Ông Nguyễn Trung, gần 70 tuổi ở thôn Xuân Phu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên là một nông dân chịu khó tìm tòi, học hỏi cái mới, dám nghĩ, dám làm và là một tấm gương làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Từng đảm nhiệm hơn 15 năm công việc của một trưởng thôn, ông Nguyễn Trung vừa đảm nhiệm công việc xã hội vừa lo toan kinh tế của gia đình. Với suy nghĩ phải tìm ra hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời làm gương cho bà con xóm làng noi theo, ông luôn mày mò học hỏi trên sách, báo, tích cực tham gia các lớp tập huấn phổ biến, giới thiệu tiến bộ, mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp. Ông cũng đã từng triển khai nhiều mô hình sản xuất như nuôi ếch, nuôi cá chình,… nhưng chưa thành công.
Tình cờ, cách đây 4 năm, ông được tham gia đoàn của Hội Nông dân xã đến tham quan những mô hình nông nghiệp thành công tại các tỉnh phía Nam, trong đó ông rất ấn tượng với mô hình nuôi ốc bươu đen.
Qua tìm hiểu, ông được biết ốc bươu đen dễ nuôi, thịt ốc giòn ngon được thị trường ưa chuộng nhưng ốc trong tự nhiên ngày càng ít. Thấy được điều này, ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi ốc bươu đen trong bể lót bạt.
Ban đầu ông đầu tư một bể lót bạt diện tích 20 m2 và đặt mua 10 kg ốc giống từ thành phố Hồ Chí Minh về thả. Mặc dù đã tìm hiểu về kỹ thuật nuôi nhưng thời gian đầu ốc phát triển chậm và chết dần. Kết quả ốc chết lên đến hơn 70%. Thất bại không làm ông nản lòng, ông lại tiếp tục đầu tư nuôi lại và học hỏi thêm kỹ thuật của bạn bè ở phía Nam và ông đã nuôi thành công 2 năm trở lại đây. Ông đã mở rộng thêm diện tích nuôi thành 04 bể với diện tích hơn 100m2.
Theo ông Trung, tuy ốc bươu đen sống ở bùn nhưng lại ưa sạch, vì vậy phải thường xuyên vệ sinh bể nuôi, xử lý môi trường nuôi. Thức ăn của ốc cũng cần đầy đủ, đều đặn với các loại hoàn toàn tự nhiên như: bèo, lá khoai, lá sắn,… Ốc thường sinh sản nhiều nhất từ tháng 6 đến tháng 11. Cần chú ý khi ốc sinh sản nên gom trứng về ấp thì tỷ lệ nở mới cao. Thời gian ấp trứng là từ 10-15 ngày, ốc nở theo tổ. Ốc nuôi sau 4-5 tháng là có thể xuất bán. Nuôi ốc nhàn rỗi, sử dụng công lao động không nhiều nên nuôi có lãi hơn các loại vật khác.
Hiện trên thị trường, ốc thịt có giá 50.000 – 60.000 đồng/kg. Ngoài bán ốc thịt, ông cũng bán ốc con giống, ốc bố mẹ cho bà con vùng lân cận. Tính ra mỗi tháng bình quân thu nhập của ông từ 8 – 10 triệu đồng từ ốc bươu đen.
Bên cạnh ốc bươu đen, lão nông này còn chăn nuôi gà chọi giống để bán con. Với hơn 100 con gà mái, mỗi tháng ông xuất bán hơn 100 con gà nòi giống 1 – 1,5 tháng tuổi. Gà giống của gia đình ông có mẫu mã đẹp, giá bán bình quân 50.000 đồng/con và bán chủ yếu cho thương lái ở Bình Định và Khánh Hòa, cho nguồn thu khoảng 6 triệu đồng. Những con không đủ chuẩn bán ông để lại nuôi lấy thịt và có thêm một nguồn thu từ gà thịt.
Với người dân ở vùng biển xã An Ninh Tây thì việc có thu nhập hàng tháng khoảng 15 triệu đồng là điều nhiều người mơ ước. Mô hình sản xuất của ông Trung là tấm gương để những nông khác học tập làm theo nhằm nâng cao thu nhập của gia đình.
Theo Trạm Khuyến nông huyện Tuy An, Phú Yên