Giờ mờ cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày
My Cart
0
Blog

Nhu cầu gạo thơm tại Mỹ tăng mạnh – cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam

Nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với gạo thơm đặc sản đã tăng đều đặn trong những thập kỷ gần đây do sự thay đổi về nhân khẩu học cũng như thị hiếu của người tiêu dùng.

Nhập khẩu gạo của Mỹ mấy năm gần đây liên tiếp tăng lên những mức cao kỷ lục. Nhập khẩu năm 2020/21 tăng mạnh, thêm 29% so với năm trước đó. Gạo nhập khẩu hiện chiếm hơn 1/4 tổng tiêu thụ gạo ở Mỹ. Động cơ dẫn tới nhập khẩu gạo tăng mạnh đến từ gạo thơm Châu Á.

Bản thân nước Mỹ có sản xuất một số loại gạo thơm, nhưng chất lượng không giống với gạo thơm Châu Á.

Vấn đề phức tạp hơn nữa đối với các nhà xuất khẩu gạo của Mỹ là một số khách hàng nước ngoài cho rằng gạo lai của Mỹ thiếu chất lượng và không ổn định.

Ngoài ra, tại các thị trường nhập khẩu không chỉ chú trọng tới yếu tố giá cả mà còn tới cả chất lượng thì xu hướng trồng lúa lai năng suất cao của các nhà sản xuất gạo Mỹ đã làm giảm nhu cầu của nhà nhập khẩu đối với gạo Mỹ. Nếu không thay đổi để thích ứng, ngành xuất khẩu gạo Mỹ sẽ ngày càng trì trệ.

Gạo Mỹ nguy cơ đánh mất sân nhà

Hiện nay, gạo thơm do Mỹ trồng chỉ chiếm chưa đến 5% thị trường nội địa. Nếu ngành gạo Mỹ thành công trong sản xuất gạo thơm, điều đó có thể làm cho ngành lúa gạo nước này đang trì trệ chuyển mình trở thành đối thủ cạnh tranh với Châu Á trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, việc nắm bắt thêm thị phần và làm cho giá cả trở nên hợp lý sẽ cần những kế hoạch đầu tư bài bản.

Để cạnh tranh với những loại gạo thơm nổi tiếng và đáng tin cậy mà Mỹ đang nhập khẩu, ngành công nghiệp gạo Mỹ sẽ cần đầu tư vào kho chứa, vận chuyển và khâu xay xát, đồng thời phải hợp tác tốt với các nhà bán lẻ hàng hóa.

Ngoài ra, ngành này cũng phải tiếp tục đầu tư phát triển hạt giống để đáp ứng nhu cầu của người xay xát và người tiêu dùng về chất lượng, đồng thời vẫn phải đáp ứng được kỳ vọng của người trồng lúa về mặt năng suất. Nói chung, những thách thức liên quan đến sản xuất, chế biến và tiếp thị gạo thơm của Mỹ trên quy mô lớn là rất lớn.

Rủi ro lớn nhất là nhu cầu của người tiêu dùng trong nước vẫn đang không ngừng chuyển từ gạo thường sản xuất trong nước sang gạo thơm cao cấp nhập khẩu.

Cơ hội cho gạo thơm của Việt Nam

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Mỹ còn chiếm thị phần nhỏ, nhưng đã có chỗ đứng nhất định.

Trong năm 2020, tổng xuất khẩu gạo Việt Nam sang Mỹ đạt 20.168 tấn, trị giá 13.941 nghìn USD, tăng lần lượt 10% về khối lượng và 17% về kim ngạch so với năm trước đó, chiếm 0,32% tổng thị phần xuất khẩu gạo cả nước về khối lượng nhưng tới 0,45% về kim ngạch, cho thấy cơ cấu gạo xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu là gạo chất lượng cao.

Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường này bị giảm sút do dịch Covid-19 và cước phí vận tải tăng cao. Trong 8 tháng, xuất khẩu gạo sang Mỹ đạt 10.161 tấn, kim ngạch 7.518 nghìn USD, giảm lần lượt 27% và 21% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xét theo tỷ trọng thị trường thì vẫn thấy rõ sự vượt trội về chủng loại gạo chất lượng cao, khi chiếm 0,25% tổng khối lượng gạo xuất khẩu nhưng tới 0,35% tổng kim ngạch.

Hiện nay, thị trường Mỹ rất ưa chuộng các loại gạo thơm, hạt dài như ST25. Gạo ST25 đã nhập khẩu vào Mỹ gần 1 năm nay và được người tiêu dùng ở đây đánh giá cao cả về chất lượng và giá thành. Theo tính toán của các doanh nghiệp, nhu cầu gạo ST25 của người tiêu dùng ở khu vực bờ Đông nước Mỹ hiện khoảng 6 – 7 container. Mặc dù thị phần của gạo Việt Nam ở Mỹ còn khiêm tốn so với Thái Lan và Ấn Độ, song với chủ trương chuyển đổi cơ cấu gạo, tập trung vào các giống đặc sản, chất lượng cao, kỳ vọng xuất khẩu sang thị trường này sẽ không ngừng tăng trong thời gian tới.

Tham khảo: USDA

Theo Nhịp sống kinh tế