Ngày 8-7, tại An Giang, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2022 tại Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long”.
Vụ hè thu 2022, tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam Bộ là trên 1,5 triệu hecta, giảm 20.000 ha so với vụ hè thu 2021; năng suất ước đạt 5,7 tấn/ha, tăng 0,06 tấn/ha; sản lượng ước đạt 9 triệu tấn, giảm 13.000 tấn so với vụ hè thu 2021.
Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống trên 1,49 triệu ha, giảm 16.000ha; năng suất ước đạt 5,7 tấn/ha. Còn vùng Đông Nam Bộ xuống giống 82.000ha, giảm 3.600ha; năng suất ước đạt 5,6 tấn/ha, tăng 0,2 tấn/ha; sản lượng đạt 465.000 tấn.
Vụ thu đông 2022, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 700.000ha, giảm 3.500ha; năng suất 5,7 tấn/ha, tăng 0,05 tấn/ha; sản lượng 4,0 triệu tấn, tăng 17.000 tấn so với thu đông 2021.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đỉnh lũ chính vụ năm 2022 có khả năng xuất hiện vào giữa tháng 10, mực nước đỉnh lũ tại Tân Châu dao động ở mức 3,5 – 3,7m (xấp xỉ và trên mức báo động 1 từ 0,1 – 0,2m, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm khoảng 0,2 – 0,4m, cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 0,7 – 0,9m), mực nước đỉnh lũ tại Châu Đốc dao động ở mức 3 – 3,2m (xấp xỉ và trên mức báo động 1 từ 0,1 – 0,2m, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,3 – 0,5m, cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 0,4 – 0,6m). Nhìn chung, đỉnh lũ năm 2022 ở mức xấp xỉ và cao hơn mức báo động 1, thấp hơn trung bình nhiều năm, nhưng cao hơn năm 2021.
Bà Hồ Thị Ngọc Lan – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An – cho biết đến thời điểm này Long An có hàng ngàn hecta giảm trong vụ hè thu là do người dân bỏ lúa. Vì giá vật tư nông nghiệp tăng cao do ảnh hưởng của “bão giá”, đặc biệt là phân bón vật tư nông nghiệp nên nông dân Long An đã giảm diện tích trồng lúa hơn 4.000ha.
“Mặc dù chúng tôi đạt kế hoạch hè thu 2022 nhưng so với cùng kỳ 2021 thì diện tích lúa tại Long An giảm. Nguyên nhân chính do người dân trồng lúa không có lợi nhuận (nhất là người trồng lúa thuê) đã trả đất cho chủ ruộng. Tôi kiến nghị bộ và các tỉnh thành phải bắt tay xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả lộng hành gần đây gây bức xúc dư luận”, bà Lan nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh khẳng định giá phân bón hiện nay rất cao đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, bà con nông dân đã giảm được phân bón, thuốc rất nhiều để giảm chi phí sản xuất rất lớn nên ít sâu bệnh, ít phun thuốc hơn.
“Nhờ giảm chi phí kịp thời mà nông dân trong vụ này chắc chắn có chi phí rất thấp hơn so với các năm trước. Do đó, các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng phân, thuốc để tiết kiệm sản xuất hiệu quả hơn.
Theo các ngành, năm 2022 nay lũ sẽ không lớn, chỉ cao hơn báo động 1 mà thôi. Tức là dao động chừng 3,7m tại Tân Châu. Tuy nhiên chúng ta không được chủ quan, nhất là các địa phương ven biển: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu…”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định.
Theo Tuổi Trẻ