Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại có hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp thu mua thóc, gạo.
Ngày 12-8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tạo thuận lợi tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo.
Theo Bộ Công Thương, để góp phần hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo trong bối cảnh dịch Covid -19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản ngày 10-8 đề nghị các ngân hàng thương mại và ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đảm bảo vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo tại khu vực ĐBSCL bằng nhiều hình thức.
Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình thị trường và thông tin trao đổi tại cuộc họp ngày 12-8 giữa Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, việc tiếp cận nguồn vốn theo văn bản số 5747/NHNN-TD nêu trên đã giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng nhưng chưa hoàn toàn được thuận lợi.
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo cho nông dân, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại có hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.
Trước đó, theo Ngân hàng Nhà nước, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực, gây ách tắc và làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL. Để góp phần hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại có các giải pháp hỗ trợ người trồng và kinh doanh thóc, gạo.
Theo đó, các ngân hàng thương mại chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp vay để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo.
Bên cạnh đó, làm việc trực tiếp với các thương nhân, doanh nghiệp để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân tiếp cận vốn phục vụ thu mua tạm trữ thóc, gạo. Tuy nhiên, việc cho vay đảm bảo các nguyên tắc tín dụng hiện hành, quản lý được dòng tiền và thu hồi nợ.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết thóc, gạo từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh… để tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, trong đó có các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Người lao động