Trước đây, ớt bán được giá, nông dân Lạng Sơn đua nhau mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, mới vào đầu vụ 2020, giá rớt thê thảm, chỉ bằng 1/5 năm ngoái mà khó bán, khiến bà con như ngồi trên đống lửa.
Cuối tháng 5, nắng như đổ lửa, trên những thửa ruộng ở hai huyện Chi Lăng và Lộc Bình, người dân bắt đầu thu hái ớt chín đầu mùa bán cho thương lái. Đầu năm mưa lớn kéo dài ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây ớt. Anh Hoàng Văn Cường (ở thôn Chằm Páng, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng) cho biết, năm ngoái, gia đình trồng 2 sào ớt, bán với giá 70.000-100.000 đồng/kg, trừ chi phí, có lãi hơn 40 triệu đồng.
“Vụ ớt năm nay, tôi trồng 4 sào. Ngay từ đầu vụ, giá ớt loại 1 (ớt xuất khẩu) mới được giá khoảng 20.000 đồng/kg, còn loại 2 (tiêu thụ nội địa) chỉ bán được 7.000 đồng/kg. Như vậy, cầm chắc lỗ vốn nặng vì tôi bỏ tiền mua giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vào khoảng 12 triệu đồng. Chưa kể ba lao động của gia đình thường xuyên chăm sóc, thu hái ớt cả vụ ròng rã 3 tháng trời”, ông Cường nói.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, năm 2020, diện tích gieo trồng ớt toàn tỉnh cao nhất từ trước đến nay với 1.389 ha, tăng gần 620 ha so với năm 2019. Riêng huyện Chi Lăng có diện tích trồng ớt là 826 ha, tăng 326 ha so với năm 2019, huyện Lộc Bình 298 ha, tăng trên 100 ha.
“Ngay từ đầu vụ gieo trồng, Phòng Nông nghiệp huyện đã có văn bản gửi các xã, thị trấn khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích. Tuy nhiên, người dân vẫn ồ ạt trồng ớt dẫn đến kết cục ớt rớt giá mà không tiêu thụ được”, ông Lương Thành Trung, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng, nói.
Bà Hoàng Thị Điệp, thương lái chuyên thu mua ớt xuất khẩu ở địa phương, nói rằng, hiện nay, ớt tươi của tỉnh vẫn chủ yếu được xuất bán sang Trung Quốc. Năm nay, diện tích trồng ớt tăng cao, sản lượng dồi dào, trong khi phía Trung Quốc thu mua hạn chế, nhất là khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.