Tình trạng “khát” công nhân mùa thu hoạch cà phê là bài toán khó của Tây Nguyên bấy lâu nay. Để có lời giải, các hội nông dân đã kết nối lao động nhàn rỗi tại chỗ tạo hiệu ứng tốt.
Đã tìm được nhân công thu hoạch hơn 1 héc-ta cà phê, song anh Phan Văn Tâm (xã Đắk Sắt, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) vẫn chưa hết bức xúc vì trước đó bị “cò” lao động lừa. Mất tiền đã đành, anh Tâm càng xót xa khi cà phê chín rụng.
Những năm trước, anh Tâm thuê nhân công tại huyện Cư Jút (Đắk Nông) nhưng năm nay họ đã xuống TPHCM làm, lại thêm dịch COVID-19 nên khó tìm người. Trước đó, ngày 28/11, anh nhờ người quen là Nguyễn Thị Hồng Ng.V. (huyện Cư Jút) giới thiệu nhân công. Bà này tự nhận có em trai chuyên đưa người hái cà phê với môi giới 200 nghìn đồng/người. Anh Tâm đồng ý, nhờ bà V. kết nối giúp 15 nhân công. Bà V. yêu cầu chuyển tiền đặt cọc trước và anh Tâm đã chuyển khoản 2 lần tổng cộng 1 triệu đồng.
“Nhận tiền xong, bà V. hứa trong buổi trưa sẽ đưa người lên nhưng tôi đợi mãi không thấy đâu. Lúc bà nói đang gom cho đủ người, khi lại bảo xe đang lên… Tôi xin số điện thoại nhưng bà không cho, chỉ liên lạc qua facebook. Vì rất cần nhân công lại chỗ quen biết nên tôi tin. Một tuần sau, bà V. vẫn không đưa người lên, tôi đòi lại tiền đặt cọc thì bà ấy thách thức, hủy kết bạn facebook. Vì chờ người lại thêm mưa khiến cà phê nhà tôi chín nứt toác, rụng đầy vườn”.
Đắk Lắk có trên 209.000 héc-ta cà phê, được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Một héc-ta cà phê cần khoảng 50 ngày công nên vào vụ thu hoạch, tỉnh này cần lượng lớn nhân công. Bà Lại Thị Loan- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu nhân công, hội đã khuyến khích người dân thành lập các tổ, đội, nhóm hộ đổi công cho nhau. Hội Nông dân các cấp rà soát nhân công tại chỗ, nhất là lao động về từ các tỉnh phía Nam để giới thiệu cho chủ vườn.
Còn chị Trần Thị Hoa (huyện Đắk Song, Đắk Nông) lại gặp kiểu lừa khác. Đầu mùa thu hoạch cà phê, có nhóm người đến nhà chị nhận hái khoán, sau đó xin ứng trước 2 triệu đồng. Vì người địa phương nên chị Hoa tin tưởng. Lấy được tiền, nhóm người trên đi biệt tăm. Ngoài bị “cò” lao động lừa, chủ vườn còn bị “bỏ bom” sau khi chuyển tiền trước cho nhân công ngoại tỉnh. Họ đưa ra nhiều lý do như xe khách không chạy nên yêu cầu chủ nhà chuyển tiền trước để thuê xe, làm xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2. Những câu chuyện lừa đảo trên được các chủ vườn chia sẻ trên hội nhóm nhân công hái cà phê để cảnh báo.
Kết nối nhân công tại chỗ
Để có nhân công thu hoạch cà phê, Hội Nông dân xã Ea Sin (huyện Krông Búk, Đắk Lắk) đã chủ động tìm kiếm, kết nối lao động tại chỗ với các chủ vườn. Anh Trần Văn Ruân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Sin cho biết, cách đây 5 năm, hội đã lập tổ kết nối nhân công. Thông qua Chi hội Nông dân thôn buôn, hội đã kết nối được nguồn lao động nhàn rỗi, hình thành các nhóm hái cà phê. Khi chủ vườn cần, hội sẽ cho địa chỉ để 2 bên thỏa thuận giá cả, giảm bớt việc thiếu nhân công và giải quyết việc làm cho một bộ phận người dân trên địa bàn.
Theo ông Ruân, năm nay, nhân công hái cà phê khan hiếm hơn do tác động của dịch COVID-19 khiến lao động ngoại tỉnh và các vùng lân cận ít đến. Dự liệu trước tình hình, Hội Nông dân xã đã triển khai kết nối nhân công ngay từ đầu vụ. Đến thời điểm này, hội đã kết nối được 5-6 đội (mỗi đội từ 10-15 người) hái cà phê tại 4 buôn đồng bào Êđê gồm: Cư M’tao, Cư Kanh, Ea Bông, Ea Sin. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh cũng vào cuộc giới thiệu lao động. Hiện có 30% chủ vườn thông qua các hội, đoàn thể để thuê nhân công.
Chị Cao Thị Thúy Nga có hơn 1 héc-ta cho hay, năm nay thuê nhân công rất khó. Qua người quen, chị gọi được một nhóm nhân công ở Phú Yên và thông qua Hội Nông dân xã Ea Sin thuê 8 nhân công tại chỗ. Nhờ vậy, vườn cà phê được thu hoạch đúng thời điểm, nếu để chín quá, gặp trời mưa sẽ bị nứt toác, rụng hết.
Toàn xã Ea Sin có trên 3.400 héc-ta cà phê đang cho thu hoạch. Hơn 70% chủ vườn thu hoạch cà phê chọn lọc (hái quả chín) nên giảm bớt tình trạng thiếu nhân công tại cùng thời điểm và giữ được chất lượng cà phê.