đó có giá mít trên tất cả các kênh thông tin để bà con nông dân xem xét hàng ngày, từ đó bà con đỡ đi phần nào bị thương lái ép giá.

Dự báo từ Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I/2022 ước sản lượng trái cây chính ở các tỉnh thành phía Nam khoảng 1,6 triệu tấn. Thanh Long với sản lượng khoảng 297.000 tấn; chuối 250.000 tấn; xoài 244.000 tấn; mít 159.000 tấn và các loại trái cây Dứa, Cam , Bưởi từ 127.000 tấn đến 144.000 tấn.

Với sản lượng trái cây lớn, xuất khẩu gặp khó sẽ là những thách thức đặt ra cho ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương trong việc tiêu thụ nông sản trong thời gian tới. Một số địa phương đã chủ động kết nối, đưa các mặt hàng nông sản chủ lực lên các sàn thương mại điện tử hay kết nối doanh nghiệp để tiêu thụ đang là những bước đi đúng đắn.

Về lâu dài, vấn đề đặt ra là cần có sự thay đổi tư duy sản xuất gắn với chất lượng sản phẩm; hướng đến các thị trường xuất khẩu mới và đầu tư dây chuyền, công nghệ chế biến sâu để mang lại giá trị gấp nhiều lần cho nông sản Việt. Khi đó mới hạn chế thấp nhất cảnh ùn ứ và không còn câu chuyện giải cứu nông sản. Vấn đề là thay đổi và thực hiện như thế nào mà thôi./.

Theo VOV