Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Liệu Trung Quốc có thể đưa ngành thủy sản đi theo lộ trình bền vững?

Trung Quốc là nhà sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới và nhu cầu thủy sản của đất nước tỉ dân được dự đoán sẽ vượt cung đến 18 triệu tấn/năm vào năm 2030. Với vai trò quan trọng như vậy, liệu Trung Quốc có thể dẫn dắt ngành thủy sản toàn cầu đi theo hướng bền vững hơn hay không?

Đầu những năm 1980, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình bắt đầu khởi xướng các cải cách mới để định hình lại nền kinh tế Trung Quốc. Ông nghiêm túc đề ra mục tiêu đưa gần 1 tỉ dân thoát khỏi cảnh nghèo đói và hướng đến cuộc sống sung túc như ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Trong suốt hơn hai thập kỉ, thế giới đã duy trì một trạng thái cân bằng. Khi đó, một nhóm nhỏ dân cư tập trung tại châu Âu và Bắc Mỹ được hưởng nhiều tiện nghi vật chất nhờ vào nguồn cung hàng hóa giá rẻ và ổn định từ một số nước nghèo.

Bài toán về nguồn cung thủy sản của Trung Quốc

Bằng cách nỗ lực biến Trung Quốc thành một nền kinh tế tiêu dùng với tầng lớp trung lưu dư giả về vật chất, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình chắc chắn phải nhận ra ông sẽ tăng gấp đôi lượng tiêu thụ xe ô tô, máy giặt, điều hòa, rượu vang và túi Louis Vuitton trên thế giới.

Tuy nhiên, liệu nhà lãnh đạo họ Đặng có lường trước được thái độ khó chịu từ phương Tây hoặc các thách thức thực tế về môi trường và biến đổi khí hậu mà mục tiêu tham vọng của ông tạo ra?

Đó là câu hỏi của cây bút David Dodwell, Giám đốc Điều hành của viện chính sách Hong Kong-APEC Trade Policy Study Group sau khi đọc qua nghiên cứu của nhà phân tích Beatrice Crona và nhóm học giả từ Stockholm Resilience Centre (SRC).

Theo South China Morning Post, nhóm nghiên cứu trên đã tiến hành phân tích những khó khăn mà Trung Quốc phải đối mặt khi cố gắng cung ứng đủ thủy sản cho dân cư ngày càng giàu có của nước này.

Trong quá khứ, Trung Quốc có thể tự sản xuất phần lớn nguồn cung thủy sản cho người dân. Song, SRC cảnh báo vào năm 2030, cầu sẽ vượt cung và con số có thể lên đến 18 triệu tấn/năm.

Nghiên cứu của SRC nêu rõ, trong một thế giới mà tổng sản lượng thủy sản toàn cầu năm 2018 lên tới 179 triệu tấn, việc Trung Quốc trở thành một nhà nhập khẩu lớn “chắc chắn sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với nguồn cung và thị trường thủy sản toàn cầu”.

Ông Dodwell trích dẫn nghiên cứu của SRC cho biết: “Để lấp đầy khoảng trống nguồn cung, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải tăng cường nuôi trồng thủy sản nước ngọt và hải sản nước mặn, tăng nhập khẩu thủy sản, mở rộng đánh bắt xa bờ và đầu tư vào sản xuất thủy sản ở nước ngoài”.

Các biện pháp trên đều có thể gây ra tranh chấp hoặc thách thức lớn về môi trường ở Trung Quốc cũng như tại nước ngoài, vị chuyên gia nhấn mạnh trong bài viết trên South China Morning Post.

Thị hiếu của đất nước tỉ dân đã thay đổi

Trở lại năm 1978, phần lớn người dân Trung Quốc chủ yếu sống nhờ vào ngũ cốc thô, các loại đậu và rau củ. Ngày nay, thói quen của phương Tây đã du nhập vào đất nước tỉ dân, chế độ ăn của họ ngập tràn chất béo, đường và protein động vật.

Điện lạnh cùng với sự bùng nổ của nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản đã giúp người dân trung lưu ở khu vực thành thị có thể tiếp cận nguồn cung tươi ngon dù sống cách bờ biển hàng nghìn km.

Dù Trung Quốc trong nhiều năm qua luôn là nhà sản xuất và kinh doanh cá lớn nhất thế giới, mối liên hệ giữa đất nước tỉ dân và các sản phẩm cá đang thay đổi đáng kể.

Trước đây, hầu hết cá mà Trung Quốc nhập khẩu chỉ ở lại trong nước trong thời gian ngắn. Các nhà máy chế biến khổng lồ, tập trung dọc theo bờ biển Sơn Đông, sẽ phi lê cá, sau đó tái xuất sang phương Tây giàu có.

Ở Trung Quốc, ngành nuôi trồng thủy sản khổng lồ đã hình thành trên các hồ và đường thủy nội địa, chủ yếu là nuôi cá chép và cá rô phi. Cá chép được tiêu thụ trong nước, còn cá rô phi sẽ được phi lê để xuất khẩu.

Tuy nhiên, khi người dân ngày càng giàu có và quá trình đô thị hóa tăng tốc, lối sống và thị hiếu ẩm thực của họ ngày nay đã thay đổi hoàn toàn.

Nhà phân tích Beatrice Crona lưu ý, quan niệm của người tiêu dùng Trung Quốc về thủy sản an toàn và chất lượng cao hiện nay “thường liên quan đến sản phẩm tự nhiên (thay vì được nuôi trồng), nước mặn (thay vì nước ngọt), nhập khẩu (thay vì sản xuất trong nước), đặc biệt là nhập khẩu từ các nước được cho có vùng biển sạch như Australia, Na Uy và Bắc Mỹ”.

Theo ông Dodwell, thị hiểu của người Trung Quốc thay đổi có tác động lớn đến ngành thủy sản toàn cầu, vì cá được “đánh bắt tự nhiên” mà tầng lớp trung lưu giàu có của Trung Quốc đang rất ưa chuộng chủ yếu đến từ các đại dương lớn.

Tỉ lệ đánh bắt hàng năm ở các đại dương này gần như không nhích khỏi mốc 90 triệu tấn/năm trong suốt ba thập kỉ qua. Chỉ riêng năm 2018, tỉ lệ này tăng lên được 96,4 triệu tấn.

Tuy nhiên, hầu như các nguồn bổ sung vào nguồn cung thủy sản thế giới kể từ những năm 1980 đến nay đều đến từ nuôi trồng. Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, lại chiếm ưu thế ở mảng này khi đến 89% trong 114,5 triệu tấn thủy sản được nuôi trồng trong năm 2018 đến từ đây.

Nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tập trung vào đánh bắt tự nhiên ở biển nhưng hầu hết nguồn cung mới lại đến từ nuôi trồng. Tuy nhiên, chúng ta lại đang lo ngại về những thiệt hại mà hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ra cho môi trường.

Nếu như vậy, thế giới có thể phải đối mặt với mối nguy lớn mà bà Crona kín đáo gọi là “sự thiếu nhất quán về chính sách”. Vấn đề này không chỉ phát sinh tại Trung Quốc mà còn diễn ra với ngành thủy sản toàn cầu.

Hàm ý cho ngành thủy sản toàn cầu

Trong nghiên cứu, nhà phân tích Beatrice Crona và đồng nghiệp đã chỉ ra ba điểm “đáng chú ý” cho tương lai ngành thủy sản.

Thứ nhất, bối cảnh giao dịch thương mại thủy sản toàn cầu sẽ thay đổi đáng kể. Trung Quốc sẽ tiếp tục là nhà nhập khẩu thủy sản và bột cá lớn nhất thế giới, song đất nước tỉ dân sẽ giữ lại nhiều hàng nhập khẩu cho tiêu dùng nội địa hơn.

Đại dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất thủy sản và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và làm dấy lên lo ngại về vấn đề an ninh lương thực. Ngành thủy sản cũng do đó mà đối mặt với nhiều rủi ro, bất ổn.

Thứ hai, Trung Quốc có thể sẽ theo đuổi chiến lược “tự mình đánh bắt” và tranh giành nhiều thị phần đánh bắt ở vùng biển quốc tế hơn nữa. Ông Dodwell dự đoán chính phủ có thể sẽ tăng trợ cấp cho đội tàu đánh cá trên biển nhằm hiện thực hóa chiến lược trên, dù hiện tại các khoản hỗ trợ đã rất lớn. Song, điều đó lại đặt ra nhiều câu hỏi về tham vọng gia tăng sức mạnh trên biển của chính quyền ông Tập Cận Bình.

Thứ ba, người Trung Quốc cũng có khả năng đầu tư vào sản xuất thủy sản ở các nước khác cũng như tăng cường kiểm soát nguồn cung bột cá. Các khoản đầu tư này có thể giúp giảm thiểu thiệt hại từ hoạt động nuôi trồng thủy sản bên trong Trung Quốc và tạo thêm việc làm ở nước tiếp nhận đầu tư.

Tuy nhiên, SRC cảnh báo “tác động môi trường và xã hội mà các khoản đầu tư của Trung Quốc tạo ra không được ghi chép nhiều và vẫn còn là một chủ đề tranh luận gay gắt”.

Từ năm 2017, Trung Quốc đã triển khai nghiên cứu nhằm xây dựng một nền kinh tế biển bền vững. Ông David Dodwell của Hong Kong-APEC Trade Policy Study Group cho rằng chúng ta nên hi vọng nỗ lực của Trung Quốc sẽ làm giảm bớt, thay vì làm trầm trọng thêm, những thách thức của ngành thủy sản toàn cầu.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng