Nhu cầu yếu, trong khi nguồn cung trong nước tăng khiến nhập khẩu thịt lợn có xu hướng giảm trong tháng 8/2021. Giá lợn hơi giảm sâu, nhiều hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ vẫn đang phải nuôi cầm cự lợn quá lứa và cạn vốn để tái đàn. Giá lợn hơi cuối năm có thể tăng cao do chịu tác động cộng hưởng thiếu cung và cầu tăng mạnh.
Việt Nam giảm nhập khẩu thịt lợn trong tháng 8/2021
Trong tháng 9/2021, lệnh hạn chế di chuyển tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp tục tác động tới hoạt động vận chuyển và tiêu thụ thịt lợn. Cùng với sản lượng tiếp tục phục hồi, giá lợn hơi tiếp tục giảm trên cả nước. Trong tháng 9/2021, giá lợn hơi tại các khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 44.000 – 49.000 đồng/kg, giảm 5.000 – 7.000 đồng/kg so với cuối tháng 8/2021; tại các khu vực vực miền Trung và miền Nam dao động trong khoảng 47.000 – 49.000 đồng/kg, giảm 4.000-6.000 đồng/kg so với cuối tháng 8/2021. Đây là mức giảm giá mạnh hơn so với các tháng trước.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 109,99 nghìn tấn, trị giá 254,79 triệu USD, tăng 70,1% về lượng và tăng 67% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong 8 tháng đầu năm 2021, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh chủ yếu được nhập khẩu từ Nga chiếm 40,7%; Brazil chiếm 14%; Canada chiếm 12,5%; Đức chiếm 11,6% và Ba Lan chiếm 5,3%…
Tết năm nay có nguy cơ thiếu thịt lợn
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, xu hướng giảm giá có thể kéo dài đến hết tháng 10/2021. Dự báo đầu tháng 11/2021, khi nhu cầu tăng theo quy luật thị trường, thì giá thịt lợn sẽ bắt đầu tăng trở lại.
Thời gian qua, các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ khá lao đao vì giá lợn ở mức thấp trong nhiều tháng. Trong khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại tại một số địa phương và giá thức ăn chăn nuôi cao tiếp tục gây áp lực lên các công ty và hộ chăn nuôi.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra sáng 5/10, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết, thông thường, thời điểm thả giống để phục vụ dịp Tết rơi vào khoảng tháng 7 bởi phải mất 6 – 8 tháng mới có thể xuất chuồng. Tuy nhiên, hiện nhiều hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ vẫn đang phải nuôi cầm cự lợn quá lứa trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi trong những tháng qua đã tăng phi mã tới 40%. Điều này khiến các hộ chăn nuôi rơi vào tình trạng cạn vốn.
“Triển vọng giá lợn hơi có thể phục hồi mạnh vào cuối năm được xem là cơ hội cho các ông lớn của ngành chăn nuôi trong khi lại là điều tiếc nuối với những hộ, trang trại nhỏ lẻ khi họ vẫn đang “mắc kẹt” với số lợn quá lứa, trong khi vốn đã cạn dần, chưa thể thả mới để kịp lễ Tết”, ông Trọng cho hay.
Do đó, nếu không nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ khâu tiêu thụ, tái đàn thì nguy cơ thiếu thịt lợn cục bộ trong quý IV/2021, Tết Nguyên đán năm nay là rất cao. Ông Trọng cũng cảnh báo giá lợn hơi cuối năm có thể tăng cao do chịu tác động cộng hưởng thiếu cung và cầu tăng mạnh.
Giải pháp trước mắt là tiêu thụ hết được số lợn hơi đang tồn đọng trong chuồng, vì hiện nay trọng lượng của lợn nhiều con dao động từ 1,2 – 1,4 tạ vẫn chưa được xuất chuồng do giá lợn xuống thấp 50.000 đồng/kg, bà con không có lãi. Hiện nay, các hộ chăn nuôi lợn cũng gặp khó khăn về việc đảm bảo an toàn sinh học khi tái đàn, thiếu vốn. Do vậy, ông Trọng cho rằng cần phải có giải pháp hỗ trợ về vốn, cũng như khuyến nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chủ động tái đàn để đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam tiếp tục là một trong số những nước tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người hàng đầu thế giới, đứng thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Hàn Quốc và được dự báo sẽ vươn lên vị trí thứ 2 vào cuối năm 2021.
Sự phát triển của ngành chăn nuôi lợn thịt Việt Nam là động lực chính của ngành thực phẩm trong nước. Sản lượng thịt lợn dự kiến tăng lên 4 triệu tấn vào năm 2025, trước khi đạt mức 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với tốc độ tăng trưởng bình quân năm 3,1% trong giai đoạn 2021-2030.
Theo Báo Công thương