Hơn chục ngày qua, sau những lô gạo, trái cây, cà phê…của Việt Nam xuất khẩu vào EU hưởng ưu đãi theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), những ngành có thế mạnh như gỗ, thuỷ sản cũng đã có những tin hiệu vui từ thị trường này.
Gỗ sẽ về đích với kim ngạch 13 tỷ USD
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), thị trường gỗ và sản phẩm gỗ của EU hấp thụ có thể lên tới 80-85 tỷ USD. Đây là con số rất lớn so với giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào thị trường này.
Trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU (kể cả Anh) chỉ đạt trên 860 triệu USD, thua xa kim ngạch xuất vào một trong các thị trường Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Viforest cho rằng, EVFTA được cho là cơ hội lớn để xuất gỗ sang EU sớm chạm mốc 1 tỷ USD.
EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020. Khoảng 83% dòng thuế, tương đương với 99% giá trị xuất khẩu gỗ sang EU được xóa bỏ ngay lập tức. Với 17% dòng thuế còn lại bao gồm gỗ dán, ván sợi, ván dăm…sẽ về 0% sau 5 năm tính từ khi hiệp định có hiệu lực.
Cùng với đó, khi chưa có EVFTA, máy móc, thiết bị nhập khẩu từ EU phải chịu thuế 20-30%. Khi Hiệp định này có hiệu lực, thuế nhập khẩu nhiều loại máy móc, thiết bị từ EU đã được giảm nhiều, thậm chí có những loại được xóa bỏ thuế.
“Với thị trường EU, chúng ta không chỉ khai thác giá trị tuyệt đối của xuất khẩu mà còn thông qua thị trường này làm tín chỉ để chứng minh trình độ sản xuất của nông dân Việt Nam, hàng Việt Nam có thể đi đến bất kỳ nơi nào trên thế giới, từ đó mở rộng dung lượng thị trường”.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, lâm nghiệp là ngành tăng trưởng hai con số trong nhiều năm qua. Dịch COVID-19 vừa là thách thức, rủi ro, nhưng cũng là cơ hội rất lớn cho ngành lâm nghiệp tái cấu trúc lại, DN cần linh hoạt trong nắm bắt, tận dụng cơ hội, đặc biệt là từ các hiệp định thương mại như EVFTA.
Theo ông Lập, trong tháng 7, tăng trưởng xuất khẩu gỗ đạt trên 30%. Những tháng còn lại của năm 2020, ngành gỗ có thể tăng trưởng trên 20% và cán đích 13 tỷ USD.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, dù ảnh hưởng rất lớn do dịch COVID-19, nhưng ngành gỗ đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, nhất là những cơ hội mới từ EVFTA.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 7,8 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm gần 30% trị giá xuất khẩu của ngành nông nghiệp. “Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt trên 1,3 tỷ USD, cao nhất trong từ trước tới nay”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, trong 4 tháng cuối năm, theo thông lệ là những tháng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhất của ngành gỗ. “Rà lại những đơn hàng, năng lực sản xuất, nguồn cung ứng nguyên liệu hiện nay, chúng tôi tin rằng, nếu không có vấn đề đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng sẽ đạt được 1,3 tỷ USD/tháng, như vậy, trong 4 tháng có thể đạt được 5,2 tỷ USD”, ông Tuấn nhận định.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho rằng: “Với những tín hiệu khả quan trên, chúng ta sẽ cán đích 13 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu và đạt tốc độ tăng trưởng hai con số, góp phần vào mục tiêu xuất khẩu nông sản cả năm 2020 đạt trên 41 tỷ USD”.
Thuỷ sản tiếp nối
Sau những lô gạo, cà phê, trái cây… “lên đường” sang EU, thuỷ sản dù khá bế tắc từ đầu năm đến nay do dịch COVID-19 nhưng đã có những tín hiệu tích cực sau khi EVFTA có hiệu lực.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), trong tháng 8/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt gần 395 triệu USD, tăng gần 12% so với tháng 8/2019. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 8/2020, trừ thị trường Nhật Bản và Trung Quốc giảm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường chính khác EU, Mỹ, Hàn Quốc… đều tăng. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay nhờ tác động tích cực từ EVFTA.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam sang EU về 0%, tôm chế biến sẽ có lộ trình giảm thuế 5-7 năm. Trong khi các đối thủ cạnh tranh chủ yếu trên thị trường EU như Thái Lan thuế cơ bản vẫn 12%, Ấn Độ chịu thuế 4,2%, Indonesia chịu thuế 4,2%…
Theo Vasep, EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,6% tổng trị giá xuất khẩu tôm của Việt Nam. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay. Sau khi tăng trưởng nhẹ trong tháng 7, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đã ghi nhận mức tăng trưởng 15,7% đạt 58,8 triệu USD trong tháng 8.
Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, EVFTA mang đến nhiều kỳ vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng có thể vẫn chưa cao, do vẫn chịu tác động từ dịch COVID-19. Dự kiến, cả năm 2020, Việt Nam sẽ xuất khẩu được 3,6 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2019.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, để tận dụng các lợi thế từ thị trường EU, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc là vô cùng quan trọng.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp và khuyến khích doanh nghiệp tập trung các đơn hàng cho những ngành hàng có lợi thế như rau, quả, thủy sản, nhóm sản phẩm cây cồn nghiệp (chè, cà phê, hạt điều). Tập trung đẩy nhanh hơn sản xuất theo chuỗi, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, và chuẩn bị tốt kỹ năng thương mại để tận dụng các lợi thế.
Ông Cường cũng cho rằng, ngành nông nghiệp cần có giải pháp căn cơ, bền vững để đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, liên kết chặt chẽ với nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu, chế biến, thương mại.
Theo Tiền phong