Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá thành bán ra chưa tương xứng khiến người nuôi gia cầm e ngại tái đàn; nguy cơ thiếu hụt trứng gà, vịt hiện hữu.
Nhiều bà nội trợ tại TPHCM cho biết, gần đây tại nhiều chợ truyền thống, số lượng trứng gà về chợ ít hơn trước.
Chị Minh Thi (ngụ đường Bà Hom, quận Bình Tân) nói: “Trước đây khu chợ gần nhà tôi, tiểu thương bày bán rất nhiều trứng gà, vịt, trứng cút được đem từ quê lên nhưng giờ số lượng đã giảm rất nhiều. Người bán cho hay, do đứt nguồn cung nên hàng ít, giá cả có nhích lên như trứng gà 35.000 đồng/chục, trứng cút 7.000 đồng/chục…”.
Tại siêu thị Go!, trứng gà có giá rẻ hơn với 24.000 đồng/vỉ nhưng giới hạn số lượng với khách mua. Cụ thể mỗi người chỉ được mua 2 vỉ/ngày.
Ngày 7/5, trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food) cho rằng, nguồn cung trứng đang thiếu so với nhu cầu. Nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đang tăng cao, khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân giá tăng là do nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn tiếp tục lên cao do thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ. Đồng thời, căng thẳng giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) cũng tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường.
Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 551 triệu USD TĂCN và nguyên liệu (giảm 19% so với cùng kỳ). Nguồn nhập chủ yếu từ Argentina, Brazil và Mỹ. Hiện, nguồn cung ngô từ Nga và Ukraine đang thiếu hụt nên giá tăng mạnh.
“Việc TĂCN tăng cao thời gian qua bắt nguồn từ ảnh hưởng cuộc chiến Nga – Ukraina, hiện mức tăng đã lên tới 20-30%. Giá nguyên liệu tăng cao, trong khi giá trứng bán ra tăng chưa tương xứng nên người nuôi gặp khó. Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không dám tái đàn vì lo lỗ; thậm chí nhiều trang trại chỉ tái đàn với quy mô thu hẹp, dẫn đến nguy cơ thiếu trứng do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu” – ông Thiện nói.
Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân cho biết, tổng mức tăng giá TĂCN đã lên đến 30%, chi phí này chiếm tới 70 – 80% giá thành chăn nuôi. Do tham gia chương trình bình ổn thị trường của TPHCM nên sau đợt điều chỉnh giá thịt, trứng gia cầm mới đây, Ba Huân không thể tăng giá sản phẩm nữa dù chi phí đầu vào liên tục tăng cao. Sức mua thị trường vẫn còn yếu nên công ty đành chấp nhận lỗ.
Nhiều hộ nuôi gà ở Đồng Nai cũng lo lắng khi giá cám tăng liên tục đã đẩy giá thành chăn nuôi gà công nghiệp (lông trắng) lên đến 27.000 – 28.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn nếu gặp rủi ro dịch bệnh. Thế nhưng giá bán ra nếu không có hợp đồng ký từ trước thì tăng giảm vô chừng.
Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ nhìn nhận, rất nhiều người nuôi gà công nghiệp đang có nguy cơ thua lỗ lớn khi giá thành chăn nuôi tăng liên tục nhưng giá gà bán ra thường thiếu ổn định, dưới giá thành sản xuất.
Theo Tiền Phong