Đó là nội dung chủ đạo được đưa ra bàn thảo tại Hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 diễn ra ngày 27/11.
Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu tổng quát xuyên suốt là phát triển nông nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng nông sản để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Sau 8 năm triển khai Đề án và 5 năm thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt các nội dung và nhiệm vụ cơ cấu lại và đã tạo được nhiều kết quả rõ nét, tích cực trong thực tiễn, cụ thể:
Ngành nông nghiệp Việt Nam với nhiều hạn chế, yếu kém của nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã từng bước chuyển sang nền nông nghiệp chất lượng và giá trị gia tăng cao, sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường; liên kết chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học công nghệ và quản trị tiến bộ; khả năng cạnh tranh của nông sản được nâng cao….
Đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 190,32 tỷ USD, năm 2020 ước đạt 41 tỷ USD, duy trì 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên.
Năng suất lao động nông nghiệp tăng 6,8%/năm, gấp gần 2 lần mục tiêu đề ra (tăng 3,5%/năm). Năm 2020 ước đạt 44,5 triệu đồng/lao động.
Thu nhập và mức sống cư dân nông thôn ngày càng được cải thiện: Thu nhập của cư dân nông thôn đã tăng từ 32 triệu đồng năm 2016 lên 39,3 triệu đồng/người năm 2019, ước năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người.
An ninh lương thực được bảo đảm, an ninh dinh dưỡng được cải thiện. Công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng.
Đặc biệt, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nông nghiệp thông minh ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng trở thành xu hướng phổ biến.
Trước những tồn tại, hạn chế của ngành, yêu cầu mới của thị trường và hội nhập quốc tế, thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019, phấn đấu đến năm 2030, Nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN-PTNT chủ trì nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Bộ NN-PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu xây dựng dự thảo Kế hoạch, tham vấn ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp có liên quan… Và hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 diễn ra ngày 27/11 không nằm ngoài nội dung đó.
Mục tiêu giai đoạn 2021-2025 hướng tới phát triển nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản, thị trường tiêu thụ; đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Kế hoạch nhấn mạnh, tiếp tục tập trung làm rõ nét 3 nội dung chủ yếu giai đoạn tới là cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm nông nghiệp chủ lực, cơ cấu lại theo từng lĩnh vực và theo từng vùng sinh thái; đề ra các giải pháp trọng tâm, ưu tiên được thúc đẩy thực hiện nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn được Đảng, Chính phủ giao cho ngành, phù hợp với bối cảnh và đặc thù của giai đoạn 2021-2025.
Theo Nông nghiệp