Trồng gấc làm giàu hiện nay được rất nhiều người nông dân thực hiện trên mục đích là kinh doanh. Bởi loại quả này mang lại nguồn thu nhập kinh tế cao. Hơn nữa còn là loại quả được nhiều người ưa chuộng, lượng tiêu thụ trên thị trường là rất lớn.
Đến với bài viết này, Fao sẽ hướng dẫn cho các bạn kỹ thuật trồng gấc cũng như cách chăm sóc để có thể thu được những trái gấc có chất lượng tốt nhất nhé.
Chuẩn bị gì khi trồng gấc
Trước khi bước vào việc trồng gấc làm giàu thì trước tiên các bạn cần chuẩn bị, thực hiện những công việc như đào hố, chọn đất trồng. Hãy thực hiện theo sự hướng dẫn của Fao để đảm bảo đất trồng được tốt nhất nhé.
1. Chọn đất trồng, đào hố và bón lót
Chuẩn bị đất trồng
Gấc là loại cây trồng không kén đất nhưng khuyến cáo nên lựa chọn đất tốt để trồng. Đất trồng cây Gấc không được bị úng và có khả năng thoát nước tốt khi gặp thời tiết mưa lớn.
Để có thể thu được năng suất cao từ việc trồng gấc thì bạn cần chọn đất tốt (đất phù sa), thoát nước. Thực hiện việc cuốc xới để ủ nơi định trồng với khoảnh đất khoảng 1m2, có độ sâu khoảng 40 đến 60 cm.
Bón lót
Chuẩn bị những loại phân, thuốc trừ sâu dưới đây để bón cho cây trong khoảng thời gian thực hiện cách trồng gấc.
- GV-Hữu cơ vi sinh: 2 kg/hố
- Hữu cơ GV-ORGANIC: 500 gr/hố
- Phân chuồng hoai: 10 kg/hố
- Super Lân: cần khoảng 500 đến 600 gr/hố
- Thuốc trừ sâu Vibasu 10H: 50 gr (có tác dụng giúp ngăn ngừa sâu bọ phá hại rể)/hố
- Tất cả những nguyên liệu trên được trộn chung với đất mặt để tiến hành bón cho một hố
- Vôi: từ 0,3 đến 1 kg (tùy thuộc vào độ chua của đất): lưu ý vôi cần được trộn đều với đất ở đáy hố trước khi thực hiện việc bón phân lót.
- Sau khi cây con phát triển tới giai đoạn có 4 đến 5 lá thật thì các bạn phun phân bón lá GV 16-16-8 để cây sinh trưởng Phun theo định kỳ là 7 đến 10 ngày/1 lần.
- Nên kết hợp với việc tưới gốc bằng GV601S K.HUMAT: pha 50 cc cùng với 5 lít nước, tưới xung quanh vùng rể cho thấm xuống đất để kích thích bộ được nhanh chóng sinh trưởng theo định kỳ 10 ngày/1 lần .
Đối với mô hình trồng gấc trong chậu ở quy mô hộ gia đình: Tận dụng đất, trồng gấc ngay sát cạnh rào, bên cạnh gốc cây đa, tại bờ ao hoặc gốc bờ tre… hay những cây nào đó làm cộc cho gấc có thể leo cao.
Đối với cách trồng gấc theo quy mô lớn: Chọn lựa địa điểm, chọn đất có điều kiện thuận tiện và thiết kế giàn cho gấc leo. Gấc ưa sống trong đất mát, bằng phẳng, tiện sông suối để tưới nước.
Trồng gấc bằng hạt thành từng hàng thẳng, khoảng cách giữa mỗi cây khoảng 3 đến 4m và hàng nọ cách hàng kia một khoảng chừng 4 đến 5m.
2. Thời vụ trồng
Miền Bắc: Nên tiến hành mô hình trồng gấc vào tháng 2 tới tháng 3 dương lịch.
Miền Nam & Tây Nguyên: Trồng gấc vào đầu mùa mưa, tại những nơi đất ẩm, gần chỗ tưới tiêu để thuận tiện hơn.
3. Thiết kế giàn leo cho gấc
Bạn có thể thiết kế giàn bằng các cây tạp, tre nứa hay thậm chí là cột bêtông. Bên trên gác những cành tre hay đan bằng dây thép hoặc sử dụng dây cước một sợi (đường kính dây hừng 2mm) đan chúng thành lưới (kích thước của các mắt lưới: 40cmx40cm).
Sau đó căng chúng lên giàn. Giàn bằng lưới có cước chi phí thấp và có thể sử dụng được từ 3 cho tới 5 năm. Cách làm này đang được mọi người triển khai rộng rãi tại những tỉnh như Hải Dương, Thái Bình … mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Kỹ thuật trồng gấc tại nhà
Hãy thực hiện kỹ thuật trồng gấc theo các bước dưới đây để quả gấc của bạn to, đạt chất lượng cao khi bán ra thị trường nhé.
1. Chọn giống
Bạn có thể tiến hành cách trồng gấc bằng hạt hoặc trồng gấc băng hom.
Nếu trồng gấc bằng hạt
Cần lựa chọn trái lấy hạt tại những cây có trái to, sai trái, chờ cho trái chín đỏ hoàn toàn mới tiến hành thu trái và nên để cho trái gấc chín rực thêm vài ngày sau đó dùng tay bóp và lấy hạt.
Trước khi đem hạt đi gieo thì cần chà rửa thật sạch lớp nhớt bọc quanh vỏ hạt để hạt có thể dễ dàng nẩy mầm.
Xử lý hạt: Ngâm hạt gấc trong dung dịch axit sunfuric 10% trong vòng 24h để vỏ hạt mềm, gieo dễ nảy mầm hơn. Ngoài ra bạn có thể ngâm hạt trong nước ấm khoảng 55 tới 60 oC trong khoảng thời gian là 10 đến 12h cũng mang lại tỷ lệ nảy mầm cao.
Sau khi xử lý xong, ươm hạt trong bầu đất để hạt được nảy mầm. Khi cây con cao phát triển tới giai đoạn khoảng 20cm thì có thể trồng gấc vào các hố đã được chuẩn bị sẵn.
Trồng gấc bằng hạt sẽ cho ra cả cây đực lẫn cả cây cái, nhưng chỉ cây cái mới cho quả. Vì vậy phương pháp trồng gấc nên áp dụng là trồng bằng hom.
Lựa chọn giống bằng hom
Bạn hoàn toàn có thể trồng gấc bằng cách nhân giống vô tính bằng cách giâm. Chọn lựa những cây mẹ sai quả, quả to, chín đẹp để làm cây lấy hom giống.
Chọn những dây gấc bánh tẻ cắt thành từng đoạn có chiều dài khoảng 30 đến 40cm (chúng được gọi là hom). Mỗi hom cần phải có từ 2 tới 3 đốt trở lên.
Ươm cành: Bạn có thể thực hiện ươm cành theo 2 cách dưới đây, chúng đều mang lại hiệu quả tương đương, tuy nhiên với mỗi cách sẽ có những ưu, nhược điểm riêng.
Cách 1: Cắt bằng đầu, bôi vôi vào vị trí hai đầu, sau đó đem giâm xuống khu vực cát ẩm.
Chú ý: Đầu gốc cần phải cắm sâu xuống đất khoảng 10 đến 15cm, đặt nằm nghiêng và dùng tay nén quanh gốc cho chặt, đầu ngọn được hướng lên phía trên.
Cách 2: Cắt bằng đầu, bôi vôi vào vị trí hai đầu, sau đó đem giâm chúng trong bầu. Bầu có thể dùng túi nilong, bên trong chứa đất bột trộn cùng với lượng nhỏ phân chuồng ủ mục và trấu thóc để tăng cường độ xốp.
Mỗi bầu bạn có thể giâm được 3 hom gấc. Bầu đặt tại những vị trí có bóng mát hay có mái che.
Bảo đảm đủ lượng nước tưới thường xuyên cho gấc, giữ ẩm và che bớt ánh nắng trong khoảng thời gian ban đầu cũng như vị trí đất giâm cành cần phải được thoát nước tốt.
Chỉ sau khoảng thời gian là 2 đến 3 tuần chồi sẽ mọc, đem trồng gấc tại vị trí hố đã chuẩn bị sẵn.
Video hướng dẫn kỹ thuật trồng gấc làm kinh tế
Cách chăm sóc gấc
Sau giai đoạn thực hiện cách trồng gấc tại nhà thì công đoạn chăm sóc gấc là vô cùng quan trọng.
Bạn cần phải thường xuyên tưới nước, bón phân với liều lượng vừa đủ để đảm bảo cây luôn được khỏe mạnh, phát triển mạnh mẽ.
1. Chăm sóc cây gấc
Khi cây phát triển tới khi dài khoảng 30 đến 40 cm. Thường xuyên theo dõi bắt ngọn leo vào giậu hay lên giàn và thường xuyên bắt những ngọn phân tán đều trên khắp giàn; kiểm tra lại những gốc gức xem gốc nào có nhiều quả để sau năm thứ nhất giữ lại.
Cuối mùa hoa, cắt bớt các giậu con cụt không có hoa để giậu được nhẹ bớt và nhựa cây tập trung nuôi quả.
Thường xuyên làm cỏ, xới nhẹ đất quanh gốc cách gốc 25-30cm để kích thích rễ phát triển.
2. Bón thúc cho gấc
Ngoài lượng phân bón lót, thì mỗi năm vào đầu, giữa hay cuối mùa mưa các bạn nên bón thúc thêm mỗi hố để cây có thể phát triển mạnh cho nhiều trái, trái to:
- NPK (20-20-15): 30 đến 50 gr/ hố
- Hữu cơ vi lượng: sử dụng 50 gr/hố.
Cách bón: Đào rãnh có độ rộng 10cm, độ sâu 10cm, hình vành khăn cách gốc 1 khoảng 25 đến 30cm bón phân vào rãnh rồi lấp đất lại hay có thể rải đều phân lên mặt đất cách gốc 25 cm sau đó sử dụng cuốc xới nhẹ lấp phân. Xếp cỏ khô, rơm rạ lên trên bề mặt để giữ ẩm và chống tình trạng rửa trôi.
- Đầu mưa nên phun phân bón lá để thân lá sinh trưởng mạnh.
- Trước khi cây chuẩn bị ra hoa 1 tháng, phun phân bón lá để cây trồng hình thành nhiều hoa.
Tưới và thoát nước: Cây gấc cần sống trong đất có đủ độ ẩm nhưng rất sợ úng vì vậy hãy tưới nước với liều lượng vừa đủ và thoát nước ở gốc cây cho tốt.
Trong suốt qua trình trồng gấc thì giai đoạn cây cần nước nhiều nhất là thời kì cât ra hoa và hình thành trái. Thiếu nước trong thời kì này sẽ khiến cho hoa bị rụng, trái sinh trưởng kém, năng suất thu được thấp. Độ ẩm phù hợp để trồng gấc là 70 đến 80% độ ẩm tối đa.
Ngoài những biện pháp chăm sóc bón phân, tưới đủ nước trong thời kì cây ra hoa phát triển trái, kỹ thuật phun một vài chất kích thích tốt trong thời kì cây còn nhỏ có 1 đến 2 lá thật cũng giúp cho tăng số hoa cái trên cây.
Những hóa chất thường được sử dụng là NAA (tên khoa học là Naphthalen acetic acid) phun với nồng độ 25 đến 100 ppm sẽ đạt được kết quả tốt.
3. Sâu bệnh hại gấc
Trồng cây gấc với quy mô lớn, bà con cần chú ý vấn đề sâu hại và các bệnh thường gặp. Cần phát hiện sớm và có biện pháp ngăn ngừa và diệt trừ các loại sâu bệnh sau:
Rầy mềm: Chúng bu vào mặt dưới của lá hút nhựa. Diệt trừ bằng cách xịt Vicidi-M 50ND hoặc Decis 50ND tỷ lệ pha 20-30 ml thuốc / bình 8 lít nước.
Bọ dừa: Bọ có cánh cứng màu vàng, thân dài 8mm, chúng ăn và phá hoại gấc. Diệt trừ bằng cách xịt thuốc Tata 25WG xịt đều lên lá.
Ruồi đục trái: Khi gấc có trái thì bị loại này tấn công mạnh. Chúng chích và đẻ trứng, ấu trùng phát triển trong trái, phá vỏ và làm thối trái. Diệt trừ bằng cách phun xịt dung dịch Oncol 20EC lượng pha 30 ml thuốc / 8 lít nước, chú ý lượm đốt bỏ những trái gấc thối rụng.
Nhện đỏ: Vào mùa nắng, chúng tập trung ở mặt dưới lá, tấn công làm xoắn lá, lá bị úa vàng, khiến gấc cằn cỗi không phát triển. Diệt trừ bằng cách dùng SK Enpray 99EC hoặc Alfamite 15EC phun xịt đều trên lá.
Sâu xanh: Loại này thường cuốn lá làm tổ, chúng ăn lá, làm khuyết lá. Diệt trừ bằng cách dùng Padan 95SP liều lượng pha 10 – 15g thuốc / 10 lít nước vào chiều mát.
Đốm lá: Bệnh gây hại bởi nấm Pseudope-ronopora cubensis Rostow, khiến lá bị nhiều chấm vàng, mặt dưới có chất xám, khiến lá chết héo. Bệnh khiến cây kém phát triển, cho ít trái, hoặc không có trái, trái thu được nhỏ phẩn chất kém. Phòng trị bằng cách dùng Viroral 50BTN hoặc Viben – C pha dung dịch xịt lên lá.
Bệnh cháy lá: Bệnh gây hại bởi nấm Collectrichum lagenarium Ell and Halst, khiến lá gấc bị cháy khô cả lá hoặc cháy thành đốm. Cách phòng trị tương tự với bệnh đốm lá.
Bệnh hoa lá: Gây ra bởi virus (CMV), lá bệnh thường bị bị xoắn, đốm vàng, không cho trái, dây mọc còi cọc. Bệnh này do virus nên chưa có thuốc trị, có thể phòng bằng cách cách nhổ bỏ hoặc phun thuốc trị rầy mềm và bọ dừa truyền bệnh để giảm bớt bệnh.
Tuyến trùng: Gây ra do tuyến trùng Meloidogyne spp khiến dây gốc và rễ còi cọc kém phát triển, không cho trái hoặc trái bị vàng. Phòng trừ bằng cách rải một hố 20g Vimoca 10G hoặc 30g Vifuran 10H khi gieo hạt hoặc trồng cây con.
Quy trình thu hái gấc
Chắc chắn giai đoạn thu hoạch trái là thời điểm bạn mong chờ nhất trong suốt khoảng thời gian trồng gấc phải không nào.
Tuy vậy khi thu hoạch bạn cần phải dựa vào đặc điểm của trái, thời gian từ khi trồng gấc để thu hoạch đạt năng suất cao.
Tránh trường hợp thu hoạch trái gấc quá sớm hoặc quá muộn, như vậy trái sẽ có chất lượng thấp, mùi vị cũng như những chất dinh dưỡng có trong trái bị giảm sút rất nhiều.
Để đảm bảo đúng thời gian thu hoạch trái gấc bạn cần lưu ý tới những điều sau:
Chỉ nên tiến hành việc thu hái gấc khi quả đã chuyển sang màu chín đỏ (đỏ đến ½ quả). Màng đỏ bọc ngoài hạt đã dày, khi có nhiều chất béo sẽ chiết tách được càng nhiều dầu Beta-Caroten.
Trong lúc hái nên chọn lựa những ngày có thời tiết nắng, sử dụng dao sắt hay kéo bén cắt cuống trái chừa lại một đoạn dài khoảng 8 đến 10 cm.
Quả được xếp nhẹ nhàng vào trong sọt, một sọt nặng khoảng 10 cho tới 15 kg để dễ dàng cho việc vận chuyển. Dưới đáy sọt cần lót một lớp rơm rạ để giữ cho quả gấc không bị vỡ bẹp, đặc biệt là khi vận chuyển đi những nơi xa.
Trước khi sử dụng trái gấc cần được bảo quản tại những nơi thoáng mát.
Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong về cách trồng gấc cũng như là những kỹ thuật trồng, cách chăm sóc gấc để đạt được chất lượng và năng suất cao rồi.
Qua bài viết này, Fao hy vọng bạn có thể tự tay trồng cho mình những cây gấc sai trĩu quả và mang lại nguồn thu nhập lớn từ chúng nhé. Chúc các bạn thành công!